Phận đời nghiệt ngã của thiếu phụ mắc bạo bệnh, bị chồng “bỏ rơi“

(PLO) - Không cam chịu phận cơ cực, nhìn cảnh vợ bị liệt, lở loét toàn thân, lại sợ cảnh “gà trống nuôi con”, người chồng trẻ đã nhẫn tâm ruồng bỏ người vợ cùng đứa con trai 3 tháng ra đi. 

Chị Phạn nằm viện điều trị.
Chị Phạn nằm viện điều trị.
Bị kịch đôi vợ chồng trẻ
8 năm qua, trên khuôn mặt người phụ nữ bất hạnh ấy - chị Lê Thị Phạn (SN 1985), trú thôn Dương Quang, xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) không lúc nào vơi nỗi buồn.
Mới 30 tuổi những trông chị Phạn già nua, thiểu não như đã ở tuổi trung niên. Cách đây 9 năm, chị từng có một tổ ấm gia đình hạnh phúc như bao người. Khi ấy, chị mới chớm bước qua cái tuổi 23, độ tuổi nhiều ước mơ và hoài bão lớn, đã se duyên cùng một người chồng ngang tuổi với mình. Chồng chị là một thanh niên ở làng bên, hiền lành, chất phác, làm nghề đi biển.
Đám cưới của chị Phạn diễn ra trong niềm vui khôn xiết của người thân và bạn bè, chòm xóm. Thời đó, cuộc sống còn lắm khó khăn, chị cũng chưa có thời gian để cùng chồng đăng ký kết hôn. Đám cưới xong, chị Phạn mang thai rồi sinh đứa con trai đầu lòng rất kháu khỉnh.
Nghiệt ngã thay, sau khi sinh con, chị Phạn bắt đầu cảm thấy đau nhức, ê ẩm toàn thân. Vì nhà nghèo, chị cố gắng chịu, không đi viện. Mãi khi lên cơn đau nhói, chồng chị mới đưa đi khám. Bác sĩ bảo chị bị thoát vị đĩa đệm, phải mổ gấp để tránh di căn về sau. Thương vợ, chồng chị đã gom góp và đi vay mượn khắp nơi để đưa chị đi mổ. 
Ba tháng sau khi sinh, chị Phạn nhập viện phẫu thuật thoát vị đĩa đệm. Người khác, sau nửa tháng có thể đi lại được; còn chị, một tháng, hai tháng, ba tháng… bị liệt toàn thân. Nằm lâu, do thời tiết, do chế độ chăm sóc chưa chu đáo, trên vùng lưng, mông, đùi chị Phạn bắt đầu xuất hiện những cục mủ nhỏ. Dần về sau, cục mủ ấy phát tác khắp người gây lở loét toàn thân.
Chưa đầy một năm, vừa phải một mình “gà trống nuôi con”, vừa chăm vợ bệnh tật với vết thương lở loét, lại phải lo gánh vác kinh tế gia đình, chồng chị Phạn đã nản chí, bắt đầu xao nhãng chuyện vợ con, thay đổi tâm tính. Một thời gian sau, chồng chị đã đoạn tuyệt tình cha con, nghĩa vợ chồng, nhẫn tâm bỏ lại vợ bệnh, con thơ đi biệt xứ. 
Kể từ đó, dù đã trải qua 8 năm, chồng chị vẫn biệt tích, không thư từ, điện thoại, lời hỏi thăm. Gặp ai, chị Phạn cũng hỏi thăm tin tức của chồng. Chị tâm sự rằng, chưa bao giờ oán trách chồng bỏ mình ra đi, chị chỉ mong chồng sẽ nghĩ về đứa con trai nơi quê nhà.
“Ảnh (chồng) bỏ cũng đúng thôi. Ảnh còn trẻ, còn nhiều ước mơ, sao có thể chịu cảnh khổ sở như thế được. Nếu chị là ảnh sẽ hiểu mà… chị không sống được lâu, chỉ sợ khi chị mất đi, đứa con trai sẽ không ai dạy dỗ, sống kiếp mồ côi không cha, không mẹ, tội lắm!” – chị Phạn nuốt nước mắt chia sẻ.
"8 năm qua nếu không có cha mẹ, chắc chị không sống nổi" - chị Phạn tâm sự.
"8 năm qua nếu không có cha mẹ, chắc chị không sống nổi" - chị Phạn tâm sự. 
Điều ước giản đơn
Từ ngày chồng bỏ đi, mẹ con chị Phạn sống nương nhờ vào gia đình cha mẹ ruột. Nhà cha mẹ làm nông, đông con nên cuộc sống cũng chỉ tạm qua bữa. Riêng mẹ con chị Phạn nhiều năm qua nằm trong danh sách nhận được sự trợ cấp của Nhà nước. Còn cháu Lê Tuấn Phong (học sinh lớp 2D, Trường Tiểu học Đức Thắng, con chị Phạn) đi học được nhà trường miễn học phí.
Nhà nghèo, không có tiền đi viện, chị Phạn chấp nhận buông xuôi số phận, nằm chờ chết. Cơ thể chị Phạn giờ ốm yếu, xanh xao đi rất nhiều. Tuy nhiên, vết thương bắt đầu lở loét toàn thân, bốc mùi hôi tanh và biến chứng. Toàn thân chị bị lở loét sâu ở 8 nơi, hai chân co quắp, teo tóp. Thấy vậy, cha mẹ ruột đã phải xoay xở tiền nong để đưa chị ra Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng chữa trị. Tại đây, gia đình như chết đứng khi biết chị Phạn bị mắc thêm căn bệnh ung bướu ở cổ, đang phát triển ngày càng lớn.
Theo khuyến cáo bác sĩ, chị Phạn phải kiếm tiền chữa lần lượt từng căn bệnh, tránh những hậu quả khôn lường về sau. Trước mắt, Bệnh viện làm thủ tục chuyển chị qua Khoa Tổn thương tủy sống, Bệnh viện Phục hồi Chức năng TP.Đà Nẵng để rửa vết thương lở loét và tập vận động, vật lí trị liệu. Khi sức khỏe tạm ổn, có thể ngồi được thì mới tính đến căn bệnh ung bướu kia.
Nhiều người ghé thăm chị Phạn cũng không khỏi lặng đắng trước bi cảnh của thiếu phụ này. “Thật xót xa vô cùng, cả nhà ơi! Trên lưng và mông của chị có đến 8 chỗ bị lở loét, 2 chân thì co rút, sưng phù, nước da xanh xao vàng vọt do ăn uống thiếu thốn. Cuộc sống của chị Phạn đang héo mòn từng ngày, từng giờ, nhìn vô cùng bi thương, khốn khổ. Rất mong nhận được nhiều sự chung tay giúp đỡ của mọi người.” – một cán bộ cứu trợ nhân đạo thương xót thốt lên.
Khuôn mặt buồn bã, phờ phạc vì nhiều đêm thức trắng cùng con, bà Lê Thị Lan (55 tuổi, mẹ chị Phạn) ngồi thẫn thờ đành nuốt nước mắt vào trong khi nghĩ về đứa con gái mà theo bà là “bạc phước”, ngậm ngùi nói: “Biết làm sao. Hắn (con gái) cũng là máu mủ mà. Chả có ước ao gì cả. Tui cũng già rồi, rồi cũng sẽ ra đi. Tui chỉ sợ khi tui đi rồi, không ai lo cho nó. Rồi con hắn nữa… Mong sao ai thương tình mà thôi”.
Chúng tôi rời Bệnh viện Phục hồi Chức năng ra về khi cơn mưa còn rả rích, trong bóng đêm nhập nhòa. Chúng tôi cứ mãi ám ảnh bởi câu nói đầy niềm tin, kỳ vọng của chị Phạn: “Ước thì nhiều lắm chớ em. Nhưng ước lớn nhất bây chừ là được tự ngồi xe lăn. Ước được làm những gì đó cho đứa con trai. Và hơn nữa là không “báo đời” cha mẹ. Cha mẹ đã khổ lắm rồi. Được thì dù có đi cũng mãn nguyện rồi”./.

Đọc thêm