Phận người bí ẩn mưu sinh trên sóng nước sông Hồng

(PLO) - Ở bãi giữa sông Hồng, nơi quần cư của những người cơ nhỡ, có những thân phận con người dù đã sống ở bến sông này trên cả chục năm nhưng gốc tích về họ, con người thật của họ như thế nào, thực sự vẫn là một bí ẩn với cộng đồng xung quanh...
lÔng Trần Quyết Thành và thú vui tuổi già.
lÔng Trần Quyết Thành và thú vui tuổi già.
Chiến sĩ quả cảm trong chiến dịch Khe Sanh…
Chúng tôi dừng thuyền, gõ cửa “nhà” ông lão đã ngoài 70. Ông đang nằm co quắp giữa thuyền. Ông bảo, ông ngủ bù cho chuyến đi nhặt rác đêm vừa qua. Đã thành một thói quen, đêm nào ông cũng đi bộ quanh quẩn Long Biên, Yên Phụ, Đồng Xuân để nhặt rác, mỗi đêm cũng kiếm được vài chục nghìn đồng. Bán xong đống đồng nát nhặt được, ông lần mò về thuyền của mình, bắt đầu giấc ngủ hàng đêm vào lúc tờ mờ sáng. 
Vừa vào đến chiếc thuyền hơi cũ nát của ông, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh một người đàn ông lãng tử, treo trịnh trọng trên quyển lịch của lực lượng Công an nhân dân. Ông bảo, ảnh này là do một người Đức vô tình gặp ông, chụp rồi rửa tặng ông.  
Hỏi ông từ đâu tới, rít một hơi thuốc lào thật dài, ông thì thầm, nhỏ to kể về cuộc đời của ông cho chúng tôi nghe. Theo những lời ông kể thì ông tên là Trần Quyết Thành, quê ở Bắc Ninh. Ông vốn là một đại tá nhưng đã được hưởng lương tướng trong Quân đội. Ông đã từng tham gia chiến dịch Khe Sanh, bị trúng đạn nên gương mặt, cột sống bị biến dạng rất nhiều. Đến khi hòa bình lập lại, ông được Nhà nước đưa đi chỉnh hình. Và cuộc sống bi thảm của ông bắt đầu đến từ ngày ấy… 
Ông kể, khi có quyết định đi làm chỉnh hình, ông cùng một cận vệ thân tín lên đường. Vì đề phòng bất trắc xảy ra, ông đưa tất cả giấy tờ của ông cho người cận vệ này cầm. Nhưng không ngờ lòng tham nổi lên, người cận vệ này đã bằng cách nào đó chiếm đoạt và hưởng lương của ông suốt hơn 20 năm nay. Ông bảo, ông vẫn đi kiện bao nhiêu năm nay rồi, đi kiện để lấy lại cuộc sống hào hùng một thuở của ông. 
Khi chúng tôi lên tiếng muốn giúp đỡ thì ông hạ giọng xuống, thì thầm: “Các cô không làm được gì đâu, tôi đã đi hết các cửa rồi, nhưng tôi tin ai làm sai người ấy sẽ phải trả giá thôi”. Những câu chuyện bí hiểm của ông, giọng nói khẽ khàng, phong cách rất… bí mật của ông khiến chúng tôi nghĩ rằng ông… không bình thường. Nhưng hỏi những người sống xung quanh ông, ai cũng khẳng định ông bình thường, vẫn sinh hoạt đều đặn với tổ dân phố, chỉ duy nhất có việc mà nhiều người thắc mắc là ít khi thấy ông đến nhận quà từ thiện. 
Ông Mộc, một cư dân ở bãi giữa, sinh hoạt trong tổ dân phố 38, bãi giữa sông Hồng khẳng định, có những lần, ông tổ trưởng gọi điện thoại cho ông Thành 3-4 lần nhắc lên lấy quà từ thiện mà dứt khoát ông ấy không lên. “Chúng tôi cũng không thể hiểu con người này. Đi nhặt rác cả đêm được vài chục nghìn, thế mà quà từ thiện thì dứt khoát không nhận. Cũng thấy lạ cô ạ”. Nhưng việc ông có vài cô vợ hờ thì cả tổ dân phố đều biết, họ cũng lên tiếng khuyên răn nhưng ông bỏ ngoài tai. Ông Mộc cho biết, ông Thành tích cóp tốt lắm, có lần tiết kiệm được cả hơn chỉ vàng nhưng rồi lại dại dột… cho gái mất. Mọi người xót cho ông ấy, khuyên bảo nhưng ông ấy cứ như không ấy, chẳng thấy tiếc của gì cả. 
Hay đại ca giang hồ một thuở?
Nhưng lại có một luồng dư luận khác cho rằng, ông Trần Quyết Thành này chính là “đại ca” Thành sói, giang hồ một thuở ở địa phận miền Trung, người khiến Công an miền Trung nhiều phen mất ăn, mất ngủ mới bắt được. Người ta đồn rằng, đám “đầu trâu, mặt ngựa” dưới quyền của “đại ca” Thành “sói” hồi đó rất manh động, sẵn sàng dùng hàng “nóng” để thanh toán các đối thủ nên đi đến đâu là gieo rắc nỗi khiếp sợ ở đó trước khi bị triệt phá.
Theo lời đồn, năm 1975 ông Trần Quyết Thành được giới thiệu vào làm kiểm lâm ở một huyện miền núi của tỉnh Nghệ An. Cuộc sống kham khổ đã khiến lòng tham không đáy trong người ông Thành trỗi dậy, đẩy ông vào con đường tội lỗi sau này. Bởi khi đó, thay vì thực thi nhiệm vụ bảo vệ rừng, ông lại cấu kết với hàng loạt những đường dây lâm tặc chặt trộm gỗ quý tuồn ra thị trường để bán kiếm lời. Rồi ông bị tóm gọn và bị bắt giam 3 tháng, sau đó ông bị đuổi khỏi ngành.
Lúc này, cuộc đời giang hồ của ông Thành chính thức bắt đầu. Sẵn thông thạo địa bàn, ông câu kết, gia nhập  những nhóm lâm tặc khét tiếng một thời. Tầm ảnh hưởng của Thành “sói” lớn đến độ khắp dọc khu vực miền Trung những năm 80 của thế kỷ trước ra đến miền Bắc, đâu đâu cũng nổi lên danh tiếng Thành “sói” bởi sự khôn ngoan, liều lĩnh và đặc biệt là có đám đệ tử cô hồn sẵn sàng chém giết bất kì ai cản đường. Chẳng mấy chốc Thành “sói” trở thành trùm lâm tặc khét tiếng thời đó.
Nhưng rồi đến năm 1989, đường dây lâm tặc xuyên các tỉnh do Thành “sói” cầm đầu cũng bị công an bắt gọn. Vào thời đó, phải rất vất vả công an hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An mới có thể vây bắt được băng nhóm của Thành “sói”. Thành “sói” bị tuyên phạt 20 năm tù, bị giam giữ tại Thanh Hóa, sau chuyển sang Yên Khánh (Ninh Bình).
Câu chuyện về Thành “sói” được dư luận râm ran bàn tán suốt trên báo chí một thời nhưng hỏi những người sống quanh ông thì không ai biết. Một người xin giấu tên cho biết: “Giang hồ gì ông ấy. Ông ấy nằm bờ nằm bụi ở bãi giữa đến cả chục năm nay rồi”. 
Anh Lê Minh Hải, một thanh niên thường xuyên bơi ở sông Hồng, đoạn thuyền của ông Trần Quyết Thành neo đậu thì khẳng định: “Ông Thành có vợ con, hiện nay thi thoảng con ông vẫn đến thăm, còn như mọi người đồn đại ông ấy giang hồ một thuở thì tôi chưa bao giờ nghe, thậm chí chưa bao giờ nghe ông ấy nói”. Chúng tôi cũng đã hỏi thăm một vài người làm kiểm lâm dọc miền Trung thời kỳ những năm 80 thì họ cho biết chưa từng nghe danh về một Thành “sói” lừng danh một thời như dư luận vẫn đồn đoán. 
Câu chuyện về ông Trần Quyết Thành chắc chắn vẫn sẽ là một bí ẩn với chúng tôi, với những người sinh sống trong cùng tổ dân phố với ông. Nhưng cuộc sống hiện nay của ông lại khiến chúng tôi day dứt. Với con người ấy, với thần thái kia, đáng lẽ ông đã có cho mình một cuộc sống an nhàn, tự tại, thay vì bây giờ đêm đi nhặt rác, ngày về ngủ, rồi làm bạn với chiếc điều cày cùng chiếc máy VCD đã cũ và hàng loạt đĩa nhạc tiền chiến…
Mở cho chúng tôi nghe đĩa nhạc mà ông thích nhất, ông say sưa nghe những lời hát “Và bây giờ ngày buồn đã qua, nhiều lỗi lầm cũng được thứ tha… Tình yêu đã đến trong ánh nắng mai, xóa tan màn đêm u tối, cho tôi biến đổi tâm hồn thành một người mới…”. Rời khỏi chiếc thuyền của ông ấy, những lời hát này cứ vang vọng mãi bên tai chúng tôi. Tự nhiên tôi nghĩ, khi con người ta đã làm bạn với âm nhạc thì chắc hẳn tâm hồn họ cũng đã được nuôi dưỡng trong yêu thương, ấm áp. Lúc này, giang hồ Thành “sói” hay chiến sĩ Trần Quyết Thành anh hùng trên mặt trận Khe Sanh cũng không còn là chuyện quan trọng với ông Thành nữa…/.

Đọc thêm