Phấp phỏng sống ở chung cư (kỳ 3): 2% quỹ bảo trì đi đâu?

(PLO) - Không tuân thủ pháp luật, các quy tắc, quy chuẩn an toàn PCCC, thậm chí nhiều chủ đầu tư cố ý làm trái. Còn cơ quan quản lý nhà nước thì thờ ơ. Khi có sự cố cháy nổ, thiệt thòi luôn thuộc về phía người dân. 
Thiệt thòi luôn thuộc phía người dân trong những cuộc tranh chấp với chủ đầu tư (Ảnh: T.Hưng)
Thiệt thòi luôn thuộc phía người dân trong những cuộc tranh chấp với chủ đầu tư (Ảnh: T.Hưng)

2% quỹ bảo trì đi đâu?

Trao đổi với Phóng viên Báo PLVN, Tiến sĩ Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội (nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố) cho rằng có 3 vấn đề tồn tại lớn hiện nay trong phòng chống cháy nổ ở các tòa nhà, khu chung cư mà chưa có nút tháo gỡ.

Đầu tiên, với an toàn PCCC, việc nghiệm thu gồm hai bước: thỏa thuận phương án thiết kế; nghiên cứu xem xét chấp thuận. Nếu đạt được quy chuẩn mới nghiệm thu. Tuy nhiên, nhiều công trình khi chưa hội đủ các điều kiện này chủ đầu tư đã cho người dân vào ở. 
“Đây là sai phạm đặc biệt nghiêm trọng của chủ đầu tư và có trách nhiệm trong giám sát của cơ quan quản lý nhà nước” - ông Nghiêm nhìn nhận.
Sau khi đưa vào sử dụng, các hạng mục công trình, trong đó có hạng mục PCCC phải được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Điều này đòi hỏi phải có nguồn quỹ để thực hiện, và người dân đã phải đóng 2% quỹ này. Vấn đề là các chủ đầu tư không minh bạch để Ban quản trị tòa nhà tiếp cận, giám sát, sử dụng quỹ. 
Đây là điều còn đang tranh cãi ở nhiều khu chung cư, tòa nhà cao tầng.
“Như ở tòa nhà Keangnam (Mỹ Đình), việc tranh chấp về quỹ bảo trì đã kéo dài nhiều năm nay. Không có quỹ, hạng mục phòng chống cháy nổ không được duy tu, bảo trì thường xuyên dẫn đến xuống cấp, không hoạt động, gây nguy hiểm khi có hỏa hoạn” - ông Nghiêm dẫn chứng và nói nhà nước (cụ thể là Bộ Xây dựng) cần sớm “ra tay” giải quyết các vấn đề mấu chốt kể trên.
2% phí bảo trì tòa nhà, trong đó bao gồm kinh phí PCCC (Ảnh: T.Hưng)
2% phí bảo trì tòa nhà, trong đó bao gồm kinh phí PCCC (Ảnh: T.Hưng) 

Đồng tình, Luật sư Trần Anh Tú (đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, hiện đã có nghị định của Chính phủ quy định 2% phí bảo trì nhưng ở nhiều tòa nhà, khu chung cư đang xảy ra tình trạng tranh chấp việc quản lý loại phí này. Theo ông Tú, Bộ Xây dựng cần sớm tham mưu để Chính phủ có quy định rõ ràng trách nhiệm của chủ đầu tư sau khi bán nhà, đặc biệt là về công tác duy tu, bào trì các tòa nhà, trong đó có hệ thống PCCC.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp (Chủ tịch Hiệp hội Quản lý và Bảo trì tòa nhà Việt Nam), sau các vụ cháy chung cư vừa qua đã đến lúc cả chủ đầu tư và các cơ quan quản lý cần rà soát việc tuân thủ các quy định pháp luật về PCCC. Các cơ quan quản lý cũng cần kiên quyết không phê duyệt, cấp phép cho các công trình không đủ năng lực, điều kiện PCCC. Còn các chủ đầu tư cũng cần mua bảo hiểm cho các phần sử dụng chung mà mình quản lý.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo về Thông tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư, trong đó sẽ quy định việc chủ đầu tư phải cung cấp các giấy tờ liên quan đến an toàn PCCC hay chi tiết các trang thiết bị PCCC lắp đặt trong tòa nhà.   

Cháy do thiết bị điện rởm?

Đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an), cho biết sự cố điện là nguyên nhân chiếm tới gần 50% sự cố cháy nổ… Chung cư cao tầng hiện nay đang có vấn đề như: chủ đầu tư tự ý lựa chọn dây dẫn, các thiết bị điện, không đảm bảo quy phạm, rất dễ dẫn đến cháy nổ. Hệ thống điện có tuổi thọ, cần định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng khi hết hạn sử dụng.

Phóng viên được một số chủ thầu xây dựng tiết lộ: nhiều chủ đầu tư chung cư đã chọn các loại thiết bị điện (đặc biệt là dây dẫn điện) có xuất xứ là hàng kém chất lượng từ Trung Quốc, hàng gia công trôi nổi giá rẻ để lắp đặt cho công trình. Dễ gây chập điện dẫn đến cháy.

Tại một số khu vực chuyên bán đồ điện tại Hà Nội cho thấy, có nhiều loại dây điện được bán với giá khác nhau. Loại dây điện được nhập lậu từ Trung Quốc được bán với giá chỉ bằng một nửa so với giá của dây điện chính hãng được sản xuất trong nước. “Chung cư cao cấp còn mua hàng tại đây, nữa là” - chủ một cửa hàng kinh doanh thiết bị điện, khoe.
Nhiều câu hỏi về chất lượng hệ thống điện, PCCC tại chung cư sau nhiều vụ cháy (Ảnh minh họa: internet)
Nhiều câu hỏi về chất lượng hệ thống điện, PCCC tại chung cư sau nhiều vụ cháy (Ảnh minh họa: internet) 

Theo một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn tiêu dùng (Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam), kết quả kiểm nghiệm của 36 mẫu dây, cáp điện bọc nhựa PVC, lấy mẫu ngẫu nhiên trên thị trường, chất lượng dây và cáp điện rất đáng lo ngại. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy 25% vi phạm về ruột dẫn, 56% vi phạm về kết cấu ruột dẫn, 64% không đạt về tiêu chuẩn điện trở...

Việc chủ đầu tư sử dụng thiết bị điện kém chất lượng khiến người mua nhà phải chịu tổn thất điện lớn vì tiết diện của các ruột dẫn nhỏ hơn so với quy định làm cho điện trở dây dẫn tăng. Khả năng chịu cường độ dòng điện kém, dễ quá tải, sinh nhiệt và gây chập cháy. 

Phải chăng đây là nguồn cơn dẫn đến hàng loạt các vụ cháy chung cư gần đây, đặc biệt là các dự án nhà giá rẻ?

Một giảng viên Đại học PCCC thì cho rằng điểm yếu nữa dễ dẫn đến cháy là ở các tòa nhà cao tầng thông thường là sự kết hợp của 3 loại hình: chung cư - trung tâm thương mại - văn phòng cho thuê. Tất cả được đặt trên một không gian ngầm là gara và các công trình kỹ thuật. Mặc dù cả 3 loại chức năng trên cùng được bố trí trong một tòa nhà nhưng đặc trưng an toàn PCCC của 3 loại hình này lại hoàn toàn khác nhau.

Tại các khu thương mại và dịch vụ thường tập trung đông người vào các thời điểm nhất định vào ban ngày, ban đêm đóng cửa. Các khu vực không an toàn liên quan tới kho hàng, khu vực thương mại thường cháy nổ do nguyên nhân chập điện.
Khu vực văn phòng thường được bố trí ở tầng cao trung bình tiếp theo với lối vào riêng. Đặc điểm của khu này là không gian làm việc rộng, lối thoát tập trung ở giữa. Hỏa hoạn thường hay xảy ra vào ban đêm, trong khi khu chung cư tập trung đông người, lại thường được bố trí ở các tầng cao. Và các khu vực không an toàn về phòng hỏa thường ở trong không gia nhà, bao gồm bếp điện, bếp khí gas.
T.S Nguyễn Trung Hòa, Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) cho rằng cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, đề cao trách nhiệm của chủ đầu tư, BQL các tòa nhà và sự đồng thuận, chung sức của người dân. 
Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nhất là quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng liên quan đến công tác PCCC, quy chế quản lý nhà chung cư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý, giám sát về chất lượng xây dựng công trình.
Có chuyện bớt xén vật liệu hay không?
Chủ đầu tư xây nhà, bán nhà thì phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên. Ví dụ trong trường hợp chung cư bị cháy do chập điện thì phải truy xem chất lượng dây điện thế nào, do ai sản xuất, có đảm bảo tiêu chuẩn kĩ thuật không hay lại ăn bớt, cắt xén? Người dân mua nhà không được kiểm tra các yếu tố này, chỉ biết bỏ tiền ra mua nhà thôi. Bởi thế, trách nhiệm của các cơ quan chức năng khi cấp phép cho dự án là phải giám sát chủ đầu tư thực hiện theo đúng thiết kế, kĩ thuật được duyệt.
Mặt khác, pháp luật đã quy định phải mua bảo hiểm cháy nổ cho chung cư, tại sao không thực hiện? Điểm yếu luật pháp của ta là chưa đi được vào cuộc sống, cần có chế tài xử lý những trường hợp cố tình không thực hiện.
 
(Đại biểu Bùi Thị An, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội)
.

(Còn nữa)

Đọc thêm