Phạt nặng cho chừa tội làm mất thể diện quốc gia

(PLO) - Ăn cắp, chen lấn khi xếp hàng, vô tư xả rác… rất nhiều hành vi của du khách Việt khiến các quốc gia du lịch lưỡng lự trong việc miễn thị thực cho hộ chiếu Việt Nam. 
Băng rôn cảnh báo cho du khách Việt.
Băng rôn cảnh báo cho du khách Việt.

Vậy nhưng khi trở về nước các cá nhân vi phạm vẫn nhởn nhơ như người vô tội vì thiếu quy định xử lý tội làm mất thể diện quốc gia. Đã đến lúc mọi vi phạm ở nước ngoài làm nhục quốc thể phải bị xử phạt!

Vì sao rất ít quốc gia miễn thị thực cho Việt Nam?

Hiện nay số nước miễn thị thực cho Việt Nam, cả hộ chiếu ngoại giao, công vụ lẫn phổ thông chỉ bằng khoảng 1/4 Singapore (45/167), thua cả Lào, Campuchia và Đông Timor. Chỉ 13 nước miễn thị thực cho hộ chiếu phổ thông gồm 9 nước ASEAN (trừ Đông Timor); 4 nước còn lại lạ hoắc, ít ai nghĩ chuyện đi du lịch tới đó là Ecuador, Dominica, Panama (Trung Mỹ) và Kyrgyzstan (Trung Á). Vì sao lại quá ít quốc gia miễn thị thực cho Việt Nam như vậy trong khi số liệu này phản ánh uy tín quốc gia của Việt Nam với thế giới?

Để trả lời câu hỏi này cần xem lại hình ảnh người Việt Nam khi đi du lịch nước ngoài. Ngày 15/7/2015, trong lúc đi mua sắm ở Zurrich, hai vị khách Việt Nam đã bóc nhãn và thẻ giá của 3 cặp kính hàng hiệu trị giá khoảng 300 euro/chiếc đem ra khỏi cửa hàng. Hành vi gian lận đó đã bị phát hiện và họ phải nộp phạt 2000 franc (khoảng 50 triệu đồng).

Cách đây không lâu, báo chí Singapore cũng đã đưa tin về vụ nhóm mười khách du lịch quốc tịch Việt Nam chuyên móc túi khách đi mua sắm và ăn trộm hàng từ các siêu thị. Riêng 6 tháng đầu năm 2013 đã có hơn 400 vụ liên quan tới người Việt, chiếm 40% tổng số vụ ăn cắp liên quan tới người nước ngoài tại Nhật…

Bên cạnh đó, du khách Việt còn có các thói quen xấu như ăn buffet thường chen lấn, lấy rất nhiều món ngon rồi ăn không hết, đi đứng, nói năng gây ồn ào, thậm chí nói năng tục tĩu, vô tư chạy nhảy làm ảnh hưởng tới người xung quanh. Bên cạnh đó, nhiều khách Việt còn có tật xả rác…

Biển nhắc nhở du khách Việt.

Biển nhắc nhở du khách Việt.

Liệu có “đánh trống bỏ dùi”?

Chính những thói quen xấu của một bộ phận du khách Việt đã làm “mất điểm” của cả cộng đồng, khiến nhiều người nước ngoài có cái nhìn dè chừng, e ngại. Tại một số nước như: Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan có biển cảnh báo về thói trộm cắp vặt, vứt rác bừa bãi hay lãng phí thức ăn bằng tiếng Việt. Hậu quả nhãn tiền là người Việt bị ác cảm, không được tôn trọng trong mắt bạn bè quốc tế. Chuyện cá nhân ảnh hưởng đến quốc thể thì đó không còn là chuyện nhỏ nữa.

Theo ông Nguyễn Văn Mỹ (Công ty Du lịch Lửa Việt) có một nghịch lý là, khi trở về nước, những người vi phạm vẫn nhởn nhơ như người vô tội vì chưa có quy định nào xử lý họ tội làm mất thể diện quốc gia, trong khi đáng ra phải có hình thức xử phạt thêm như bêu tên, cảnh cáo, phạt tiền, cấm xuất cảnh có thời hạn…

Từ thực tế này ngành Du lịch thấy rằng đã đến lúc phải bàn giải pháp nâng cao hình ảnh du khách Việt và đây cũng là chủ đề của buổi tọa đàm vừa được Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Công ty Du lịch Transviet tổ chức mới đây và được coi là bước đi đầu tiên của ngành Du lịch trong công cuộc nâng cao hình ảnh của du khách Việt Nam khi đi du lịch ở nước ngoài.

Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Giám đốc Công ty Du lịch Transviet cho rằng, ngành Du lịch cần ban hành quy tắc văn minh và tuân thủ pháp luật cho du khách Việt Nam khi đi du lịch nước ngoài. Các đơn vị lữ hành phải triển khai quy tắc này đến du khách và nhắc nhở khách phải tuân thủ khi đi du lịch. Trong Luật Du lịch đang sửa đổi cần có mục văn minh du lịch, có chế tài xử phạt du khách, đơn vị du lịch vi phạm.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam là đầu mối phối hợp các hành động tuyên truyền chương trình nâng cao hình ảnh du khách Việt…Website của Hiệp hội Du lịch nên có phần thông tin đăng tải văn hóa, phong tục của từng địa phương để các công ty du lịch nắm bắt. Bởi có những hành động, hành xử ở Việt Nam thì bình thường nhưng ở nước ngoài lại là tối kỵ.

Về lý thuyết là vậy nhưng thực hiện thì đến đâu và chế tài xử lý “những người Việt xấu xí” liệu có rốt ráo? Đó là câu hỏi đặt ra bởi tình trạng “đánh trống bỏ dùi” khá phổ biến hiện nay. Chưa thể nói gì nhiều khi bộ quy tắc ứng xử vẫn còn đang trên bàn soạn thảo nhưng lời nhấn mạnh của Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cũng rất đáng lưu tâm. Đó là, mọi vi phạm ở nước ngoài về nước cần phải xử phạt gấp đôi vì “làm nhục quốc thể” bởi cơ quan độc lập.

Đối với cá nhân, có thể cấm xuất cảnh có thời hạn đến vĩnh viễn nếu vi phạm nghiêm trọng và cố ý. Các đơn vị tổ chức thì truy cứu trách nhiệm lãnh đạo, thu hồi giấy phép, cấm kinh doanh có thời hạn cho đến vĩnh viễn tùy hậu quả.

Phạt nặng thế cho sợ và cho chừa!

Đọc thêm