Phố đi bộ Hà Nội 'hồi sinh' trò chơi dân gian Việt

Sau 2 năm đi vào hoạt động, tuyến phố đi bộ Hồ Gươm đã thực sự trở thành một địa điểm vui chơi không thể thiếu của người dân thủ đô mỗi dịp cuối tuần. Không gian phố đi bộ còn mở ra cơ hội để thế hệ trẻ tiếp xúc với các trò chơi dân gian xưa như: nhảy dây, kéo co, ô ăn quan… tưởng như rất xa lạ trong thời đại công nghệ này.

Điểm giải trí cuối tuần quen thuộc của người Hà Nội 

 Ngày 1/9 năm 2016, Thành phố Hà Nội chính thức khai trương 16 tuyến phố đi bộ quanh Hồ Gươm. Địa điểm được chú ý nhiều nhất trong phạm vi phố đi bộ là khu vực xung quanh Hồ Gươm – nơi được ví như “trái tim của thủ đô”. Quả thực, trái ngược với khung cảnh đông đúc xe cộ, ồn ã tiếng còi xe thường ngày, người dân thủ đô được chứng kiến một Hồ Gươm khác: không còn bóng dáng xe cộ, mọi người thong thả tản bước, sôi nổi, hào hứng tham gia các hoạt động văn hoá.

Mỗi dịp cuối tuần, nhiều người Hà Nội lại háo hức khi được rảo bước trên các tuyến phố đi bộ. Các du khách nước ngoài nhanh chóng điền thêm địa danh “phố đi bộ” vào danh sách những nơi phải trải nghiệm khi đặt chân tới Hà Nội.

Chị Hoàng Kim Anh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Đi phố đi bộ như một thói quen của gia đình tôi mỗi dịp cuối tuần. Ngày thường đi làm nên không thể có thời gian trò chuyện nhiều cùng con cái, lên đây cảm thấy gia đình gần gũi nhau hơn”.

Phố đi bộ Hồ quanh Hồ Gươm là địa điểm vui chơi quen thuộc tại Hà Nội
Phố đi bộ Hồ quanh Hồ Gươm là địa điểm vui chơi quen thuộc tại Hà Nội

Không gian phố đi bộ hiện diễn ra nhiều loại hình nghệ thuật. Bạn trẻ nào có tài năng về hát, nhảy, chơi nhạc cụ… đều có thể "tận dụng" nơi đây như một sân khấu, tự biểu diễn với tinh thần phi lợi nhuận.

Hồi sinh trò chơi dân gian Việt Nam

Nói tới trải nghiệm quý giá mà phố đi bộ Hà Nội mang tới, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ ngay đến việc được tiếp xúc với các trò chơi dân gian xưa như nhảy dây, kéo co, ô ăn quan...

Trò chơi dân gian xoá bỏ khoảng cách giữa các thế hệ trong gia đình.
Trò chơi dân gian xoá bỏ khoảng cách giữa các thế hệ trong gia đình.

Cứ đều đặn vào chiều tối thứ bảy, nhiều bạn trẻ lại cùng nhau chuẩn bị dụng cụ, kẻ bảng… biến không gian phố đi bộ thành sân của những trò chơi truyền thống. Ban đầu, khách bộ hành tò mò quan sát, nhưng dần dần, cảnh lạ thành quen, không ít người thích thú trực tiếp tham gia các đội chơi.

Thế hệ đi trước có dịp nhớ lại thời ấu thơ, người trẻ có cơ hội rời xa màn hình máy tính, tĩnh tâm khám phá những giá trị tinh thần của dân tộc...

Không chỉ thu hút người dân bản địa, các trò chơi dân gian còn có sức hấp dẫn đối với du khách nước ngoài. Bất chấp rào cản về ngôn ngữ, những “ông Tây, bà Tây” hào hứng tiếp nhận sản phẩm văn hoá Việt qua việc học luật chơi ô ăn quan, hoà mình vào đám đông kéo co, nhảy dây.

Đám đông thích thú với trò chơi nhảy dây.
Đám đông thích thú với trò chơi nhảy dây.

Anh Thiago (người Brazil) chia sẻ: “Ngày đầu đến Việt Nam, tôi rất yêu thích không khí của thành phố này. Dù chưa quen với múi giờ nhưng thật tuyệt khi được sống như một người Việt Nam, được chơi các trò chơi ngày xưa của người Việt mà trước đây tôi chưa từng biết tới”.

3. Ước muốn bảo tồn văn hoá dân gian của người trẻ Việt.

Ý tưởng phục dựng, tổ chức sân chơi trò chơi dân gian tại Hà Nội đến từ các bạn trẻ của nhóm MyHanoi. Thành viên trong nhóm phần lớn thuộc thế hệ 9X, sinh ra và lớn lên từ nhiều vùng miền khác nhau, nhưng đều chia sẻ một nỗi trăn trở khi thấy công nghệ, trò chơi tiên tiến, game online đã lấn át, làm lu mờ nét đẹp dân gian ẩn chứa trong trò chơi truyền thống xưa. Nhưng không ai biết làm thế nào để gây dựng một sân chơi dân gian thường xuyên cho nhiều người...

Đó là câu chuyện cách đây 2 năm, còn giờ đây, MyHanoi đã thành công khi tạo dựng được sân chơi dân gian trên phố đi bộ. MyHanoi dự định sẽ tiếp tục thực hiện, phát triển các dự án khác về Hà Nôi, đem tới nhiều trải nghiệm mới lạ, thú vị hơn về văn hoá dân tộc.

Đọc thêm