Phụ huynh "a dua" theo đám đông khiến thí sinh lớp 10 khốn khổ

(PLO) - Nhiều trường công lập Hà Nội quá tải và đông học sinh, nhưng không phải tất cả học sinh ở đó đều có nguyện vọng theo trường mà nhiều trường hợp chỉ vì phụ huynh học sinh “a dua” theo đám đông chỉ chọn các trường danh tiếng khiến cả học sinh, phụ huynh và các nhà trường đều khốn khổ. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các bậc phụ huynh cũng như học sinh dự thi tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội đang rất căng thẳng khi cân nhắc đăng ký lựa chọn các trường trung học phổ thông, bởi chỉ tiêu vào các trường này năm nay giảm tới gần 4.000 so với năm 2015.

Chọn trường để đảm bảo một suất “an toàn”

Nguyên nhân giảm chỉ tiêu, theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội là do số học sinh lớp 9 năm nay ít hơn năm trước, đồng thời Hà Nội cũng đang triển khai chủ trương giảm số học sinh trong mỗi lớp tại các trường công lập để đáp ứng yêu cầu chuẩn quốc gia. 

Năm học 2016-2017, toàn thành phố Hà Nội dự kiến có 81.500 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) nhưng số lượng chỉ tiêu vào hệ trung học phổ thông (THPT) có 67.500 học sinh (năm 2015 là 72.110 học sinh). Trong đó, các trường THPT công lập tuyển 53.000 học sinh (năm 2015 là 56.840 học sinh), trường ngoài công lập tuyển 14.500 học sinh (năm 2015 là 15.270 học sinh), còn lại là chỉ tiêu các trường giáo dục chuyên nghiệp và trung tâm giáo dục thường xuyên. 

Thực tế, học sinh, phụ huynh không có nhiều lựa chọn vào các trường công lập. Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, việc tuyển sinh lớp 10 THPT công lập được chia thành 12 khu vực tuyển sinh theo địa giới hành chính quận, huyện, thị xã. Học sinh chỉ có thể đăng ký 2 nguyện vọng trong cùng một khu vực. Các em cũng có thể thay đổi khu vực tuyển sinh, nhưng phải có đơn xin đổi khu vực tuyển sinh và phải chọn nguyện vọng dự thi vào các trường trong khu vực mình đã đăng ký. 

Năm 2015, việc đăng ký dự thi của thí sinh cho thấy xu hướng không quá tập trung vào những trường tốp đầu để tránh cạnh tranh do điểm đầu vào quá cao. Căn cứ vào năng lực của học sinh, nhiều phụ huynh đã lựa chọn đăng ký cho con vào những trường tốp sau để đảm bảo một suất “an toàn” vào trường công lập. Nhưng các bậc phụ huynh cũng băn khoăn với việc, nếu đóng học phí thấp thì ngoài trường công lập ra khó hy vọng vào được trường ngoài công lập chất lượng tốt. Chưa kể, việc phần lớn trường ngoài công lập đều có mức đầu vào thấp nên chất lượng dạy và học khó có thể đảm bảo bằng trường công lập.

Phụ huynh “a dua” làm nhiều trường... thiếu học sinh

Trong khi các trường công lập tốp trên tuyển sinh căng thẳng hơn  thi đại học vì quá tải thì nhiều trường tốp dưới, đặc biệt là các trường dân lập (trừ một số trường điểm dân lập…) “dở khóc, dở  cười” vì thiếu học sinh. Thậm chí, nhiều trường đầu tư cơ sở vật chất khang trang, tiền học phí không cao nhưng vẫn không có học sinh, gây lãng phí lớn.

Cô Nguyễn Thị Thành, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Minh (huyện Hoài Đức) bày tỏ: “Thi vào 10 năm nào cũng áp lực hơn cả thi vào đại học. Mặc dù tuyển sinh vào trường ngoài công lập học phí chỉ 300-400.000 đồng nhưng vẫn không có học sinh. Dù trường có cơ sở vật chất khang trang với 50 phòng học nhưng đến nay chỉ tuyển được 10 lớp khối THPT”.

Cũng giống như cô Thành, lãnh đạo nhiều trường ngoài công lập khá bức xúc cho rằng, theo Luật Giáo dục  thì học hết lớp 9 là được vào lớp 10 nhưng ở Hà Nội thì lại phải có Giấy chứng nhận thi vào 10 - phiếu đăng ký (có ngưỡng điểm mới) mới vào được các trường dân lập.

Thầy Tùng Lâm, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết: “Nhà nước không có hỗ trợ gì cho các trường ngoài công lập là không công bằng đối với học sinh ngoài công lập và học sinh công lập. Nhiều trường công lập đầu tư hàng tỉ đồng để xây dựng khang trang, đẹp đẽ nhưng bỏ không vì không có học sinh như Trường Bình Minh ở Hoài Đức, Trường Trần Quang Khải ở Đông Anh. Trường thừa học sinh hay thiếu là theo quy luật của thị trường nhưng Nhà nước cần có chính sách tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập phát triển”.

Như vậy, theo nhiều hiệu trưởng, để tạo điều kiện, các trường ngoài công lập cũng nên được Nhà nước hỗ trợ chi phí đào tạo. Theo đó, số tiền học phí thu vào của học sinh khối trường này sẽ giảm đi, để về mặt phổ cập chung có thể tiến tới bình đẳng cho các em học sinh ở trong cùng một thành phố. Hiện tại, nhiều trường công lập quá tải và đông học sinh, nhưng không phải tất cả học sinh ở đó đều có nguyện vọng theo trường mà nhiều trường hợp chỉ vì phụ huynh học sinh “a dua” theo đám đông chỉ chọn các trường danh tiếng khiến cả học sinh, phụ huynh và các nhà trường đều khốn khổ.

Đọc thêm