Phụ nữ thành đạt trong mắt ai?

(PLVN) - Thế nào là phụ nữ thành đạt? Mặc dù câu hỏi mang đầy tính định tính nhưng lại thường xuyên được hỏi và được tìm cách trả lời. Để rồi chẳng ai trong hai phái – đàn ông và phụ nữ - thoải mái, hài lòng với câu trả lời…

Trong con mắt đàn ông và phụ nữ

Có dịp ngồi với nhau, cánh phụ nữ thường kể về “người phụ nữ thành đạt” nào đó theo quan niệm của họ với giọng điệu đầy ghen tị, nhưng cũng đầy thán phục.

Họ ghen tị vì cô ấy có thành công về nghề nghiệp hoặc là chủ doanh nghiệp ăn nên làm ra, hoặc là có chức vụ lãnh đạo quản lý trong công ty, cơ quan nhà nước, hoặc có học hàm học vị về khoa học... 

Họ thán phục vì thành công thế, bận bịu thế mà vẫn giỏi về công dung ngôn hạnh, tuyệt vời từ trong bếp đến phòng ngủ, đáng yêu từ trong nhà ra ngoài xã hội, hoàn hảo trong vai vợ ngoan mẹ giỏi con dâu thảo hiền, có một gia đình hạnh phúc, chồng yêu con giỏi…

Say sưa bình luận về “người phụ nữ thành đạt” nào đó, họ đã vô hình trung đặt ra một “mẫu số chung” cho chính mình là để phụ nữ thành đạt thì là người thông minh, xinh đẹp hoặc biết làm cho mình trở nên xinh đẹp, trong các mối quan hệ phải biết phát huy sự mềm mỏng dịu dàng, lúc cần thiết thì phải quyết đoán mạnh mẽ như hoặc hơn nam giới...

Mà dường như “mẫu số chung” này rất phổ biến ngay trong nữ giới, giữa phụ nữ với nhau, bằng chứng là cứ đọc báo và tạp chí của/dành cho phụ nữ mà xem sẽ thấy hình mẫu của rất nhiều “người phụ nữ thành đạt” tương tự trong đó.

Trong con mắt đàn ông, khái niệm về “người phụ nữ thành đạt” có vẻ rõ ràng, giản đơn hơn. Ừ thì em giỏi, em thông minh, em đẹp, em cứ thành đạt đi. Nhưng thành đạt thì phải hiểu rằng một bà vợ thành đạt, kiếm tiền giỏi, cần biết ứng xử thế nào để chồng không có cảm giác bị lép vế và giữ được hạnh phúc gia đình. Bởi cái mà cánh đàn ông luôn cần là được vợ đánh giá cao. Đừng biến người chồng của mình thành một gã khờ khi người phụ nữ luôn tỏ ra thông minh, sắc sảo. Đàn ông có làm không tốt, có xấu đi chăng nữa thì cũng hãy động viên chứ đừng chê bai nhận xét…

"Phụ nữ thành đạt là người phụ nữ vừa đạt được thành công ngoài xã hội vừa chu toàn cho hạnh phúc gia đình, phải biết tự cân đối bản thân và dùng chính trí tuệ của mình lèo lái con thuyền hạnh phúc, đừng để nó bị chệch hướng đi vào vùng bão tố không có lối thoát.

Hãy luôn nhớ rằng đằng sau thành công của người phụ nữ là gia đình, vì vậy, người phụ nữ đừng bao giờ đẩy mình vào thế phải đánh đổi gia đình để lấy sự nghiệp” – cánh đàn ông gật gù với nhau về một khái niệm như thế.

Trong con mắt của nhà tâm lý học

Nhà tâm lý học Đinh Đoàn cái tên không còn xa lạ với nhiều người với lối tư duy sâu sắc về các vấn đề liên quan đến xã hội, gia đình, phụ nữ. Người viết bài này đã đọc được một bài viết của ông có nhắc đến khái niệm “phụ nữ thành đạt” rất thú vị và cũng rất đáng để suy ngẫm, xin được trích dẫn ra đây đôi dòng.

“Chúng ta đều nghe quen câu nói: “Phía sau người đàn ông thành công có bóng dáng một người phụ nữ”. Người phụ nữ đó có thể là người mẹ tảo tần, chăm sóc, khích lệ anh ta. Đó có thể là người vợ hết lòng nhẫn nhịn, chu toàn việc nhà để anh ấy toàn tâm toàn ý với “sự nghiệp”, thậm chí còn chịu thua thiệt vì anh ấy không có nhiều thời gian quan tâm chăm sóc mình.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.

Còn sau lưng người phụ nữ thành công, thành đạt là ai, là cái gì? Cho đến lúc này có quá nhiều “đáp án”. Tích cực thì có “đứng sau người phụ nữ thành công là người đàn ông bao dung”, “đứng sau người phụ nữ thành công là một người đàn ông thành công hơn”.

Tuy nhiên, có khá nhiều câu trả lời tiêu cực. Nào là “Phía sau người phụ nữ thành công là một khoảng trống mênh mông”, “Sau lưng người phụ nữ thành đạt là anh chồng mờ nhạt”, “Sau lưng người đàn bà thành đạt là người chồng… đốn mạt”…

… Thực ra, nên coi hôn nhân như một “hợp đồng liên kết hai bên”, người vợ, người chồng là “đối tác”. Một nguyên tắc quan trọng nhất trong hợp đồng là nguyên tắc “bình đẳng, hai bên cùng có lợi”. Nguyên tắc thứ hai trong hợp đồng hôn nhân là chỉ ký kết giữa hai bên, không bên nào được chuyển nhượng cho bên thứ ba.

Điều khoản này cũng phù hợp với nguyên tắc hôn nhân chung thủy, một vợ một chồng. rõ quyền và nghĩa vụ của bên A và bên B. Trong quá trình thực hiện Hợp đồng, bên nào không thực hiện nghĩa vụ của mình, Hợp đồng cũng không thể thực hiện được, cần phải xem xét lại…. Đừng người phụ nữ nào tâm niệm mỗi câu “Đàn bà hơn nhau ở tấm chồng”, chớ người đàn ông nào hy vọng “Giàu vì bạn, sang vì vợ”. Hạnh phúc do mình tạo ra, không nên trông chờ ai đó mang lại cho mình”. 

Phụ nữ thành đạt – là đi trên chiếc dây nối các khái niệm.
Phụ nữ thành đạt – là đi trên chiếc dây nối các khái niệm. 

Trong con mắt nhà xã hội học 

Nói đến khái niệm “phụ nữ thành đạt”, người ta cũng thường liên hệ với “nữ quyền” và “bình đẳng giới”, bởi dường như chúng có sự tương hỗ với nhau, có cái này mới có cái kia. Nhưng với quan điểm của mình, khi trao đổi với truyền thông, TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội lại cho rằng người ta đang cố “nhốt” phụ nữ vào trong những khuôn mẫu rất “truyền thống”- vốn để duy trì chế độ phụ quyền gia trưởng. 

Theo TS. Khuất Thu Hồng, “mỗi khi tivi, đài, báo đưa lên câu chuyện về một người phụ nữ thành đạt, thì thế nào cũng có sự nghi ngờ đại loại là ông chồng của cô này thế nào? Có thành đạt như cô ấy không? Nếu như ông chồng không thành đạt bằng vợ mình thì nhiều người sẽ chép miệng, lo lắng cho cô ấy rằng liệu như thế có bền không?

Cô ấy có thời gian để nấu cơm cho chồng không? Người phụ nữ thành đạt hơn người chồng là một điều mà mọi người không mấy tán thưởng ở xã hội này, người ta không khuyến khích cho một mô hình như vậy, người ta luôn luôn muốn phụ nữ phải thấp hơn đàn ông một tí, kể cả tuổi tác đến tài năng, địa vị, tiền bạc.

Người Việt Nam thường gắn hạnh phúc và sự thành đạt của người phụ nữ với một gia đình yên ổn, hạnh phúc, nơi mà người chồng luôn luôn hài lòng về người vợ, các con luôn luôn hài lòng về bà mẹ của mình, về đến nhà lúc nào cũng có cơm ngon canh ngọt. Còn những người phụ nữ thành đạt mà thiếu những tiêu chuẩn kia thì sự thành đạt đó không có mấy giá trị”. 

Từ quan điểm của TS. Khuất Thu Hồng có thể nhận thấy rằng đã đến lúc cần phải hiểu đúng về vấn đề nữ quyền, để từ đó người phụ nữ thoát khỏi khuôn mẫu, kể cả khuôn mẫu về “một người phụ nữ thành đạt”. 

“Các diễn đàn cho phụ nữ đang củng cố những quan điểm cũ là phụ nữ phải “truyền thống” bằng việc dạy nấu ăn, mách nhau mẹo trang điểm cho đẹp, nhưng để làm gì? Để giữ chồng, canh chồng, làm đẹp lòng và giữ chặt ông ấy ở nhà mà chưa bao giờ đặt ra câu hỏi làm thế nào để có ông chồng thay đổi? Nhưng bởi vì tự “giam mình” trong những khuôn mẫu ở trên nên nhiều người lại nghĩ rằng chia sẻ những kinh nghiệm đó là đang làm điều rất tốt cho phụ nữ.

Cuối cùng phụ nữ chỉ quanh đi quẩn lại trong những chuyện thế thôi. Và rồi những diễn đàn đó lại đả phá những người theo quan điểm nữ quyền, họ nói rằng, nữ quyền thì chỉ cổ vũ phụ nữ sống như đàn ông, không chịu nấu cơm, rửa bát, không lấy chồng, dễ dàng bỏ chồng, ăn to nói lớn.

Nhưng nữ quyền không phải là như vậy. Nữ quyền khuyến khích phụ nữ sống độc lập, tự tin, không phụ thuộc. Nữ quyền không phải là phủ nhận đàn ông hay phủ nhận nữ tính” - TS. Khuất Thu Hồng nhấn mạnh. 

Theo số liệu thống kê từ Tổ chức Lao động Thế giới (ILO, 2012), khoảng 5% giám đốc của các công ty lớn trên thế giới là nữ. Công ty càng lớn, người đứng đầu là nữ càng hiếm.

Tại Việt Nam, khoảng 7% các nhà quản lý của 600 doanh nghiệp được khảo sát là nữ và khoảng 14% thành viên hội đồng quản trị là nữ. Về tổng thể, Việt Nam có khoảng 23% nữ giới tham gia vị trí quản lý tại các doanh nghiệp, xếp thứ 76/108 quốc gia được nghiên cứu.

Về thu nhập giữa nam và nữ trên thế giới, nữ có mức thu nhập chỉ từ 2% đến 50% so với nam, tùy từng nước khác nhau. Ở Việt Nam, mức thu nhập của nữ thấp hơn nam trung bình khoảng 10%.

Nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt phụ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo và quản lý được cho là từ nhiều phía: sự hạn chế trong nhận thức của xã hội về tầm quan trọng của việc phụ nữ tham gia đời sống chính trị, làm lãnh đạo và quản lý; thiếu các cơ chế và điều kiện thuận lợi để phụ nữ thực hiện đầy đủ quyền công dân của mình; bản thân phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ tại các nước nghèo hoặc đang phát triển, thường thiếu tự tin và ít được sự ủng hộ từ các bên để tham gia công tác quản lý.

Đọc thêm