Phục dựng lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa

(PLO) - Ngày 2/3 (ngày 15 tháng Giêng năm Mậu Tuất), tại đàn Tịch Điền, phường Minh Nông, TP Việt Trì (Phú Thọ) đã diễn ra Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa. Việc phục dựng lại lễ hội này là sự tri ân công lao to lớn của các Vua Hùng khai sáng nghề nông trong buổi đầu dựng nước.
Phục dựng lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa.
Phục dựng lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa.

Sau phần tế của các cụ cao niên trong phường là phần nhập vía Vua Hùng để dạy dân cấy lúa. Phần hội diễn ra cuộc thi cấy lúa giữa đội Đồi Lúa và đội Đồi Rơm cùng nhiều trò chơi dân gian khác.

Minh Nông là tên gọi vùng đất khởi thủy của nghề nông, xưa thuộc Kẻ Nú hay làng Nú. Theo các nghiên cứu, Nú đồng nghĩa và đồng âm với Lú nghĩa là Lúa, cho nên Kẻ Nú còn gọi là Kẻ Lú hay Kẻ Lúa, nghĩa là  Làng Lúa. Kẻ Nú xưa, nay là phường Minh Nông (thành phố Việt Trì) gồm các xóm Hồng Hải (xóm Giải Làng), Thông Đậu (xóm Đõ), Minh Tân (xóm Nhúi), Minh Bột (xóm Đồi Ngược), Hòa Phong (đồi Lúa, đồi Rơm).


Tái hiện Vua Hùng dạy dân cấy lúa.
Tái hiện Vua Hùng dạy dân cấy lúa.

Minh Nông có vị thế địa lý tiếp giáp với hạ lưu của 3 dòng sông lớn gồm sông Thao, sông Đà, sông Lô nên được thừa hưởng sự cung cấp, đắp bồi bởi một lượng lớn phù sa màu mỡ. Vì vậy, đây chính là điểm nổi bật, là yếu tố quyết định để Minh Nông trở thành nơi Vua Hùng lựa chọn tổ chức lễ hội xuống đồng dạy dân cấy lúa. Truyền thuyết dân gian khắp vùng Bắc bộ từ nhiều nghìn năm qua vẫn liền mạch lưu truyền về 18 đời vua Hùng, trong đó vị vua Hùng đầu tiên đã có công dựng ra nước Văn Lang – Nhà nước đầu tiên của người Việt – Mường và sau đó là của cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam. 

Truyền thuyết Hùng Vương kể rằng, xưa kia nhân dân chưa biết cày, cấy để làm ra thóc gạo mà chỉ sống dựa vào rễ cây, rau dại, thịt thú rừng. Thấy vùng đất ven sông sau mỗi lần nước dâng, đất đai được phù sa bồi thêm màu mỡ, Vua Hùng mới gọi dân đến để dạy cách đắp bờ giữ nước. Một hôm, các con gái Vua Hùng theo dân đi đánh cá bên sông, thấy chim từng đàn bay lượn khắp bãi, chợt có một con chim thả bông lúa rơi trên mái tóc một Mị nương. Nàng đem bông lúa về trình với cha. Vua Hùng bấy giờ cho là điềm lành, liền bảo các Mị nương ra bãi tuốt các bông lúa đó đem về.

Mùa xuân, Vua cùng con dân đem các hạt ra đồng. Vua xuống bãi, lấy que nhọn chọc lỗ để tra hạt. Khi mạ lên, dân không biết cấy trồng nên Vua Hùng đã nhổ mạ lên, đem tới những trà ruộng, lội xuống cấy cho dân xem. Các Mị nương và nhân dân thấy vậy cùng làm theo. Đời sau, nhân dân nhớ công ơn Vua Hùng đã tôn làm ông tổ nghề nông và dựng Đàn Tịch điền quay lưng về hướng Tây Nam ngay trên mỏm đất Vua ngồi khi dạy dân cấy lúa; đặt kho lương thực trên đồi Lúa, để rạ ở đồi Rơm, đặt tên chợ là Chợ Lú.

Dấu tích vật chất gắn với không gian thực hành lễ hội truyền thống trước đây, hiện vẫn còn tại ba khoảnh đất, nơi có đền Thượng (đầu xóm Giải Làng) thờ Cao Sơn đại vương; đền Trung (ở giữa xóm Giải Làng) thờ Ngọc Cảnh đại vương và đền Hạ (ở cuối xóm Giải Làng) thờ Nàng Nội – một nữ tướng thời Hai Bà Trưng. Hiện nay, trong phạm vi không gian đền Thượng, người dân xây dựng một ngôi chùa thờ Phật và thờ các nhân vật khác được dân làng tôn vinh, thờ phụng.

Cách 3 ngôi đền khoảng 1 km là đàn tế Vua, hay còn gọi là Đàn Tịch điền, được đặt trên khoảnh đất vua Hùng đến dạy dân cấy lúa năm xưa. Đây cũng là trung tâm tế lễ hàng năm của người dân làng Minh Nông khi mỗi kỳ bắt đầu thời vụ. Tục lệ, dân làng sẽ chọn cử một cụ cao niên, tốt lão, khỏe mạnh, thạo nghề nông nghiệp, gia đình phong quang, hòa thuận, đông con nhiều cháu, chấp hành tốt quy ước của làng để hóa thân tượng trưng cho Vua Hùng.

Tế lễ trong ngày hội. Ảnh: Xuân Hồng.
Tế lễ trong ngày hội. Ảnh: Xuân Hồng.

Ông Nguyễn Văn Bằng - Chủ tịch UBND phường Minh Nông, Trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết, từ năm 1945 trở về trước, Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa được tổ chức thường niên vào dịp đầu xuân năm mới và là lễ hội có tiếng khắp vùng Hạc Trì. Sau nhiều năm gián đoạn, chính quyền và nhân dân Minh Nông đã tiến hành phục dựng vào các năm 1993 và 2000.

Từ đó đến nay, do những điều kiện chủ quan và khách quan khác nhau, lễ hội chưa được tổ chức thường niên như mong muốn. Việc khôi phục Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa chính là bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc nói chung và Minh Nông nói riêng.

Lễ hội khởi nguồn từ những điển tích phản ánh tín ngưỡng phồn thực của dân tộc Việt Nam nói chung và của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước nói riêng. Sau nhiều năm nghiên cứu và phục dựng, lễ hội được tổ chức vào đầu xuân Mậu Tuất năm nay, với không gian trải dài theo đất phát tích, chính là sự khởi đầu cho chuỗi các hoạt động gắn với màu sắc linh thiêng của Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2018, tạo nên điểm nhấn văn hóa tâm linh, văn hóa phồn thực cho thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc.

Đây là cơ sở để tỉnh xây dựng Hồ sơ di sản trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét duyệt Lễ hội “Vua Hùng dạy dân cấy lúa” là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, góp phần quy hoạch khu di tích trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn, phục vụ đồng bào và du khách thập phương.

Minh Nông ngày nay, Kẻ Nú - Kẻ Lú xưa với Đàn Tịch điền sẽ là những địa điểm, những dấu tích lịch sử gắn liền với những truyền thuyết văn hóa dân gian, chứng minh cho công cuộc trị thủy, trồng lúa nước của cư dân nông nghiệp trên vùng đất Tổ. Khôi phục và tôn vinh Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa cũng chính là tôn vinh tín ngưỡng phồn thực, tôn vinh sự cần cù trong lao động, sáng tạo của nhân dân, để tạo nên bản sắc văn hóa vùng Đất Tổ.

Đọc thêm