Phục dựng phố nghề Lãn Ông

(PLO) -Ngay sau khi “Dự án chỉnh trang, bảo tồn mặt đứng phố chuyên doanh đông nam dược Lãn Ông” được hoàn thành, Tuần lễ phố nghề thuốc truyền thống Đông Nam dược 2015 đã diễn ra như một lời chào của phố nghề truyền thống tới đông đảo du khách. Nhưng… 
Nét xưa còn lại
Phố Lãn Ông được biết tới là nơi nổi tiếng với nghề kinh doanh dược liệu và các hiệu đông y gia truyền của Hà Nội. Nơi đây cũng lưu giữ nhiều nét kiến trúc độc đáo, tiêu biểu cho nét văn hóa khu phố cổ, thể hiện nét kiến trúc cổ truyền Việt Nam cũng như giao lưu kiến trúc Hoa, Pháp theo thời gian. Việc chỉnh trang, bảo tồn con phố cổ này không chỉ nhằm giữ lại những nét đẹp xưa mà còn giúp phố nghề Lãn Ông đến gần hơn với du khách và khách hàng khắp nơi. 
Những ngày này, du khách, người dân khi tới tham quan đều được các hộ gia đình làm thuốc ở đây tư vấn về chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh bằng thuốc đông nam dược. Ngoài ra, trong khuôn khổ Tuần lễ còn có không gian trưng bày, giới thiệu, tư vấn và khám miễn phí cho du khách tham quan tại địa chỉ số 40 phố Lãn Ông.
Ông Nguyễn Thế Hiển, Chủ tịch Hội Đông y Hoàn Kiếm chia sẻ, Đông y là một mảng lớn, mỗi người theo học đông y may mắn học được nhiều nghề, nhưng nếu để làm giỏi, làm tốt thì chỉ cần chuyên sâu một thứ. Ví dụ để chữa gan, thận phải là những thầy thuốc gia truyền lâu đời. Hay các cơ quan nội tạng khác cũng vậy, phải là những người chuyên sâu để phát triển, chữa thật tốt một vài loại bệnh nào đó.
 Mặc dù thầy thuốc đa khoa, chữa nhiều bệnh cũng tốt nhưng gia truyền thì tốt hơn. Phố Lãn Ông từ xưa tới nay được xem là phố truyền thống, có những vị thuốc quý hiếm nhiều nơi không có, nhưng khi tìm về đây lại có. Vậy nên, với việc phục dựng bảo tồn con phố này sẽ không chỉ cho riêng Hà Nội mà nhiều nơi khác có thể tìm về tìm thuốc, chữa bệnh...
Bà Tuyết Mai, một người dân trên phố rất hào hứng với hoạt động bảo tồn: “Đây là tuyến phố nghề truyền thống đông nam dược. Từ xa xưa, người dân sống bằng nghề kinh doanh nhưng có nhiều ngôi nhà cổ đã xập xệ. Với việc bảo tồn phố nghề này sẽ thu hút khách hàng đông hơn. Bởi lẽ, hiện rất ít phố nghề trong 36 phố phường được đặt tên phố theo nghề còn giữ được nghề truyền thống như phố Lãn Ông, chẳng hạn phố Hàng Vải đã không còn bán vải mà kinh doanh những mặt hàng thương mại khác”. 
Phố nghề Lãn Ông được khoác "áo mới"
Phố nghề Lãn Ông được khoác "áo mới" 
KTS Phạm Tuấn Long - Phó Trưởng ban Quản lý phố cổ cho biết: “Vẫn còn hàng chục cửa hiệu bán thuốc đông y và bắt mạch, Lãn Ông là tuyến phố cổ hiếm hoi còn giữ được nghề truyền thống như khi hình thành. Việc chỉnh trang, cải tạo bề mặt phố Lãn Ông không chỉ tạo môi trường thuận lợi cho việc kinh doanh của các hộ dân mà còn góp phần tạo ra một điểm nhấn văn hóa đặc trưng trong khu phố cổ”. 
Ngỡ ngàng “làm mới”
“Dự án chỉnh trang, bảo tồn mặt đứng phố chuyên doanh đông nam dược Lãn Ông” nhằm chỉnh trang tập trung vào mặt đứng của phố, dỡ bỏ các chi tiết kiến trúc không phù hợp, dỡ bỏ biển quảng cáo, máy điều hòa, mái vảy. Đồng thời, mặt đứng các số nhà được dóc, trát vá các phần tường đã bong tróc, mục nát, phục hồi một số chi tiết kiến trúc bị hư hỏng, thay thế cửa gỗ tầng 1 của một số nhà kiến trúc cũ, sơn vôi tường, cửa sắt, làm biển hiệu mới...  
Dự án được quận Hoàn Kiếm đầu tư ngân sách chỉnh trang toàn bộ mặt đứng số nhà và 6 nhà được bảo tồn hết lớp thứ nhất. Các hộ dân đầu tư cải tạo nội thất, chỉnh trang bên trong. 
Trước dự án chỉnh trang phố cổ Lãn Ông, Hà Nội cũng đã thực hiện một dự án tương tự vào năm 2012, với việc bảo tồn và chỉnh sửa lại kiến trúc trên phố cổ Tạ Hiện, biến Tạ Hiện thành phố đi bộ vào các tối  cuối tuần. 
Có thể nói, hàng loạt khu phố và địa chỉ đơn lẻ của khu phố cổ Hà Nội được bảo tồn, chỉnh trang trong thời gian qua. Tuy nhiên, càng tân trang, người ta càng thấy hồn vía phố cổ thâm nâu bỗng trở nên xa lạ, thế vào đó là những khu phố sáng choang, mới toanh, mà khu phố Lãn Ông vừa hoàn thành cũng không ngoại lệ. Với phố Tạ Hiện, khi xây xong, người ta thấy khu phố khoác một tấm áo mới xa lạ, khác với vẻ xưa cũ trước đó. 
Không ít người cho rằng, điều quan trọng, sau khi phục dựng xong nhà cần đưa ngay không gian văn hóa, cái hồn truyền thống vào ngôi nhà, từ đồ nội thất đến lối sống, nếp sống văn minh, thanh lịch của người Hà Nội.
Nhưng dường như giữa bảo tồn, tôn tạo và gìn giữ những không gian văn hoá cổ luôn là điều quá khó. Thế nên hễ cứ trùng tu, bảo tồn là sáng choang tới ngỡ ngàng, và những dấu tích xưa chỉ còn thấp thoáng đâu đó trong kí ức, trong hoài niệm những ai nhớ thương một Hà Nội thâm nâu, xưa cũ mà thôi…./.
Việc bảo tồn nguyên vẹn giá trị khu phố cổ Hà Nội luôn đặt ra thách thức với những dự án phát triển của thành phố. Do đó, từ nhiều năm qua, người ta vẫn loay hoay tìm cách bảo tồn, trùng tu, gìn giữ nét cổ. Ngay từ năm 2000, Hà Nội đã có 2 dự án được khởi động, gồm: Châu Âu Asia Rehab và Hà Nội 2010 - Di sản và đặc trưng văn hóa. Đáng chú ý là sự phối hợp trực tiếp giữa Hà Nội và Toulouse (gồm 3 công trình: Đình Đồng Lạc - 38 phố Hàng Đào; nhà ở truyền thống - 87 phố Mã Mây, nhà ở 51 Hàng Bạc) đã được tôn tạo theo mô hình giữa bảo tồn di sản kiến trúc và nâng cao điều kiện ở cho người dân. Nhưng con số đó lại không mấy thấm tháp so với gần 1.000 ngôi nhà cổ cần được bảo tồn, tôn tạo ở phố cổ. 

Đọc thêm