Quan điểm “không cho con hưởng thừa kế” của “đại gia” 93 tỷ USD

(PLO) - Là người sáng lập công ty nổi tiếng Microsoft, Bill Gates là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất và giàu nhất thế giới hiện nay với số tài sản ước tính hơn 93 tỷ USD. Thế nhưng ông nói rằng có thể sẽ chuyển hơn 95% tài sản làm từ thiện sau khi vợ chồng ông qua đời
Bill Gates và vợ
Bill Gates và vợ

Bỏ Harvard theo đuổi nghiệp lập trình

Bill Gates có tên đầy đủ là William Henry “Bill” Gates III, sinh ngày 28/10/1955 ở Seattle, Washington trong một gia đình khá giả. Cha của ông là luật sư cấp cao William Gates Sr còn mẹ ông là giám đốc điều hành của một ngân hàng lớn. Gia đình giàu có nhưng cả ông Gates cha lẫn vợ đều khuyến khích các con tích cực lao động để đảm bảo cuộc sống đủ đầy.

Ngay từ nhỏ, Bill Gates đã có niềm đam mê tột cùng với sách vở. Thay vì nô đùa cùng các bạn, mỗi ngày, cậu đều dành nhiều giờ đồng hồ vùi đầu vào những cuốn sách. Gates mê sách đến mức cha mẹ ông từng phải đưa con đến gặp bác sỹ tâm thần để khám bệnh. Cũng vì lẽ đó mà năm 13 tuổi, Bill Gates được cha mẹ cho vào học ở trường tư Lakeside. Tại đây, ông có màn thể hiện xuất sắc, nhất là ở các môn toán và khoa học. 

Tại trường Lakeside, Gates đã lần đầu tiên được tiếp xúc với những chiếc máy tính. Ngôi trường này cũng là nơi Bill Gates gặp gỡ và kết thân với người bạn có cùng sở thích máy tính hơn hai tuổi tên Paul Allen. Có câu chuyện kể lại rằng vì trường quy định hạn chế sử dụng máy tính nên hai cậu bé đã bàn bạc rồi cùng nhau tấn công hệ thống máy tính của trường để thay đổi thông tin về thời gian sử dụng hòng được sử dụng máy tính lâu hơn. 

Phát hiện sự việc, công ty quản lý đã cắt luôn dịch vụ máy tính cung cấp cho trường Lakeside. Tuy nhiên, chính công ty này sau khi liên tục gặp trục trặc về vấn đề bảo mật đã phải nhờ Bill Gates và bạn trợ giúp. Xử lý được lỗ hổng bảo mật cho công ty, Bill Gates và các bạn đã được “thưởng” cho sử dụng máy tính không giới hạn về thời gian. 

Kể từ khi biết đến máy tính, Bill Gates đã mày mò tự học viết phần mềm. Đến năm 15 tuổi, ông đã nhận được khá nhiều đơn hàng, trong đó có những đơn hàng viết chương trình có thù lao lên đến 20.000 USD. Với những thành công bước đầu như vậy, năm 15 tuổi, Gates và Allen quyết định thành lập công ty Traf-O-Data, tập trung viết chương trình máy tính đếm lưu lượng giao thông. Tuy nhiên, phần mềm của họ đã không bán được và công ty cũng bị dẹp bỏ sau đó ít lâu.

Vì muốn con trai vào đại học để theo nghề luật sư của cha hoặc chí ít cũng trở thành một nhà toán học, cha mẹ Gates thậm chí đã cấm con dùng máy tính để ngăn đam mê của cậu. Năm 1973, Bill Gates được nhận vào trường Đại học Harvard theo ý muốn của các bậc sinh thành. Tuy nhiên, ông không lúc nào thôi mong muốn được làm phần mềm. Năm 1975, sau khi viết được phần mềm điều hành máy tính của công ty MITS, Bill Gates quyết định nghỉ học ở trường Harvard và cùng người bạn thân Paul Allen lập ra công ty Microsoft. 

Khởi nghiệp gian khó

Microsoft hiện là một đế chế hùng mạnh còn Bill Gates là một trong những người giàu nhất thế giới nhưng thành quả này không hề dễ dàng và một sớm một chiều có được. Những người chú ý tới Microsoft hẳn sẽ biết rằng khi mới thành lập công ty có tên là Micro-Soft, là chữ viết tắt của các từ “máy vi tính” và “phần mềm”.

Ở thời sơ khai, công ty chỉ có 13 nhân viên. Dù tất cả đều làm việc rất chăm chỉ nhưng họ vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc phân phối các sản phẩm phần mềm viết ra. Micro-soft cũng không có tiền để thuê người quản lý kinh doanh nên mẹ của Bill Gates đã phải đứng ra làm giúp công việc này. 

Đầu năm 1976, doanh thu của công ty đã xuống thấp đến mức khó có thể duy trì được hoạt động. Nguyên nhân chính là do tình trạng “ăn cắp bản quyền” tràn lan. Phát hiện vấn đề, Bill Gates đã rất tức giận.

Ông đã viết thư ngỏ gửi cho những người sử dụng máy tính Altair, nêu rõ sự cần thiết phải bảo vệ phần mềm để tránh nguy cơ những người phát triển phần mềm mất đi động lực sáng tạo, viết ra những phần mềm có giá trị. Song, những cố gắng của ông chỉ như “muối bỏ bể” và vấn nạn “dùng chùa” phần mềm vẫn lan tràn.

Mặc dù vậy nhưng Micro-Soft dưới sự điều hành của Bill Gates và Paul Allen đã dần vượt qua được những khó khăn. Đến cuối năm 1976, công ty đã đạt được doanh thu 16.005 USD. Cùng năm, dấu gạch ngang giữa cái tên Micro-Soft được xóa bỏ và công ty chính thức được đăng ký với cái tên Microsoft.

Văn phòng quốc tế đầu tiên của công ty được mở ở Nhật Bản vào năm 1978. Đến năm 1981, công ty tái cấu trúc và Bill Gates trở thành chủ tịch công ty còn Paul Allen đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch điều hành. 

Gia đình người sáng lập Microsoft
Gia đình người sáng lập Microsoft

Cùng với sự phát triển của Microsoft, khối tài sản của Bill Gates cũng gia tăng chóng mặt. Khi còn đi học, ông tuyên bố với cô giáo rằng sẽ trở thành triệu phú vào năm 30 tuổi nhưng đến năm 1987, ở tuổi 31, Bill Gates đã trở thành tỉ phú trẻ nhất thế giới. 

Đến năm 1993, ở tuổi 39, ông trở thành người đàn ông giàu nhất thế giới với tổng tài sản lúc bấy giờ khoảng 12,9 tỉ USD. Kể từ đó, trong suốt nhiều thập kỷ, ông thường xuyên giữ danh hiệu này, trừ một số năm bị người khác “soán ngôi”. Tổ chức Oxfam hồi năm 2014 công bố một báo cáo cho rằng, với mức độ chi tiêu khoảng 1 triệu USD/ngày, Bill Gates sẽ mất đến 218 năm mới tiêu hết khối tài sản ước khoảng 79 tỉ USD của mình. 

Hành động truyền cảm hứng cho các tỷ phú

Đến nay, Gates không còn là người đàn ông giàu nhất thế giới. Nguyên nhân không phải do hoạt động kinh doanh của ông không tốt mà bởi Gates đã chọn cho bớt tiền của mình đi. Năm 2000, cùng năm từ chức CEO của Microsoft, Bill Gates đã cùng vợ thành lập Quỹ Bill & Melinda Gates với mục tiêu cải thiện cuộc sống của người dân trên khắp thế giới. Kể từ đó, họ dành hết thời gian để hoạt động từ thiện.

Tổ chức của họ đã thực hiện nhiều dự án nhằm hỗ trợ giải quyết nhiều vấn đề cấp bách trên thế giới như dự án gây quỹ một tỉ USD để hơn 20.000 trẻ được đến trường hay dự án hỗ trợ phụ nữ ở các nước đang phát triển, thúc đẩy các sáng kiến y tế toàn cầu… 

Trong đó, theo một báo cáo của Bloomberg, tính từ năm 2009 cho đến nay, chỉ riêng vợ chồng nhà Gates đã quyên góp tổng cộng 2,9 tỉ USD tiền mặt và 700 triệu USD cổ phiếu của Microsoft cho hoạt động từ thiện. Không chỉ cho đi tài sản của mình, Bill Gates còn truyền cảm hứng cho những người khác hành động tương tự.

Năm 2010, ông và vợ đã cùng người bạn tỉ phú Warren Buffett thành lập Cam kết cho đi – một phong trào khuyến khích những cá nhân siêu giàu cam kết hiến ít nhất một nửa số tài sản của họ cho hoạt động từ thiện. Đến nay, hơn 150 tỉ phú và triệu phú đã ký vào bản cam kết trên, trong đó có người sáng lập facebook Mark Zuckerberg, trùm kinh doanh người Anh Richard Branson, tỉ phú người Nam Phi Elon Musk.

Mặc dù vậy nhưng với số cổ phần ở Microsoft, tài sản của Bill Gates vẫn không ngừng gia tăng. Thống kê được công bố gần đây cho biết, tổng tài sản của Bill Gates tính đến tháng 10/2017 là 93,8 tỉ USD. Con số này tương đương tổng GDP của vài nước ở châu Phi. Bên cạnh đó, trong năm 2017, ông vẫn kiếm được đến hơn 240 triệu USD/ngày. Tài sản của ông được dự báo sẽ chạm mức ngàn tỉ USD khi ông bước sang tuổi 86.

Nắm trong tay số tài sản khổng lồ như vậy nhưng Bill Gates và vợ cũng đã khiến nhiều người ngưỡng mộ khi tuyên bố rõ sẽ không để toàn bộ tài sản cho ba người con của họ. Trong một cuộc phỏng vấn, ông nói rằng có thể sẽ chuyển hơn 95% tài sản cho Quỹ Bill và Melinda Gates sau khi vợ chồng ông qua đời. Như vậy, các con của ông sẽ chỉ nhận được tổng cộng tối đa là 5% số tài sản mà cha mẹ để lại. 

Lý giải về việc này, Gates cho hay ông lo ngại khối tài sản đó sẽ phá hỏng cuộc đời của các con ông. “Việc để khối tài sản khổng lồ cho những đứa trẻ sẽ không tốt cho chúng. Nó sẽ phá hủy mong muốn làm việc để tìm hướng đi cho riêng mình của những đứa trẻ. Các con của chúng tôi sẽ nhận được nền giáo dục tốt và một số tiền đủ để chúng không phải sống trong cảnh nghèo đói nhưng chúng sẽ phải ra ngoài và tự xây dựng sự nghiệp của riêng chúng”, ông nói.

Đọc thêm