Quan tài ba suýt mất chức vì kẻ tiểu nhân

(PLO) -Không chỉ là hậu tổ hát bội, Đào Tấn - với vốn học vấn uyên bác của mình - còn là một thi sĩ được đánh giá cao. Đời làm quan của cụ, có lúc phải thua kẻ tà gian, nhưng với dân nước thì mãi còn đó một Đào Tấn tài hoa. 
Đào Tấn
Đào Tấn

Làm quan, ông không như nhiều kẻ khác lấy danh lợi mà đè đầu cưỡi cổ dân, lấy vị thế mà ra uy với dân. Ngược lại, quan họ Đào lại gần dân, thương dân lắm lắm. Thế nên không ngạc nhiên khi làm quan đất An Tĩnh, trước cửa thành Nghệ An ông đề câu đối:

Hồng sơn Lam giang nhi tại tả hữu,

Hoàng đồng bạch tẩu di nhiên vãng lai.

(Sông Lam, núi Hồng ở bên tả, hữu,

Trẻ nít, ông già vui vầy lại qua). 

Trân trọng người tài

Xuất thân từ khoa cử, lại là người văn hay chữ tốt, học vấn uyên thâm. Bởi vậy quan Đào Tấn rất để tâm tới việc khuyến khích sự học cho dân tình. Bên cạnh dinh Tổng đốc mà ông ngự nơi đất Nghệ, lại có nhà “Phụ tử độc thơ đường” (Nhà đọc sách của cha con).

Còn cha con ông, trình độ học vấn tương đương nhau, nên đương thời gọi là “Phụ tử như bằng hữu” (Cha con như bè bạn), có ý khen tình cảm cha con Đào Tấn-Đào Thụy Thạch. 

Khi làm Tổng đốc Nam Nghĩa, năm Mậu Tuất (1898) có khoa thi Hội, đất “hay cãi” có 5 ông đậu đại khoa, quả là vinh hiển rất mực cho quê hương. Tổng đốc Đào Tấn liền cho thêu lá cờ “Ngũ phụng tề phi” rồi cho đi rước ở địa đầu giáp tỉnh Thừa Thiên.

Người đời bởi sự kiện này, gọi là “khoa Ngũ phụng tề phi”. Còn các vị tiến sĩ vinh quy, được quan Tổng đốc họ Đào tặng cho những bài thơ khen ngợi. Chẳng hạn như bài thơ tặng chung hai vị tiến sĩ Phạm Tuấn, Phan Quang: 

Chiết quế nhơn tùng nguyệt điện lai,

Đình bôi vị vấn thiếu niên tài. 

Khan hoa mã quá song kiều lộ,

Thùy thị nam chi đệ nhất mai.

Trần Gia Thoại dịch:

Bẻ quế cung trăng ấy mới tài,

Nâng ly hỏi thử khách là ai?

Xem hoa cỡi ngựa qua cầu kép,

Là cánh hoa nam đệ nhất mai. 

Năm Canh Tý (1900), khoa thi Hương trường Nghệ, Phan Bội Châu đỗ đầu bảng, còn cụ Đoàn Tử Quang tuổi hơn 80 đỗ chót bảng. Nếu không có sự can thiệp với triều đình của Tổng đốc Đào Tấn và Chủ khảo Khiếu Năng Tĩnh, thì cụ Quang đã rớt bảng vàng rồi.

Vì trân trọng học vấn của cụ uẩn súc, có thể đỗ Á khoa, chỉ vì phạm quy sót chữ có thể lỡ bước công danh, mà quan họ Đào góp phần tác động, cũng là nâng niu sự học, nên cụ Đoàn Tử Quang được lọt bảng cử nhân đứng chót. Còn riêng Phan Bội Châu, được Đào Tấn mừng 14 chữ:

Lưỡng tuế tam nguyên thiên hạ hữu,

Độc danh nhứt bảng thế gian vô. 

Với kẻ tài danh, dẫu chí hướng có khác, nhưng ông không vì thế mà khinh miệt; ngược lại, ông rất trân trọng những kẻ hiền sĩ ấy. Thế nên mới có chuyện khi ra làm quan đất An Tĩnh lần thứ hai, chính ông đã cấp giấy thông hành cho Phan Bội Châu được phép ra Hà Nội năm Nhâm Dần (1902) dự lễ khánh thành cầu Doumer (tức cầu Long Biên nay). Còn với cựu đảng Cần vương, cụ tỏ ra trọng đãi, ưu ái lắm. Như cụ Đốc học Đào Nguyên Cẩn (sau bị đày Côn Lôn 13 năm) với họ Đào là chỗ thân tình, quý trọng nhau… 

Đình làng Vinh Thạnh - nơi thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn
Đình làng Vinh Thạnh - nơi thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn

Mối mâu thuẫn Tấn – Thân

Sự hiềm khích gay gắt giữ Nguyễn Thân, tay gian hùng, tay sai đắc lực của Pháp (sánh với Hoàng Cao Khải, Trần Bá Lộc dạo ấy) và quan Đào Tấn, kể cũng lắm nỗi. Hai người ấy, lạ làm sao, lại có điểm chung là đều rất thích hát bội.

Bạn đọc muốn tỏ thêm, cứ phải xem qua Đào Tấn và hát bội Bình Định của Quách Tấn, Quách Giao thì mới tường minh hết được. Ở đây, chúng tôi chỉ xin điểm qua trong giới hạn câu chữ cho phép mà thôi.

Mâu thuẫn ấy, là giữa một bên chính (Đào Tấn) với một bên tà (Nguyễn Thân), ánh sáng và bóng tôi luôn là hai thái cực đối lập gay gắt. Lại trong tuồng cụ Đào, những kẻ tà, nịnh đều bị lên án, Nguyễn Thân yêu hát bội, gì mà không “nhột”. Thời Thành Thái, Thân đang làm Tổng đốc Bình Định, được triệu về kinh làm Túc liệt tướng đi trấn áp khởi nghĩa của cụ Phan Đình Phùng. Hắn cho là Hà Đình Nguyễn Thuật ở bộ Lại cùng cụ Đào đẩy hắn vào chỗ tử địa.

Lại thêm ở Viện Cơ mật do Thân làm Viện trưởng, hai câu đối hai bên cột trụ của viện có 4 chữ “Ngật nhiên trụ thạch”, nghĩa là cao vót, vững chắc như cột đá tảng. Ấy nhưng có kẻ nịnh hót lại mách với Thân rằng Thân làng Thạch Trụ, có nằm bàn đèn (hút thuốc phiện) nên Thượng thư bộ Lại Nguyễn Thuật và Tham tá Cơ mật Đào Tấn ỷ hay chữ mà nói xách mé Thân là chủ Viện Cơ mật làng Thạch Trụ ngật yên (hút thuốc phiện). Từ ấy, mối thâm thù của kẻ tiểu nhân Nguyễn Thân ngày càng chất chứa với cụ Đào. Cơ hội rồi cũng đến.

Năm Quý Mão (1903), Đào Tấn đang là Thượng thư bộ Công. Lúc này nhà nước cho sửa lại dãy trại Đông Ba. Ông Hường Hoàng xui ông bố vợ của Đào Nhữ Tuyên (thông gia với cụ Đào) tham gia đấu giá thầu.

Lợi dụng sơ hở trong điều kiện đấu giá, Thân mật báo với Khâm sứ Trung Kỳ, khép cụ Đào vào tội thông đồng với Hường Hoàng biển thủ vật liệu của nhà nước. Bởi trong điều kiện đấu giá không nói đến vật liệu cũ thuộc bên nào, nên Hường Hoàng nghĩ đồ cũ phế thải sẽ thuộc bên người thầu. Chỉ cái lý do đó, Thân và thực dân đề nghị cách chức cụ Đào, hòng nhổ cái gai đâm vào thân chúng lâu nay. 

Lúc này, vua Thành Thái hiểu lòng cụ, đã nói rằng “Ta còn ngồi trên ngai ngày nào, thì Đào Tấn không mất trật nào hết”. Ấy nhưng khi nước đã mất thì vua cũng thua kẻ địch, phải viện đến sự can thiệp của Toàn quyền Pháp, việc mới được dàn xếp.

Năm Giáp Thìn (1904), cụ Đào hưu trí, giữ nguyên hàm về bản quán, Nguyễn Thân hẳn tự đắc lắm. Còn cụ Đào rũ áo về quê, vui thú điền viên rồi mất ba năm sau đó, hưởng thọ 63 xuân. 

Nghiệp văn chương

Trong bài viết Những điều nghe, biết về Đào Tấn, Mạc Như Tòng cho biết, Đào Tấn “đến năm 14-15 tuổi ông đã học thông nghĩa sách, ưa đọc thi Đường”. Sau, Đào Tấn lại được kèm cặp, dạy dỗ bởi người thầy có ảnh hưởng lớn đến nghiệp thơ, nghiệp hát bội của ông-cụ tú Diêu.

Cụ Diêu là người Nho học, Hán văn, Quốc văn đều giỏi, hát bội hay, sáng tác tuồng giỏi, văn thơ xuất chúng, thế nên không ngạc nhiên khi “do đó, Đào Tấn hấp thụ tài nghệ của thầy rất sâu sắc”. 

Khi đến tuổi thanh niên, Đào Tấn hay làm thơ, vè hài hước. Như trước đã nói, Đào Tấn từng làm làm thơ đả kích, châm biếm hương thân bởi việc giảng “Thập điều” được nhiều người đồng tình vì thay họ phản ánh tâm tư.

Lúc ấy, Đào Tấn tuổi khoảng 18-19. Sau khi đỗ cử nhân, thay vì làm quan, Đào Tấn theo thầy Diều mà bồi bổ vốn văn chương, hát bội. Có lẽ vì thế, mà sau này thơ từ của ông, dồi dào chẳng kém lĩnh vực ưu thế là hát bội. 

Một số tác phẩm của Đào Tấn hoặc viết về Đào Tấn
Một số tác phẩm của Đào Tấn hoặc viết về Đào Tấn

Nói về nghiệp văn chương của quan họ Đào, trong Việt Nam danh nhân từ điển tóm lược đôi dòng, rằng: “Sành văn thơ, lúc sinh tiền, họ Đào có làm nhiều thơ chữ Hán góp thành tập: “Mộng mai ngâm thảo” (bị thất lạc)”.

Nhưng theo tìm hiểu của Quách Giao và Quách Tấn trong Đào Tấn và hát bội Bình Định, thì tác phẩm của cụ Đào Tấn còn nhiều hơn thế với Mộng Mai ngâm thảo (thơ thất ngôn, ngũ ngôn, lụt, tuyệt), Mộng Mai từ lục (từ khúc theo các điệu của Trung Hoa), Mộng Mai văn sao (tản văn, ký, tùy bút).

Từ điển nghệ thuật hát bội Việt Nam còn cho biết thêm họ Đào có Mộng Mai thi tồn. Tính ra, Đào Tấn có khoảng hơn 1.000 bài thơ, từ, câu đối và tản văn đủ thể loại. 

Hậu nhân khi ngâm ngợi thơ Đào Tấn, luôn tìm ra được những điểm hay, điểm đắt trong thơ ông, cũng là phản ánh tâm hồn, khí phách quan họ Đào. Tỉ như trong tập Mộng Mai ngâm thảo, có câu thơ 7 chữ tâm đắc “Tâm quý nhơn hồ đế cựu thần” (Thẹn thùng người ta gọi là tôi cũ nhà vua).

Giữa cái buổi còn tư tưởng tôn quân ấy, mà họ Đào dám thể hiện cái tôi, quan điểm riêng ra, hẳn mấy ai dám như ông. Còn về khoản đối liễn của ông thì lời gọn, ý sâu. Dẫu được đào tạo Nho học, nhưng ông ít dùng lời sáo, điển xưa, mà cũng có đôi lúc trào lộng. Ví như câu đối mừng tân tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo:

Lục tuần ngã dĩ hưu quan khứ,

Tam giáp quân sơ đắc đệ hồi. 

(Sáu mươi tuổi ta đã quan hưu đi rồi. Mừng anh nay đỗ tiến sĩ mới về).  

Khi nói về văn chương Đào Tấn, người đương thời với ông là Nguyễn Trọng Trì, đã viết trong Vân Sơn tạp bút rằng “Tài năng văn chương của ông Đào trong triều, ngoài quận đều biết. Cái đức khiêm tốn của ông, cũng làm cho người ta kính phục nhiều vậy”. 

Đọc thêm