'Quản' xe ba bánh thế nào để người điều khiển vẫn có cơm ăn?

(PLO) - Sau các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan tới xe ba bánh, xe kéo chở hàng hóa cồng kềnh khiến dư luận dấy lên làn sóng lên án, tẩy chay các loại xe này. Nhưng nếu cấm các xe ba gác, xe kéo thô sơ này lưu hành thì liệu có ổn khi đó là “cần câu cơm” của không ít gia đình.
Minh họa. Ảnh N.T
Minh họa. Ảnh N.T

Cũng vì miếng cơm, manh áo

Vào vai một người mua hàng ống kẽm trên đường Đê La Thành rồi hỏi về vấn đề vận chuyển, phóng viên đều được các chủ hộ kinh doanh tư vấn: nếu mua nhiều thì dùng ô tô còn ít thì gọi xe ba gác, xe máy kéo cho rẻ, chỉ dao động từ 80.000 đến 200.000  đồng tùy theo khối lượng, kích thước hàng hóa, độ xa gần...

Một chủ xe máy chở hàng trên đường Đê La Thành giãi bày: “Khu vực này hàng hóa chủ yếu là vật liệu công trình như sắt, thép, tôn, ống nước… Chở cồng kềnh khó quan sát, nguy hiểm lắm, điều khiển xe hàng nặng vất vả lắm, dạo này liên tiếp xảy ra tai nạn chết người do xe kéo, xe ba bánh chở quá tải. CSGT lại tăng cường xử phạt nhưng khách yêu cầu thì phải chở, tìm các con đường không có chốt trạm để né. Bó tôn, ống kẽm dài hơn 10m chở được đến nơi toát mồ hôi, mệt đứt hơi. Với lại, mình sống bằng nghề chở thuê, nếu không chở thì người ta thuê người khác. Cũng vì miếng cơm cả thôi”.

Trong lúc đợi khách, lái xe Lê Đình Phiên (58 tuổi) tâm sự:  “Tôi là thương binh chạy xe ba bánh để kiếm thêm thu nhập. Thời gian vừa qua thường xuyên xảy ra những vụ tai nạn giao thông do xe ba bánh, xe ba gác… gây ra.

Theo tôi được biết thì hầu hết những cái xe đó thì do anh, em họ tự kiếm xe họ làm, người ta hoàn toàn không phải thương binh. Những người đó chạy xe rất là ẩu. Những người lính như chúng tôi thường thì không có những chuyện đó đâu. Còn lái xe ba bánh thì có nhiều xe lắm, riêng tôi chạy xe ở bến Mỹ Đình này thì chỉ có năm thương binh và một bệnh binh thôi, trong khi đó khu vực này có tận 36 xe ba bánh. Rồi đến khi xảy ra chuyện tất cả lại đổ lên đầu anh em thương binh chúng tôi. Thực sự nhiều lúc anh em thương binh cũng cảm thấy bức xúc”.

Ý thức không thay đổi sẽ vẫn “dở khóc, dở mếu”

Trong khi người chở thuê ai cũng có lý do của mình, chấp nhận liều vì miếng cơm manh áo thì người đi đường nói gì?. Chị Thu Cúc (sinh viên năm ba Trường Kinh tế Kĩ thuật Công nghiệp) cho biết: “Chúng tôi là sinh viên, nên việc chuyển nhà, phòng là thường xuyên. Phương tiện chủ yếu để vận chuyển đồ là  xe ba bánh của các bác thương binh vì dùng taxi hay phương tiện khác thì sẽ chở được ít và tốn kém hơn rất nhiều.

Gần đây có những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan tới xe ba bánh, xe kéo phương tiện chở hàng hóa cồng kềnh khiến ai cũng hoang mang, lo lắng. Không ít người nêu ra lý do nên cấm xe ba bánh, ba gác.  Nhưng theo tôi, tất cả là do ý thức của người dân thôi. Nếu ý thức của người lái xe tốt hơn, đừng chở đồ quá cồng kềnh thì đã không có những sự việc đáng tiếc như thời gian qua”. 

Anh Minh Anh - nhân viên văn phòng ở Hà Nội bày tỏ ý kiến rằng người làm nghề vận chuyển thì vì lý do miếng cơm manh áo, người dân thì vì sự an toàn, tính mạng của mình. Ai cũng có lý do chính đáng riêng. Cấm xe ba bánh, ba gác cũng không được vì nó là kế sinh nhai của nhiều con người. Cho lưu hành mà vi phạm giao thông, cũng không xong.

Bài toán đặt ra ở đây làm sao để vừa đảm bảo được an toàn giao thông cũng như đảm bảo được kế sinh nhai cho người chạy xe ba bánh, xe ba gác, xe máy chở đồ… Vấn đề đó thực ra không khó, đó chính là ý thức của người tham gia giao thông. Không phải chỉ Việt Nam có xe ba bánh mà nhiều nước khác cũng có. Tiêu biểu như người Thái, xe ba bánh đã trở thành đặc sản, nét riêng của họ. Chỉ cần làm tốt trong công tác quản lý cũng như ý thức khi tham gia giao thông của người dân được nâng cao thì những chuyện buồn mà xe ba bánh gây sẽ chắc sẽ không còn. 

Đọc thêm