Quỹ bảo hiểm y tế Hà Nội bị đe dọa do doanh nghiệp trốn

Bảo hiểm xã hội Hà Nội không nắm được có bao nhiêu doanh nghiệp đang hoạt động thực sự trên địa bàn thành phố. Thêm vào đó, do mức phạt doanh nghiệp nợ đọng BHYT vẫn còn ở mức khiêm tốn (cao nhất 30 triệu đồng) nên không đủ sức răn đe. Hậu quả là số doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng BHYT vẫn còn rất cao.

Đoàn giám sát của ủy ban thường vụ Quốc hội vừa làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2009-2012 dưới sự chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng.

Khám chữa bệnh cho bệnh nhân có bảo hiểm y tế
Khám chữa bệnh cho bệnh nhân có bảo hiểm y tế.

Vẫn còn nhiều doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHYT

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Nguyễn Thị Bích Ngọc, sau 3 năm thực hiện Luật BHYT, đến nay tổng số người tham gia BHYT trên toàn TP là 4,794 triệu người, chiếm 68,91% dân số, tăng 44,34% so với năm 2009. Nhưng bên cạnh đó, thành phố vẫn còn 10 huyện có tỷ lệ tham gia BHYT thấp dưới 50%, trong đó có tới 8 huyện có xu hướng giảm số người tham gia đóng BHYT trong 2 năm qua và tỷ lệ người cận nghèo tham gia BHYT còn rất thấp.

Tuy nhiên, bà Ngọc cho hay, 3 năm quỹ BHYT đều có kết dư. Trong đó, năm 2010 kết dư 571 tỷ đồng, năm 2011 kết dư 319,6 tỷ đồng và năm 2012 ước tính khoảng 871 tỷ động. Mặc dù có kết dư quỹ, nhưng người bệnh BHYT vẫn phải bỏ tiền túi khám bệnh. Nguyên nhân, bệnh nhân dù có BHYT tuyến dưới, nhưng vẫn vượt tuyến, nên chỉ được hưởng quyền lợi KCB BHYT 70% tại BV hạng III, 50% tại BV hạng II, 30% BV hạng I (theo qui định của Bộ Y tế). Thực tế này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người khám chữa bệnh, mà còn dẫn đến tình trạng quá tải tại các bệnh viện (BV) tuyến trên.

Về vấn đề chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh có thẻ BHYT, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thừa nhận Hà Nội có nhiều hạn chế như cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa cạnh tranh được với các BV T.Ư trên địa bàn; chất lượng nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu…

Tuy nhiên, trong thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục đầu tư phát triển y tế cơ sở, đặc biệt tập trung xây dựng, phát triển một số BV lớn của Thủ đô như BVĐK Xanh Pôn, BV Thanh Nhàn, BV Phụ sản Hà Nội… để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân.

Lý giải cho nguyên nhân của tình trạng số người dân tham gia BHYT của Hà Nội còn chưa đáng kể, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội cho biết, hiện nay, tỷ lệ tham gia thấp chủ yếu rơi vào nhóm lao động ngoài quốc doanh.

Bởi vậy, Bảo hiểm xã hội Hà Nội không nắm được có bao nhiêu doanh nghiệp đang hoạt động thực sự trên địa bàn thành phố. Thêm vào đó, do mức phạt doanh nghiệp nợ đọng BHYT vẫn còn ở mức khiêm tốn (cao nhất 30 triệu đồng) nên không đủ sức răn đe. Hậu quả là số doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng BHYT vẫn còn rất cao.  

Sớm phê duyệt giá dịch vụ y tế mới

Một điều cần thấy rõ là sẽ khó tăng được tỷ lệ người dân tham gia BHYT nếu không cải thiện và nâng cao chất lượng các dịch vụ khám chữa bệnh; tăng cường công tác thanh, kiểm tra về thực hiện BHYT cũng như tuyên truyền để người dân biết về các quyền lợi khi tham gia BHYT; đặc biệt là thay đổi thái độ ứng xử của nhân viên y tế đối với người dân khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT…

Bàn về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho rằng, Hà Nội nên tăng mức hỗ trợ cho các hộ cận nghèo, rà soát các doanh nghiệp chưa tham gia hoặc nợ đọng BHYT để có hướng khắc phục. Ngoài ra, để tăng chất lượng điều trị, tăng quyền lợi cho người tham gia BHYT, bà Xuyên cũng kiến nghị, Hà Nội nên sớm phê duyệt giá dịch vụ y tế mới, muộn nhất trong tháng 7, 8/2013.

Để mở rộng độ bao phủ BHYT, thời gian qua Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Hà Nội đã thực hiện rất nhiều giải pháp, đặc biệt là khâu truyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa cũng như những quyền lợi khi tham gia chính sách này. Nhưng, để tăng tỷ lệ tham gia BHYT không dễ dàng, nhất là các đối tượng BHYT tự nguyện.

Bởi vậy, trong thời gian tới ông Thảo khẳng định, Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung khắc phục quá tải BV, nâng cao chất lượng KCB để huy động người dân tham gia BHYT. Hà Nội cũng sẽ chú trọng tuyên truyền, động viên người dân tham gia BHYT cũng như tăng cường quản lý nhà nước, hỗ trợ các đối tượng khó khăn khi tham gia BHYT.

Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến từ phía địa phương đề nghị Quốc hội nên sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật BHYT, trong đó bổ sung đối tượng trợ cấp tuất hàng tháng được cấp thẻ BHYT; đồng thời có chính sách khuyến khích đối với nhóm đối tượng tham gia mua BHYT tự nguyện trong trường hợp cả gia đình cùng tham gia.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội đã đánh giá cao việc bao phủ, mở rộng các đối tượng tham gia BHYT của Hà Nội. Bà Phóng cũng đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ Hà Nội để Thủ đô thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân và kiến nghị  sửa đổi một số điều còn bất cập của Luật BHYT để hài hòa lợi ích của các bên liên quan đến BHYT.

Đối với cơ quan BHXH, theo bà Phóng cần tìm mô hình phát triển BHYT phù hợp với tình hình thực tế… Đặc biệt, Phó chủ tịch Quốc hội nhắc nhở các cấp lãnh đạo địa phương nên phát huy vai trò của mình trong việc vận động và thuyết phục người dân tham gia BHYT; phía cơ sở y tế thì phải nâng cao y đức và thái độ phục vụ người bệnh để  thu hút các đối tượng tham gia đóng BHYT.

Trà Long

Đọc thêm