Quy định bán rượu, bia theo giờ: Quan trọng vẫn là ý thức người dân

(PLO) - Theo thống kê, khoảng 70% người dân Việt Nam đều ít nhiều chịu tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của rượu bia, do đó, phòng, chống tác hại của rượu, bia là điều nên làm. Nhiều ý kiến cho rằng ngoài việc xây dựng hệ thống pháp luật nghiêm khắc thì giải pháp bền vững nhất là cần tập trung làm thay đổi ý thức sử dụng rượu, bia của mỗi người dân.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Việt Nam là nước tiêu thụ rượu, bia đứng thứ 2 trong khu vực

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, việc tiêu thụ rượu, bia tại Việt Nam hiện nay rất đáng báo động. Theo thống kê, tỉ lệ người dân sử dụng rượu, bia tăng trong thời gian qua, năm 2015 tỷ lệ người dân sử dụng rượu, bia là 80,3% ở nam giới và 11,6% ở nữ giới. Tỷ lệ uống rượu, bia trong vị thành niên và thanh niên đã tăng gần 10% sau 5 năm...

Bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế cho biết, chi phí cho tiêu thụ bia của Việt Nam khoảng 3,4 tỉ USD/ năm, gần 3% số thu ngân sách của cả nước, bình quân khoảng hơn 300 USD người/năm, trong khi chi tiêu cho y tế cùng thời kỳ chỉ bình quân 113 USD/người. 

Đặc biệt, xu hướng trẻ hóa tuổi sử dụng rượu, bia đang gia tăng với gần 10% số trẻ vị thành niên/thành niên có sử dụng đồ uống có cồn này sau 5 năm, tỷ lệ nam chiếm 79,9% và nữ chiếm 36,5%. Hiện nay, một số ý kiến cho rằng nếu uống bia ít gây hại cho sức khỏe hơn so với uống rượu. Đây là quan niệm không đúng bởi tác hại chủ yếu là do chất cồn trong đồ uống gây ra phụ thuộc vào lượng uống, cách thức uống chứ không phụ thuộc vào loại đồ uống là bia hay rượu.

Cần thay đổi từ ý thức “uống có trách nhiệm”

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: “70% người dân Việt Nam đều ít nhiều chịu tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của rượu bia. Thiệt hại của rượu, bia lớn hơn gấp nhiều lần so với giá trị kinh doanh của rượu bia mang lại. Rượu bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ 5 trong số 15 yếu tố nguy cơ sức khỏe hàng đầu, là nguyên nhân liên quan đến chấn thương tai nạn giao thông, rối loạn tâm thần, xơ gan, tim mạch, ung thư...”.

Do đó, Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, Bộ Y tế đưa ra 3 phương án đối với quy định về địa điểm, phương thức, thời gian không được bán rượu, bia.

Phương án 1: Chỉ được bán rượu, bia trong khoảng thời gian từ 11-14h và 17-22h hàng ngày, trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch.

Phương án 2: Chỉ được bán rượu, bia trong khoảng thời gian từ 6-22h hàng ngày, trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch;

Phương án 3: Thời gian không được bán rượu, bia thực hiện theo lộ trình quy định của Chính phủ trong trường hợp cần thiết căn cứ yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống tác hại rượu, bia. 

Về việc quản lý sản xuất rượu thủ công, dự thảo Luật siết chặt hoạt động kinh doanh này nhằm hạn chế tối đa hậu quả gây ra nếu có của việc sản xuất rượu thủ công. Thực tế hiện nay cho thấy, số lượng giấy phép kinh doanh bán lẻ và giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh được cấp tại các địa phương quá ít so với số lượng thực tế các cơ sở đang hoạt động, khoảng 15% đối với cơ sở sản xuất rượu thủ công và 50% đối với cơ sở bán lẻ.

Theo đó, với rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh, Dự thảo Luật quy định, người sản xuất phải kê khai với chính quyền địa phương nơi sản xuất về nguyên liệu, sản lượng, phương pháp sản xuất và cam kết không bán rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh.

Nhiều người tỏ ra lo ngại sau những giờ quy định thì việc bán rượu, bia sẽ được chuyển từ bán công khai sang bán kín. Từ đó liệu với những giải pháp được đề xuất trong dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có đủ sức ngăn chặn những hậu quả của “ma men” nếu ý thức sử dụng đồ uống có cồn của người dân vẫn chưa thay đổi? Theo đó, với nhiều người, giải pháp bền vững nhất là cần tập trung làm thay đổi ý thức sử dụng rượu, bia văn minh hơn trong mỗi người dân.

Đánh giá về khả năng thực thi luật trong thực tế, ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết: “Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia sẽ có tác động sâu rộng tới nhiều người dân. Tuy nhiên, cũng giống như Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, sẽ cần phải có một quá trình thực hiện mới phát huy hiệu quả.

Chúng ta có thể nhìn thấy hiệu quả của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá là rất lớn. Vỏ bao thuốc lá trước đây chỉ vài ba chữ, nay nửa bao là hình ảnh về tác hại của thuốc lá, có tác dụng truyền thông rất lớn, các điểm công cộng tỉ lệ hút thuốc lá giảm… Chúng tôi cũng đang xúc tiến để Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia được thông qua, hướng tới giảm tác hại của rượu bia”.

Đọc thêm