Quy hoạch chiếu sáng đô thị cần nhiều giải pháp hợp lý

(PLO) -Hiện nay, lượng điện dùng trong chiếu sáng ở Việt Nam chiếm 25% và sẽ tăng cao hơn vào những năm tới, trong khi các nguồn cung không thể đáp ứng yêu cầu. Để khắc phục, các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, chiếu sáng đều nhìn nhận, giải pháp tích cực nhất là sử dụng các loại đèn LED kết hợp hệ thống điều khiển thông minh, vừa tiết kiệm điện 50 - 60%, vừa bảo vệ môi trường.
Quy hoạch chiếu sáng đô thị cần nhiều giải pháp hợp lý

Hài hòa giữa kỹ thuật và mỹ thuật

Hiện nay, chiếu sáng đô thị đang có xu hướng được chính quyền các đô thị đặc biệt quan tâm nhằm đảm bảo an ninh, an toàn, tiết kiệm năng lượng, góp phần tạo ra sự khác biệt, hấp dẫn, làm tăng thêm giá trị thương hiệu, hình ảnh mang tính biểu tượng của các đô thị trong phạm vi toàn cầu.

Nghệ thuật chiếu sáng đô thị ở các thành phố như NewYork, Paris, London, Thượng Hải, Hồng Kông, Singapore… đã đạt tới trình độ đỉnh cao. Nó không những làm tăng thêm vẻ đẹp, chất lượng, thương hiệu cho các thành phố này mà còn mang lại cho người dân nơi đây cơ hội phát triển kinh tế, niềm tự hào dân tộc, khơi dậy nguồn lực sống…

Trong thời gian qua, cùng với sự gia tăng tốc độ, chất lượng đô thị hóa, công tác quy hoạch chiếu sáng đô thị Việt Nam cũng được quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên, theo PGS.TS Doãn Minh Khôi, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị, Việt Nam đang gặp khó trong việc xác định hình thái quy hoạch chiếu sáng phù hợp.

Một khó khăn nữa, đó là đội ngũ kỹ thuật viên ánh sáng của Việt Nam còn yếu, do nghề chiếu sáng vẫn còn khá mới ở nước ta. Đào tạo về chiếu sáng đã được thực hiện tại một số trường đại học, nhưng giới hạn trong lĩnh vực kỹ thuật cho các kỹ sư điện, trong khi ngày nay chiếu sáng là lĩnh vực hội tụ cả 2 yếu tố mỹ thuật và kỹ thuật.

“Sự chậm trễ trong việc lập quy hoạch chiếu sáng đô thị sẽ dẫn tới gia tăng sự khó kiểm soát chiếu sáng tư nhân trong không gian đô thị, đặc biệt trong chiếu sáng thương mại và quảng cáo. Ô nhiễm chiếu sáng và sự lãng phí năng lượng, vì thế sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn”, ông Khôi lo ngại.

Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhấn mạnh, việc tổ chức chiếu sáng phải lưu ý tới những nét đặc điểm riêng biệt của từng đô thị, làm nổi bật được “tinh thần nơi chốn”, giúp người dân nhìn nhận thấy không chỉ vẻ đẹp của đô thị ánh sáng, mà còn bao hàm cả những giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa của các công trình, di tích…

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, người đã từng đi khoảng 30 thành phố trên thế giới cho biết: “Buổi tối tất cả kiến trúc của thành phố, của mặt tiền các tòa nhà, những công trình kiến trúc mang tính lịch sử được họ chiếu sáng rất đẹp. Tùy từng căn nhà mà họ có những giải pháp chiếu sáng vừa phải, làm nổi bật được kiến trúc, cái đó được gọi là dùng ánh sáng để “vẽ”, làm nổi kiến trúc lên.

Ở các thành phố lớn của các nước từ Paris (Pháp), Amsterdam (Hà Lan), Budapest (Hungary)… họ nhấn vào những cái cầu, những công trình kiến trúc ở trong thành phố, buổi đêm nó giống như là một tác phẩm điêu khắc. Lúc đó kiến trúc và điêu khắc hòa làm một… chứ không làm như ở ta”.

“Làm như ở ta” theo lý giải của ông Sơn đó là, chất lượng chiếu sáng tại các đô thị còn chưa cao, các hình thức chiếu sáng các công trình kiến trúc, chiếu sáng quảng cáo, không gian cây xanh mặt nước… vẫn còn tự phát, manh mún, tùy tiện do chưa có sự kết hợp hay chưa có hướng dẫn, quy định bắt buộc về loại hình này.

Chỉ tiết kiệm điện, không tiết kiệm ánh sáng

TS Trần Đình Bắc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Chiếu sáng Việt Nam thì cho rằng, tiết kiệm năng lượng là một vấn đề có tác động rất lớn đối với việc quy hoạch chiếu sáng, các nhà quản lý cần nghiên cứu kỹ để hạn chế tình trạng chiếu sáng dàn trải, gây lãng phí năng lượng.

TS Trần Đình Bắc
TS Trần Đình Bắc

Hiện nay, điện năng dùng cho chiếu sáng của Việt Nam chiếm khoảng 25% điện năng tiêu thụ của cả nước, cao hơn nhiều so với mức trung bình 20% trên thế giới. Trong đó, hệ thống chiếu sáng công cộng là lĩnh vực tiêu tốn nhiều năng lượng, do thiết kế, lắp đặt và sử dụng chiếu sáng chưa hiệu quả.

“Các tiêu chuẩn sản phẩm chiếu sáng của Việt Nam hiện hành hầu hết được ban hành trong những năm 80 – 90 của thế kỷ trước nên không còn phù hợp với thực tế hiện nay. Phần lớn các tiêu chuẩn chưa đề cập đến yêu cầu về hiệu suất năng lượng, nếu có thì chỉ ở mức thấp so với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực. Các tiêu chuẩn chiếu sáng thiếu đồng bộ, không thống nhất về các chỉ tiêu độ rọi, độ chói và chất lượng ánh sáng; chưa có các quy định cụ thể về giải pháp tiết kiệm năng lượng…”, TS Bắc cho biết.

Các thành phố lớn của Việt Nam chủ yếu dùng đèn thủy ngân cao áp hoặc Sodium cao áp cho hệ thống chiếu sáng công cộng. Loại đèn này tiêu thụ nhiều điện năng, hiệu suất chiếu sáng chưa cao và tuổi thọ còn thấp. Hệ thống các trạm điều khiển đèn vẫn chỉ được điều khiển bằng tủ cục bộ và hầu như chưa có thiết bị điều khiển chiếu sáng cho hệ thống.

Để giảm chi phí điện năng và đối phó với tình trạng thiếu điện thường xuyên, trong những năm gần đây, một số thành phố lớn đã phải dùng biện pháp tắt 1/3 đến 1/2 số đèn chiếu sáng công cộng, làm ảnh hưởng đến độ sáng cần thiết và an toàn trong giao thông.

“Mục tiêu của chúng ta là “chỉ tiết kiệm điện, không tiết kiệm ánh sáng”. Nghĩa là chúng ta không cần giảm bớt số đèn trên đường phố mà là thay các loại đèn tốn điện bằng các loại đèn tiêu thụ ít điện nhưng ánh sáng vẫn đảm bảo”, TS Trần Đình Bắc khẳng định.

Một trong những thách thức đối với ngành chiếu sáng Việt Nam là việc nhập khẩu ồ ạt đèn LED từ Trung Quốc, theo TS Trần Đình Bắc: “Xuất khẩu sản phẩm chiếu sáng LED của Trung Quốc sang Việt Nam đạt 73,7 triệu USD, với tốc độ tăng trưởng 1.424%/năm vào quý 1.2015”.

“Trong chiếc đèn LED thì gồm rất nhiều linh kiện, những linh kiện quan trọng như chip LED thì chúng ta phải nhập còn những linh kiện khác không đòi hỏi quá cao thì chúng ta có thể làm được và sản xuất trong nước. Khi sản xuất ra một chiếc đèn LED thì phải có quy trình sản xuất chặt chẽ, thử nghiệm chi tiết, để tạo ra được sản phẩm tốt”, ông Bắc nói.

Theo các chuyên gia, nếu thực hiện LED hóa chiếu sáng đô thị, Việt Nam sẽ không cần xây thêm 14 nhà máy nhiệt điện có công suất 1000 MW (đến năm 2030), tiết kiệm hàng chục tỉ USD. Chính quyền các tỉnh, thành có thể giảm chi cả ngàn tỉ đồng tiền điện chiếu sáng công cộng hàng năm…

Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa có một quyết định táo bạo trong việc sử dụng đèn LED chiếu sáng công cộng. Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu sử dụng nguồn sáng tiết kiệm năng lượng bằng đèn LED đối với các dự án lắp đặt mới hệ thống chiếu sáng công cộng trên địa bàn như hạng mục chiếu sáng công cộng nằm trong dự án xây dựng, cải tạo đường giao thông, khu đô thị được duyệt năm 2015 và 2016.

Với các dự án chưa triển khai thi công, UBND TP yêu cầu các Sở, các Ban quản lý, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, nếu trong thiết kế vẫn sử dụng nguồn sáng truyền thống thì phải chuyển sang sử dụng nguồn sáng tiết kiệm năng lượng bằng đèn LED…

UBND TP cũng yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải và UBND các quận, huyện, thị xã ưu tiên sử dụng nguồn sáng tiết kiệm năng lượng bằng đèn LED để thay thế tại các tuyến phố, khu dân cư, khu vực có hệ thống chiếu sáng đã xuống cấp. Tuyệt đối không sử dụng bóng đèn sợi đốt và halogen trong hệ thống chiếu sáng công cộng.

Đọc thêm