Quyết không để bị động trong mọi kịch bản chống dịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hiện nay, tình hình nhập cảnh trái phép vào Việt Nam diễn biến rất phức tạp nên nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh vào Việt Nam cũng như nguy cơ dịch bệnh trên toàn quốc đã hiện hữu. Trước nguy cơ trên, ngành Y tế yêu cầu các địa phương phải “coi như mình đã có dịch”, chuẩn bị cho mọi kịch bản để không bị động.
 Nhiều cơ sở kinh doanh đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Nhiều cơ sở kinh doanh đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Tăng cường tuyến biên giới

Đến thời điểm này, nước ta đã ghi nhận dịch bệnh xuất hiện ở 26 tỉnh, thành. Như vậy, trong hơn chục ngày qua, tốc độ lây nhiễm dịch bệnh rất nhanh, rất khó lường. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết diễn biến dịch lần này khá nhanh, đa nguồn lây, đa ổ dịch. Trong một tuần qua, tình hình nhập cảnh trái phép diễn biến rất phức tạp. Do Campuchia đã dỡ phong toả, nên dự báo trong những ngày tới lượng người nhập cảnh cả hợp pháp, cả trái phép từ Campuchia về nước sẽ tiếp tục tăng nên nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh vào khu vực Tây Nam Bộ là rất lớn.

Người đứng đầu ngành Y tế đề nghị phải tiếp tục siết chặt kiểm soát biên giới trên bộ, trên biển; phát động nhân dân tố giác người nhập cảnh trái phép. Các địa phương biên giới Tây Nam Bộ phải xác định tinh thần luôn luôn trong trạng thái có nguy cơ, phải “coi như mình đã có dịch”, chuẩn bị cho kịch bản dịch lan trong cộng đồng. Theo đó, các tỉnh phải kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế, nâng cao năng lực xét nghiệm; chuẩn bị cơ sở điều trị và các điều kiện để cách ly số lượng lớn người nhập cảnh ở ngay khu vực biên giới…

Con số được báo cáo trong đợt kiểm tra của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại các tỉnh biên giới Tây Nam và triệu tập cuộc họp trực tuyến khẩn cấp với một số bộ, ngành và lãnh đạo 6 tỉnh biên giới phía Tây Nam cho thấy, thời gian qua các lực lượng đã phối hợp, duy trì 1.820 tổ chốt với 11.824 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ để kiểm soát trên toàn tuyến biên giới.

Hiện nay Việt Nam đang kiểm soát tốt, nhưng áp lực rất lớn. Bài học kinh nghiệm tại các địa phương, bệnh viện xảy ra ổ dịch cho thấy vẫn lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thực hiện không đúng quy trình, quy định, đặc biệt chưa chuẩn bị đầy đủ cho chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”. Cán bộ, nhất là người đứng đầu còn có những lúc lơ là, chủ quan, thậm chí phân công nhiệm vụ, trách nhiệm không rõ ràng. Đến khi có dịch thì lúng túng, hốt hoảng, lo sợ, mất bình tĩnh, mất bản lĩnh, áp dụng các biện pháp cực đoan làm cho nhân dân hoang mang, sản xuất kinh doanh trì trệ. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu phải rút kinh nghiệm, chấn chỉnh ngay.

Chống dịch không quên phát triển kinh tế, xã hội

Bên cạnh công tác phòng chống dịch bệnh thì việc phát triển kinh tế, xã hội cũng là một trong những nhiệm vụ cấp thiết ngay lúc này. Có thể thấy ngoài việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, Đảng, Nhà nước cũng như các cơ quan chức năng cũng rất quan tâm đến việc phát triển kinh tế, đời sống, kinh doanh của người dân. Chính vì vậy mỗi cá nhân cần có ý thức trong công tác phòng chống dịch bệnh. Người kinh doanh có ý thức chống dịch vẫn có thể duy trì và phát triển tốt.

Theo ghi nhận trong đợt dịch này, nhiều cơ sở kinh doanh đồ ăn, thức uống đã “quen dần” với tình hình dịch bệnh nên thực hiện đầy đủ các biện pháp, khuyến cáo về dịch bệnh, thay dần thói quen buôn bán sang kinh doanh theo dạng online nhiều hơn.

Một chủ quán café ở Hà Nội chia sẻ: “Quán chỉ bị hạn chế bán ngoài vỉa hè thôi, trong nhà vẫn được hoạt động, miễn là giãn cách giữa các bàn, có các biện pháp phòng dịch đảm bảo là được hoạt động nên việc kinh doanh cũng đỡ hơn chút. Tuy nhìn ít khách thế nhưng thu nhập cũng tạm duy trì được do chúng tôi cũng kết hợp bán hàng online qua các ứng dụng công nghệ. Còn khách đến quán cũng có ý thức, tự giác đeo khẩu trang và sát khuẩn tay trước khi vào. Tôi cũng để sẵn một hộp khẩu trang ở quầy. Ai trót làm mất hay quên không đeo, tôi tặng miễn phí cho người ta một cái”. 

Để tránh lây lan và bùng phát dịch bệnh, Bộ Y tế đã đề nghị tạm dừng hoạt động một số dịch vụ không cần thiết như quán bar, karaoke, vũ trường… Bên cạnh những cơ sở, người dân chấp hành tốt các quy định chủ trương cũng không ít cơ sở bất chấp dịch bệnh hoạt động trái phép.

Đơn cử như cơ sở kinh doanh ăn uống có sử dụng nhạc High Louge có địa chỉ 22 Tống Duy Tân thuộc phường Hàng Bông, Hà Nội biến tướng thành quán bar vẫn mở xuyên đêm trái phép, liên tục nhận khách bất chấp nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Theo ghi nhận của phóng viên, trong hai đêm ngày 5 và 6/5/2021, cơ sở High Logue nhận khách liên tục từ 20h đến 5h sáng. Trong quán, nhân viên và khách hàng đều không kheo khẩu trang, không tuân thủ lệnh giãn cách 2m. Đặc biệt, trong quán có kinh doanh khí N2O hay còn gọi là bóng cười cho khách hàng – một loại chất kích thích bị cấm tại Hà Nội. Càng về khuya khách càng đông, hàng trăm quả bóng cười liên tục được bơm cho khách…

Đọc thêm