Quyết Liệt nhịn cà phê, tiết kiệm phở... để nấu "cháo công an"

(PLO) - Vị đại tá công an tự nhận mình có “tật bao đồng”, được người gần xa biết đến như một nhà thiện nguyện. Ông là Trần Quyết Liệt (Năm Liệt) - trưởng Công an huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng.
Đại tá Trần Quyết Liệt múc “cháo công an” cho bệnh nhân nghèo ở Mỹ Tú - Ảnh: Chí Quốc
Đại tá Trần Quyết Liệt múc “cháo công an” cho bệnh nhân nghèo ở Mỹ Tú - Ảnh: Chí Quốc
Tinh mơ. Khuôn viên Bệnh viện huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) đã chật người với lỉnh kỉnh tô, chén trên tay. Những dáng người khắc khổ, co ro trong cái lạnh bất chợt cuối năm, thỉnh thoảng lại trải ánh mắt về phía cổng.
Câu chuyện thời sự quẩn quanh trà lúa, liếp tràm, ao cá... tắt vội khi chiếc ôtô chở theo sáu người mặc sắc phục cảnh sát trật tự, cảnh sát giao thông dừng trước mặt.
“Cháo công an”
Tất cả công an đều ăn mặc chỉnh tề, tươm tất để thực thi nhiệm vụ đầu ngày của mình: hộ tống... một nồi cháo từ trụ sở Công an huyện Mỹ Tú đến bệnh viện và tận tay phát cho những bệnh nhân nghèo rất cần có cái để lót dạ.
Trong buổi sáng ấy, chúng tôi bắt gặp những bàn tay xương, những đôi chân run được sưởi ấm bởi mùi cháo thịt bốc khói. Người già được ưu tiên lấy cháo trước, phụ nữ, trẻ em, người nghèo được nhiều cháo hơn... Loáng cái nồi cháo được vét tới muỗng cuối cùng.
Lẫn trong nhóm công an trẻ phát cháo miễn phí cho bệnh nhân nghèo, ít ai để ý có một người mang quân hàm đại tá. Mãi đến khi có giọng reo lên: “Ông Năm Liệt kìa”, nhiều người được phát cháo xong quay lại: “Cảm ơn nghen chú Năm. Công an mà nấu cháo ngon!”.
Ông Năm Liệt nói giọng trầm ấm: “Cô bác ăn cháo rồi trị cho mau hết bệnh. Nhớ về kèm cặp sắp nhỏ, đừng cho chúng phá làng, phá xóm tụi tui mới rảnh rang nấu cháo cho cô bác ăn...”.
Đại tá Trần Quyết Liệt về làm trưởng Công an huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) mới hơn một năm. Thường khoảng thời gian ấy chưa phải là dài để nhiều người dân biết đến một cán bộ chỉ huy công an.
Nhưng ở đây thì dường như người ta còn biết đến ông nhiều hơn thế, không chỉ qua nồi “cháo công an” ông và anh em ở công an huyện mỗi sáng mang đến cho người bệnh nghèo, mà còn qua hàng trăm học sinh được tặng xe đạp đến trường, được cho tập vở mới, nhiều bà con nghèo có quà ăn tết...
Trong những lần vận động, thăm hỏi, trao quà giúp đỡ dân nghèo, hình ảnh các cán bộ chiến sĩ công an trở nên “mềm” hơn trong mắt người dân.
Năm Liệt nói ông không muốn các cán bộ chiến sĩ dưới quyền ông coi việc giúp đỡ người nghèo là thực thi nhiệm vụ mà phải tự giác ở mỗi người, không đợi phân công, kêu bảo.
Gặp ông trong chiều muộn tại trụ sở cũ kỹ của công an huyện, Năm Liệt khoe ngay: “Anh mới xin được 400 suất quà. Đang tính đi trao. Người nghèo được quà mấy trăm ngàn đồng ăn tết cũng ấm rồi”.
Những câu chuyện cứ vít vắt qua lại với niềm vui từ những chuyến đi, hình ảnh những người nghèo, căn nhà tình thương, học bổng... có được qua những lần vận động quyên góp khiến có lúc chúng tôi cứ nghĩ đang nói chuyện với một nhà thiện nguyện hơn là một đại tá chỉ huy công an.
Thu phục
“Tui về đây thấy người nghèo bị bệnh nhưng ăn uống đạm bạc, thương lắm”, Năm Liệt kể ông đã qua nói chuyện với lãnh đạo bệnh viện huyện coi có thể cải thiện bữa ăn cho bà con hay không.
Được gật đầu, Năm Liệt mở ngay cuộc vận động, bắt đầu từ những đồng nghiệp, bạn bè, những người hay rủ ông đi... ăn, đi uống bia.
Anh em mỗi sáng rủ tui đi ăn, uống cà phê. Tui nói không cần mời, chỉ cần mỗi người trong tháng cho tui... một tô phở thôi, quy ra tiền là được 2kg gạo.
Còn thêm mấy người bạn rủ đi nhậu tui “điểm danh” hết. Tiền đãi tui uống bia thì cho tui quy ra... thịt. Mỗi người một tháng chỉ cần cho tui 3kg thịt, cộng lại là được nồi cháo cho 50 người ăn”.
Đại tá Liệt trao xe đạp cho học sinh nghèo - Ảnh: Công an Mỹ Tú cung cấp
 Đại tá Liệt trao xe đạp cho học sinh nghèo - Ảnh: Công an Mỹ Tú cung cấp
Ban đầu sau khi “điểm danh” hết một vòng bạn bè thân thiết, anh em trong cơ quan, Năm Liệt có được trên 4 triệu đồng.
Vị đại tá mang số tiền vận động được đi tìm chỗ bán gạo, thịt ngon rồi đích thân vào bếp. Thấy sếp đêm hôm nấu cháo, nhiều cán bộ chiến sĩ cũng quây quần bên ông, xung phong học công thức nấu để thay phiên với ông “trực nấu cháo”.
Những ngày đầu, nồi cháo thơm nức do vị đại tá nấu không đủ phục vụ người nghèo tại bệnh viện nên thời gian sau cứ nở ra dần: 50 - 80 - 100 - 120... suất ăn mỗi sáng.
Ban đầu đại tá Liệt còn đích thân vào bếp. Sau có thêm thiếu tá Dư Minh Kha - đội phó đội cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp, đại úy Đỗ Tấn Phong ở đội cảnh sát điều tra tội phạm trật tự xã hội cũng xung phong dậy sớm vo gạo nấu cháo.
“Bà con ăn cháo đâu biết người nấu là những sĩ quan nào. Anh em nấu có lòng nên cháo ngon, bà con ai ăn cũng khen” - ông Liệt hớn hở.
Gầy dựng nên nồi cháo từ thiện đã khó, duy trì lại càng khó hơn. Năm Liệt kể trước đây ông phải thường xuyên vận động bạn bè theo công thức mỗi người một tháng góp 3kg thịt, chiến sĩ mỗi tháng ủng hộ một tô phở, sĩ quan ủng hộ hai tô phở... để tiếp tục có vốn mua gạo, mua thịt, mua gas...
Nói vậy nhưng số người có nhu cầu ăn “cháo công an” ngày càng nhiều. Năm Liệt nói có tháng tiền lương, tiền thưởng của ông cũng đi vào... tiệm gạo. Sau này nhiều người biết đến cũng gửi tiền nhờ ông mua bao gạo, ký thịt...
Năm Liệt nói ông đi đám trong huyện, hầu như nơi nào cũng có người khoe từng ăn “cháo công an”. Có người xin được góp ít tiền mua vài ký gạo cho người nghèo khó.
Không chỉ trong huyện Mỹ Tú mà các huyện lân cận, người ngoài tỉnh, người định cư nước ngoài... cũng đồng lòng gửi tiền để mong mỗi sáng, từ công an huyện lại có nồi cháo thơm nức mang sang bệnh viện.
Ông kể có một phụ nữ ở TP.HCM về thăm quê, nằm ở Bệnh viện huyện Mỹ Tú đã ăn “cháo công an” mỗi sáng. Khi xuất viện tới nay, mỗi tháng chị đều gửi đường, bột ngọt, gia vị... đủ để mấy anh công an nấu cháo.
“Bây giờ thì tui “có vốn” rồi. Mới nghe tụi nhỏ báo lại tiền ủng hộ đủ để nấu cháo tới tháng 4” - ông Năm Liệt khoe.
“Bây giờ tui lo chuyện khác, tết nhứt xong tới lo học hành cho tụi nhỏ, rồi nhà người nghèo trong mùa mưa tới, nhà đồng đội... tính ra cũng suốt năm” - Năm Liệt nói.
“Công an không chỉ biết bắt bớ”
Đại tá Liệt nói trong tất cả hoạt động từ thiện của Công an huyện Mỹ Tú, ông đều gọi cảnh sát giao thông đi cùng để người dân thấy có một hình ảnh gần gũi khác của những cảnh sát áo vàng “chứ không phải chỉ biết chặn đường bắt xe”.
Hình ảnh các cán bộ chiến sĩ ẵm người già, giúp người khuyết tật... trở nên quen thuộc trong mắt nhiều người dân ở Mỹ Tú.
Ông Liệt nói chứng kiến những cảnh đó người dân có lẽ sẽ thông cảm với công an hơn. Ngược lại cũng là dịp để cán bộ, chiến sĩ trẻ thấy được cuộc sống khó khăn của dân nghèo, học cách phục vụ, chăm sóc người dân chu đáo như bạn bè, người thân của mình...
Ông Liệt bảo công an tích cực làm từ thiện trước hết để giúp đỡ dân nghèo, có thêm một người tốt thì bớt đi một tội phạm. Làm từ thiện không phải để PR hình ảnh của công an mà ngược lại là cách để giữ gìn an ninh trật tự.
“Tôi nghĩ những người nghèo từng nhận được sự giúp đỡ của công an thì khó thể... biến thành tội phạm. Từ khi tôi về đây đến nay, rất nhiều thông tin tội phạm có giá trị cung cấp cho công an huyện là do người dân báo tin” - Năm Liệt nói.
Gà gáy, chúng tôi cùng với đại tá Liệt, thiếu tá Kha thức canh nồi cháo cho kịp mang đến bệnh viện. Anh Kha chỉ tay về khu nhà tạm giam cách bếp ăn một dãy nhà: “Bây giờ ở bển vắng hoe hà. Chỉ còn bốn người đang bị tạm giam với một người được tỉnh đưa về”.
Vừa xắt mớ lá ngò nêm vào nồi cháo, Năm Liệt hớn hở: “Năm rồi trên địa bàn Mỹ Tú không có án nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng. Phần lớn các vụ đều là tệ nạn xã hội như đá gà, số đề... Có nhiều vụ người dân gọi báo cho chúng tôi. Thậm chí có trường hợp người dân còn giúp công án phá án”.
Một người khi chứng kiến được việc làm tốt thì sẽ làm việc tốt, người ta nói vậy. Tuổi thơ cơ cực từng đội thùng cà rem đi bán, đội bún đi đổi gạo, sống trong sự giúp đỡ của nhiều người tốt, Năm Liệt nói điều đó nuôi dưỡng trong ông ý thức làm việc thiện.

Đọc thêm