Rác thải bủa vây nhà thờ đổ Nam Định

(PLO) - Cách Hà Nội khoảng 120km, nhà thờ đổ thuộc xã Hải Lý, huyện Hải Hậu (Nam Định) là một điểm tham quan độc đáo thu hút rất nhiều người ghé thăm vào các ngày cuối tuần và nghỉ lễ.
Ảnh từ internet.
Ảnh từ internet.

Nơi đây trước kia bên bờ biển là một quần thể nhiều nhà thờ lớn nhỏ, nhưng do sự xâm lấn của nước biển làm ảnh hưởng tới các công trình và chỉ còn lại duy nhất một nhà thờ bị bỏ hoang từ năm 1996.  

Vài năm trở lại đây, qua ống kính của những người khách du lịch vãng lai, cái tên nhà thờ đổ Nam Định được nhiều người biết đến và yêu thích. Thiên nhiên thanh bình, cuộc sống mưu sinh của những người dân chài cần cù, chất phác, cùng với vẻ đẹp mộc mạc, hoang sơ của nhà thờ mang lại những cảm giác mới lạ cho du khách mỗi dịp ghé thăm.

Có lẽ vẻ đẹp thanh bình và hoang sơ ấy sẽ còn mãi trong kí ức của tất cả những ai chưa quay trở lại nhà thờ đổ vào vài tháng gần đây. Một nhà thờ đổ Nam Định yên bình, huyền bí năm nào đã bị thay thế bằng sự méo mó, thô kệch của thiên nhiên, văn hóa đang bị phá hỏng bởi việc thương mại hóa du lịch một cách tự phát. Để phục vụ nhu cầu của khách du lịch, lều quán đã mọc bủa vây xung quanh ngày một nhiều.

Chị Nguyễn Phương Liên là khách du lịch chia sẻ: “Nếu nói đây là khu du lịch thì chưa chính xác, tôi thấy nơi đây giống một điểm tham quan hơn. Đây là lần thứ 3 tôi đến nơi này, tuy nhiên lần đặt chân thứ 3 này khiến mình quá ngạc nhiên, đến sững sờ vì sự thay đổi ở nơi đây, hàng quán, rác thải nhiều vô kể. Mọi người cần tự ý thức về các hành động bảo vệ môi trường nơi đây”.

Đúng như lời chị Liên nói, ngay từ cổng vào rác thải đã tràn ngập lối đi. Dạo một vòng quanh bờ biển đâu đâu cũng thấy rác do người bán hàng và khách du lịch để lại. Điều đáng nói, nhiều người xem hành vi xả rác là chuyện quá nhỏ.

“Trời mưa còn đỡ, trời nắng bốc lên mùi hôi thối nồng nặc, ruồi nhặng bâu đầy. Trước đây, chiều nào tôi cũng cùng vài người bạn ra khu vực bờ biển đi bộ thể dục và hóng mát, nhưng bây giờ thì quả thật không dám ra đấy nhiều bởi ô nhiễm quá, ra khu vực đấy hít các mùi từ rác có khi về lại còn sinh bệnh” - một người dân địa phương sống gần khu vực nhà thờ đổ cho biết.

Ngoài Nghị định 179 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Nghị định 167 xử phạt hình chính về an ninh, trật tự cũng có quy định cụ thể mức xử phạt cho từng hành vi xả rác. Theo đó, hành vi xả rác nơi công cộng bị phạt từ 100.000 đồng – 200.000 đồng, xả rác trên đường phố, xả rác vào hệ thống thoát nước..., bị phạt 300.000 - 400.000 đồng.

Luật có nhưng không ai bị xử phạt cả trong khi đó ai cũng hiểu phát triển du lịch phải đi đôi với bảo tồn giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường. Không thể để những cái lợi trước mắt khiến cho hình ảnh của một điểm du lịch lý tưởng trở lên xấu xí, méo mó trong mắt du khách. Trước thực trạng xả rác bừa bãi như vậy, một địa điểm nhiều tiềm năng để phát triển du lịch lại có nguy cơ biến thành bãi rác khổng lồ là một vấn đề đáng lo ngại đặt ra cho chính quyền địa phương nơi đây. 

Đọc thêm