Rác thải “bức tử” người dân

(PLO) - Mỗi ngày có gần 100 chuyến xe chở rác sinh hoạt từ TP. Thanh Hóa và các vùng phụ cận đến bãi rác Đông Nam (thôn Hạnh Phúc, xã Đông Nam, huyện Đông Sơn) để xử lý. Trong đó có rất nhiều xe chở rác thải công nghiệp chưa xử lý cũng được đưa đến để chôn lấp gây ô nhiễm môi trường… 
Rác thải “bức tử” người dân
Dân bức xúc
Dọc theo con đường độc đạo vào thôn Hạnh Phúc dài 2,1km mỗi ngày có từ 70 – 80 chuyến xe rác từ TP. Thanh Hóa và các huyện lân cận về đây đổ và xử lý. Tổng diện tích khu bãi rác là 29,7ha do Công ty TNHH một thành viên Môi trường và Đô thị thành phố Thanh Hóa sử dụng và quản lý. 
Đường này đã được UBND huyện Đông Sơn đầu tư 4 tỷ đồng để làm đường bê tông chạy thẳng vào bãi rác thôn Hạnh Phúc đã lâu nhưng đến nay tiến độ mới chỉ làm được một nửa. Lưu lượng xe chở rác nối đuôi nhau kéo về nên một nửa con đường đất chưa được đổ bê tông bị cày xới, lồi lõm một cách thê thảm. Nhiều tấm bê tông đã làm cũng bị sứt mẻ, vỡ từng mảng do lưu lượng xe chở rác về quá nhiều. 
Bà Tống Thị Thanh, người dân thôn Hạnh Phúc bức xúc: “Hàng ngày xe trở rác của Công ty TNHH một thành viên Môi trường và Đô thị thành phố Thanh Hóa cứ về đây nườm nượp. Giờ cao điểm chở rác lại trùng với giờ người dân ăn cơm, sinh hoạt và nghỉ trưa nên cứ nghe thấy tiếng xe là lại phải đóng hết các cửa, không thì mùi bay vào nhà. Mùi hôi thối bốc lên cộng với tiếng ồn của xe chở rác khiến chúng tôi cảm thấy rất khó chịu. Khổ nhất là mấy cháu nhỏ, cứ viêm xoang, khó thở… tôi lo nhất vẫn là nước giếng khoan có bị ô nhiễm không?”.
Ông Nguyễn Văn Tuân, một người dân sống cạnh bãi rác than thở: “Bãi rác mới đổ được 3 -4 tháng nay thôi nhưng người dân chúng tôi thì khổ trăm bề. Nhà tôi cách gần 1km nhưng mỗi khi có gió, mùi hôi thối từ bãi rác bốc vào nhà khiến không ai ngủ được. Đi ngủ mà còn phải bịt cả khẩu trang chứ chưa nói đến chuyện tiếng ồn từ xe rác. Chúng tôi rất lo lắng vì không biết việc đổ rác như vậy sau này có dẫn tới việc ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến thế hệ con cháu chúng tôi không”. 
Rác thải công nghiệp ngang nhiên đổ vào bãi rác sinh hoạt Đông Nam.
 Rác thải công nghiệp ngang nhiên đổ vào bãi rác sinh hoạt Đông Nam.
Rác thải thành phố Thanh Hóa đổ về khu bãi rác tập trung có đủ các thành phần, trong đó đa phần là rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân thì không chỉ riêng rác thải sinh hoạt mà còn rất nhiều loại rác nguy hại khác như da, giày, vải vụn… cũng được đổ và xử lý một cách sơ sài.
Rác thải có được xử lý theo đúng quy trình?
Điều đặc biệt, theo người dân địa phương thì hàng ngày có rất nhiều xe tư nhân chạy vào bãi rác, nhiều loại rác công nghiệp được đưa vào và xử lý chung luôn với rác thải sinh hoạt. Trong đó, nhiều nhất là xe thuộc Công ty TNHH Xây dựng môi trường Trường Thi quản lý. Rác của công ty này chủ yếu là các loại như: da giày, vải vóc… được thu gom từ các khu công nghiệp của Thanh Hóa mang về đây. Những loại rác do Công ty Trường Thi mang đổ là rác thải công nghiệp vào khu xử lý rác thải sinh hoạt đã khiến người dân đặc biệt lo lắng.
Ông Nguyễn Xuân Thạo – Trưởng thôn Hạnh Phúc cho biết : “Người dân chúng tôi không đồng tình đưa bãi rác về thôn nhưng vẫn đành phải chấp nhận. Chúng tôi rất bất bình về thực trạng các xe rác về đổ tại địa phương không những gây ồn ào, bụi bặm mà nước thải từ xe rác còn rơi vãi trên đường, tanh tưởi và hôi thối. Khu rác dù cách khu dân cư gần 1km, mới chỉ đổ vài ba tháng nhưng mùi hôi thối từ bãi rác đã bắt đầu len lỏi vào trong dân mỗi khi có gió. Con đường duy nhất của chúng tôi đi ra các xã bên ngoài cũng bị xe chở rác băm nát, đường bê tông thì mới chỉ làm được một nửa, cứ tình trạng này, không biết bao giờ mới xong”.
“Trước đây, các cơ quan chức năng đã hứa trong biên bản là khi nào bãi rác đi vào hoạt động sẽ tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, đầu tư hệ thống nước sạch và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhưng đến nay cả 3 việc này vẫn chưa được thực hiện” – ông Thạo cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Hân, Chủ tịch UBND xã Đông Nam trao đổi với PV.
 Ông Nguyễn Văn Hân, Chủ tịch UBND xã Đông Nam trao đổi với PV.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hân – Chủ tịch UBND xã Đông Nam để tìm hướng giải quyết, ông Hân chia sẻ: “Ngày 30/09/2014, hệ thống xử lý rác thải của Công ty TNHH một thành viên Môi trường và Đô thị thành phố Thanh Hóa thực hiện tại địa phương cơ bản đi vào hoạt động. Theo đó, rác thải được đổ xuống hố đào sẵn đã lót bạt, có ống thoát nước. Nước thải được hút lên và bơm vào bể xử lý, phần rác thải khi đổ đầy hố được lấp đất và trồng cây xanh, hết giờ quy định phải đóng bạt để tránh mùi”.
“Trước khi cho phép đổ rác, phía Công ty cam kết làm đường bê tông vào trong bãi rác nhưng mới chỉ làm được một nửa. Còn chuyện các công ty khác đem rác công nghiệp tới đổ thì chúng tôi hoàn toàn chưa biết(!?). Chúng tôi sẽ cho xem xét, kiểm tra ngay…”. - ông Hân trao đổi thêm.
Nhưng điều mà ai cũng nhìn thấy là việc xử lý rác không đúng theo quy trình đã diễn ra trong khoảng thời gian khá dài. Không ai biết chính xác đã có bao nhiêu tấn rác thải công nghiệp được chôn xuống bãi rác Đông Sơn? Cũng chưa ai biết cụ thể trong số rác thải công nghiệp mà Công ty Trường Thi mang tới có chất thải độc hại hay không?.

Đọc thêm