Ranh giới của tử tế

(PLO) - Vừa rồi, có người nhặt được chiếc ví, bên trong có 75 triệu đồng, anh tìm bằng được người đánh rơi để trả lại. Việc làm của anh khiến nhiều người xúc động, cộng đồng mạng sẻ chia hình ảnh của anh và hết lời khen ngợi hành vi trả lại của rơi của anh, coi như anh là tấm gương “người tốt, việc tốt”, đáng học tập.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Thực ra, việc nhặt được của rơi và đem trả là một việc bình thường, đúng đạo lý: “Cái gì không phải của mình thì không lấy” mà thôi. Rõ ràng, anh là một người tử tế nhưng đạt đến mức độ “tốt” thì chưa. Lâu nay, vì hành vi tử tế ít thịnh hành trong xã hội nên người ta coi sự tử tế là tốt, làm thay đổi chuẩn mực hành vi ứng xử, cái bình thường, phải đạo đã được coi là tốt.

Giữa sự tử tế và lòng tốt có ranh giới nhất định. Sự tử tế là biểu hiện một hành vi đúng mực, lòng tốt cao hơn thế. Người tử tế không làm những việc như “gắp lửa bỏ tay người”, “chọc gậy bánh xe”,... họ không nói xấu sau lưng bạn, không vứt rác sang nhà bạn, không gièm pha, đưa chuyện, vay trả sòng phẳng, không ăn gian nói dối và cũng sẵn lòng giúp đỡ bạn nếu họ có thể. Người tốt khác ở chỗ là có lòng tốt (hảo tâm).

Người tử tế không làm cái xấu nhưng họ cũng không phản kháng cái xấu, người tốt tỏ rõ thái độ và đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, bảo vệ lẽ phải dù có bị thiệt thòi đến bản thân. Người tử tế không lấy của ai cái gì nhưng người tốt thì biết đem cho cái của mình. Một ông quan tử tế biết dùng quyền lực của mình để bênh vực cho cái đúng mà không ảnh hưởng gì đến cái ghế của ông ta, một ông quan tốt là biết đấu tranh cho lẽ công bằng, cho dù có thể vì thế mà mình mất chức.

Người tử tế không bao giờ quỵt nợ hoặc chằng bửa, quanh co, người tốt cho vay tiền không nghĩ đến chuyện hưởng lợi, thậm chí còn phóng tâm từ thiện. Sự tử tế và lòng tốt thường song hành nhưng chỉ trong phạm vi ứng xử, giữa người tử tế và người tốt có một khoảng cách khá xa. Vì sự biểu hiện của tử tế và lòng tốt khá giống nhau (ví dụ, giúp một người già qua đường) nên nhiều khi người ta đánh đồng giữa sự tử tế và lòng tốt.

Sống ở đời, người ta khuyên nên tử tế với nhau, tức là có đi, có lại. Trong khi lòng tốt thì không cần báo đáp. Xã hội rất cần sự tử tế của mỗi người, điều đó tạo nên môi trường đạo lý lành mạnh, còn lòng tốt chính là sự thăng hoa của tử tế, tấm gương để noi theo. Những hành vi tử tế, ứng xử thành hệ thống, thành nhân cách sẽ làm nên con người tử tế - nhân tố nhân sinh của một cộng đồng.

Đọc thêm