Rớt nước mắt nghe tiếng đàn nuôi cha mẹ của 2 cậu bé nghèo

(PLO) - Không được ai chỉ dạy, chỉ bằng niềm đam mê nhưng 2 anh em ruột Huỳnh Phong Bảo (13 tuổi) và Huỳnh Đại Phong (10 tuổi) đã thể hiện tài năng chơi nhạc của mình khiến nhiều người thán phục. Dù tuổi còn rất nhỏ nhưng 2 em đã trở thành trụ cột của gia đình, nuôi bố mẹ bệnh tật.
2 anh em Bảo và Phong chơi nhạc tại nhà
2 anh em Bảo và Phong chơi nhạc tại nhà

Tài năng âm nhạc bẩm sinh

Người dân thôn Ninh Ích (xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) ai cũng biết 2 cậu bé Bảo và Phong. Dáng người gầy gò, nhỏ thó, đen nhẻm nhưng 2 cậu bé lại khiến bất cứ ai cũng phải bất ngờ, khâm phục trước biệt tài chơi nhạc bằng đàn organ và trống điện tử của mình. Hiện Bảo đang học lớp 7, Trường THCS Phạm Ngũ Lão; còn Phong học lớp 4, Trường Tiểu học Ninh An.

Nhà của 2 anh em tuềnh toàng, nhìn từ xa thấy trơ một màu gạch đỏ. Ở thôn nghèo Ninh Ích này, người nông dân chất phác quanh năm chỉ bám lấy cánh đồng lúa, lo từng bữa ăn đã khó, chuyện cho con đi học nhạc là một điều xa xỉ. Vì thế mà cho đến tận bây giờ chị Phạm Thị Ngọc Châu (36 tuổi, mẹ 2 em) cũng không hiểu vì sao hai đứa con lại biết chơi nhạc. 

Chị Châu kể, 2 vợ chồng từ nhỏ không được học hành nên lớn lên đọc viết cũng chưa tròn vành rõ chữ, nào biết gì về đàn nhạc hát ca. Nhưng 2 đứa con chị lại khác, từ bé hai anh em Bảo và Phong đã thích nghe những bản nhạc trên tivi và say mê âm thanh.

“Sau những buổi chăn trâu, hai đứa nhỏ lại lôi hết đồ đạc trong nhà như nắp nồi, chai, lọ, bát cơm... ra gõ. Chỉ với những đồ vật ấy, có khi nhặt nhạnh từ phế liệu 2 anh em cũng gõ được những bản âm thanh nghe rất bài bản và vui tai”, chị Châu cho biết.

Cũng vì thích thú với âm nhạc mà 2 anh em đã tự chế ra các dụng cụ âm nhạc “có một không hai”. Lôi từ trong gầm giường chiếc đàn guitar có thùng đàn làm bằng hộp bánh quy kim loại hình tròn, Bảo nói đây là chiếc đàn được 2 anh em lấy từ một cây đàn hỏng bị vứt ngoài cánh đồng về làm lại, gắn dây cước câu cá vào thành dây đàn. Không có tiền mua trống, 2 anh em làm dàn trống bằng lon bia, vung nồi để đánh mỗi ngày.

Một ngày cuối năm 2014, một số người đến thăm cha của 2 em đang nằm liệt giường. Thấy Bảo và Phong ngồi ở góc sân dùng gậy đánh vào những lon bia, nắp nồi, hộp nhựa như những tay chơi nhạc chuyên nghiệp nên đã cảm động góp tiền mua cho 2 anh em cây đàn organ và bộ trống. 

Dù chưa hề học âm nhạc, chưa từng tiếp xúc với cây đàn, bộ trống lần nào nhưng chỉ mất vài ngày mày mò, Bảo và Phong đã đánh thạo, rồi luyện đủ các bài hát, điệu nhạc. 

“Cháu có thể đánh được các điệu bolero, rock, disco… nhưng không phải bài nào cháu cũng chơi được, cũng có khi chơi nốt đó chưa đúng lắm vì không được học gì cả. Đi biểu diễn, nhiều người hỏi cháu có biết gì về âm nhạc không, cháu trả lời là biết các nốt đồ, rê, mi, pha, son, la… Tên mấy nốt đó do cháu nghe họ nói nên nói lại thôi”, Bảo hồn nhiên cho biết.

Chị Châu kể năng khiếu âm nhạc của 2 con
Chị Châu kể năng khiếu âm nhạc của 2 con

Đi diễn nuôi cha mẹ

Trong căn nhà lụp xụp chừng 30m2, chỉ có 1 phòng ngủ chưa được tô trát, chị Châu mắc chiếc võng ngay cạnh giường của 3 mẹ con để anh Huỳnh Văn Vũ nằm, tiện cho việc chăm sóc. Anh Vũ bị chấn thương sọ não và sống thực vật từ 4 năm nay. 

Kể về câu chuyện này, chị Châu ngậm ngùi nhớ lại: “Hôm đó, anh Vũ đi làm thợ hồ về rồi ra ruộng lấy nước. Không biết cãi qua cãi lại gì mà người hàng xóm dùng cây sắt, gạch đánh ảnh bất tỉnh. Tôi gọi xe chở đi bệnh viện nhưng chỉ cứu được tính mạng, giờ ảnh như người thực vật”. 

Gia đình chị Châu vốn rất nghèo, sau khi anh Vũ bị nạn thì càng khánh kiệt hơn. Bao nhiêu tiền của ra đi, vay mượn khắp nơi. Chị Châu bị bệnh tim bẩm sinh nên không làm được việc nặng, chỉ quanh quẩn với 3 sào ruộng ngay trước nhà. Các khoản chi tiêu trong gia đình hiện nay chủ yếu do anh em Bảo và Phong mang về. 

Từ ngày có bộ đàn, trống chuyên nghiệp, 2 anh em được nhiều người mời đi diễn ở các đám cưới, liên hoan, sinh nhật, quán cà phê. Lúc đầu chỉ diễn quanh xóm, sau đó tiếng lành đồn xa, nhiều đám tiệc ở tận Vạn Giã (huyện Vạn Ninh) hay ở Ninh Đa, Ninh Giang (thị xã Ninh Hòa)… cũng gọi 2 anh em đến diễn. 

“2 đứa chăm lắm, đi xa đâu cũng đi. Có bận trời mưa lớn, mà tiệc đám cưới ngoài Vạn Ninh cách gần trăm cây số 2 đứa vẫn xin đi. Về lúc 2h sáng, người ướt như chuột lột, tắm rửa nghỉ ngơi trong chốc lát sáng lại cắp sách tới trường”, chị Châu tâm sự.

Bảo cho biết: “Anh em cháu chơi nhạc đám cưới cũng hơn 3 năm nay rồi. Khi tới đám cưới, họ tổ chức linh đình, nhiều người lớn nhưng không vì thế mà anh em chúng cháu chơi không tốt. Nếu tập siêng thì 1 tiếng là cháu có thể đệm được một bài hát, còn nếu chậm thì 3 tiếng. Bài nào cháu cũng có thể nghe và đệm theo lời được”.

Không hề thua kém các ban nhạc chuyên nghiệp, 2 em được gia chủ không tiếc lời khen sau những lần diễn. Nhiều tiệc họ yêu cầu hát, Bảo và Phong cũng hát luôn. “Diễn xong, họ cho bao nhiêu cháu nhận bấy nhiêu. Có người cho vài trăm ngàn đồng, có người thương, khen hay cho đến vài triệu đồng”, Phong cho biết.

Tiền công chơi nhạc 2 anh em mang về đưa mẹ thuốc thang cho cha. Tuy nhiên, do bận việc học ở trường nên các em cũng ít nhận lời, chỉ đi chơi đám cưới vào dịp hè. 

“Mấy tháng hè, tuần nào 2 đứa cũng được vài show diễn, thời điểm này cũng có người gọi nhưng ít dám nhận vì sợ ảnh hưởng tới việc học. Tuy nhiên, lâu lâu nhà hết gạo, tôi cũng xin cô giáo cho nghỉ một buổi để 2 anh em đi diễn. Nhờ có 2 đứa chứ cha nó nằm đó, tôi thì đau ốm suốt, đâu làm được gì ra tiền”, chị Châu tâm sự.

Ngôi nhà của gia đình chị Châu
Ngôi nhà của gia đình chị Châu

Sẽ theo đuổi con đường âm nhạc

Khi tên tuổi và gia cảnh của 2 anh em Bảo và Phong được nhiều người biết đến, một số tổ chức, cá nhân giàu lòng nhân ái đã tìm đến động viên chia sẻ, hỗ trợ gia đình chăm sóc anh Vũ.

Cuối năm 2016, 2 anh em được mời biểu diễn chương trình “Trái tim nhân ái” tại Khánh Hòa và được ca sĩ Thanh Thúy mời vào TP.HCM tham gia một MV ca nhạc. “Chuyến đi 3 ngày được tài trợ chi phí đi lại, ăn ở và tiền thù lao đã giúp 2 anh em có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của các ca sĩ, nhạc công”, Bảo tâm sự.

Khi nghe chúng tôi hỏi đến những điều ước, Bảo bộc bạch: “2 anh em sẽ nỗ lực học tập thật và sẽ theo đuổi con đường nghệ thuật âm nhạc. Tuy nhiên, gia cảnh còn nhiều khó khăn ở phía trước, nên chúng cháu có gắng làm có tiền để sau này đi học nhạc bài bản, phát huy khả năng của mình”.

Thầy Phan Đình Lâm - Hiệu trưởng Trường THCS Phạm Ngũ Lão, nơi Bảo đang học, chia sẻ: “Chuyện 2 anh em Bảo và Phong đang tuổi ăn học mà phải lăn lộn kiếm tiền nuôi cha mẹ thật sự xúc động và là bài học cho cả những người lớn. 2 trường chúng tôi và chính quyền địa phương cũng hỗ trợ 2 cháu trong học tập và các chế độ miễn giảm học phí”.

Nhìn nụ cười hồn nhiên của Bảo và Phong cùng những động tác say sưa khi chơi nhạc, chúng tôi nghĩ, giá như 2 em được học nhạc bài bản, giá như gia đình chị Châu không nghèo khổ đến thế thì có lẽ… 

Đọc thêm