Rúng động những vụ án trẻ ranh là sát thủ

(PLO) - Tỷ lệ ngày càng cao người chưa thành niên phạm tội là lời cảnh báo về sự bất ổn của xã hội và sự lung lay của nền tảng đạo đức, đặt ra những câu hỏi về hiệu quả phổ biến giáo dục pháp luật cho thế hệ tương lai của đất nước.
Vụ án Lê Văn Luyện là một điển hình báo động về tình trạng người chưa thành niên phạm pháp. Ảnh minh họa nguồn Internet
Vụ án Lê Văn Luyện là một điển hình báo động về tình trạng người chưa thành niên phạm pháp. Ảnh minh họa nguồn Internet
Chặt “gốc” hành vi phạm pháp, cách nào?
Trong những vụ án gây rúng động cho xã hội thì các vụ án do người chưa thành niên gây ra còn để lại cho xã hội nhiều nỗi đau nhất. Vụ án Lê Văn Luyện ra tay sát hại dã man hai vợ chồng chủ tiệm vàng Ngọc Bích (tại Phương Sơn, Lục Nam, Bắc Giang) ngày 24/8/2011 cùng con gái nhỏ 18 tháng tuổi của họ, chém đứt tay con gái lớn khi cháu phát hiện y là một ví dụ điển hình.
Lê Văn Luyện phạm tội trước tuổi 18 vài tuần nên chỉ bị kết án 18 năm tù giam cho dù hành vi của Luyện đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội, cũng như tác động tiêu cực đến tâm lý của một bộ phận người chưa thành niên có tư tưởng, nhận thức lệch lạc về các giá trị, đạo đức xã hội và tính nhân văn.
Qua vụ án này cũng như nhiều vụ án mà bị cáo ở cái tuổi “chưa rời ghế nhà trường đã phải vào trại” xảy ra ngày càng nhiều, vấn đề đặt ra không chỉ là việc xem xét để điều chỉnh các qui định của pháp luật hình sự về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, khung hình phạt để cập nhật xu hướng phát triển của xã hội, có tính răn đe hơn, mà còn buộc các nhà quản lý xã hội phải suy ngẫm về hiệu quả của công tác giáo dục pháp luật, đạo đức cho thanh, thiếu niên khi một bộ phận thanh, thiếu niên “muốn thể hiện bản thân bằng những hành vi coi thường pháp luật, trật tự xã hội”.
Không thể phủ nhận những nỗ lực của các cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể xã hội trong việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho toàn xã hội, nhất là lực lượng thanh, thiếu niên với rất nhiều chương trình, điển hình là Đề án “Tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên”, Đề án “Nâng cao chất lượng PBGDPL trong nhà trường”... Nhiều hình thức PBGDPL được tổ chức triển khai có hiệu quả, có tính lan toả sâu rộng, mang lại hiệu quả rất cao và nâng cao hơn về chất lượng PBGDPL cho thanh, thiếu niên tại các cơ sở giáo dục. 
Trên diễn đàn Quốc hội hàng năm, một trong những vấn đề khiến các Đại biểu Quốc hội trăn trở là tình trạng tội phạm là người chưa thành niên không có chiều hướng giảm, nghiêm trọng  hơn là hành vi phạm pháp ngày càng manh động, hung hãn. 
Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm  - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam - qui trách nhiệm cho “luật pháp chưa thực sự phát huy được vai trò và chức năng điều tiết xã hội, răn đe và xử phạt của mình”. Cùng với đó, theo Thượng tọa: “Nếu không đi từ gia đình thì không thể ngăn chặn, giải quyết từ gốc vấn đề vi phạm  pháp luật của thanh, thiếu niên”. 
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cũng nhận thấy, sự buông lỏng quản lý giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những hành vi phạm pháp của người chưa thành niên.
Còn “bỏ lọt” những đối tượng nguy cơ cao
Thực tế, hầu hết người chưa thành niên phạm tội đều có trình độ học vấn hạn chế, hoàn cảnh gia đình không thuận lợi, thậm chí có một đến vài người thân là tội phạm hoặc có nhiều hoạt động coi thường pháp luật, sớm tách khỏi ảnh hưởng của gia đình, họ hàng và không tham gia một tổ chức xã hội, đoàn thể nào. 
Chính điều kiện sống thiếu định hướng, sống tự do, nhận thức chưa hoàn thiện lại nằm ngoài “vùng phủ sóng” của các hoạt động PBGDPL nên những thanh, thiếu niên này dễ dàng sa ngã và trở thành “nguồn cung” dồi dào cho các hoạt động, tổ chức tội phạm. 
Với những nỗ lực của những người làm công tác PBGDPL nói chung và những người làm công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên nói riêng thời gian qua, tỷ lệ tội phạm là thanh, thiếu niên ngày càng tăng là vấn đề rất đáng phải suy ngẫm. 
Vì thế, theo các chuyên gia pháp lý, với Luật PBGDPL, sẽ cần nhiều hơn nữa những giải pháp cụ thể để có thể đưa bộ phận thanh, thiếu niên tự do vào “quỹ đạo” của các hoạt động PBGDPL, giúp nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của họ, trang bị cho họ kỹ năng để không thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật và tự bảo vệ được bản thân. 
Hơn nữa, để thanh, thiếu niên nói chung và thanh, thiếu niên tự do nói riêng được tiếp cận các thông tin về pháp luật, về sự chuyển động của đời sống pháp luật nước nhà cần phải có sự chung tay của toàn xã hội chứ không chỉ dựa vào sự nỗ lực của đội ngũ những người làm công tác PBGDPL đang còn mỏng so với yêu cầu phát triển hiện nay.

Đọc thêm