Rưng rưng chuyện người Nam bộ lo “cái Tết của người âm”

Do đặc tính của dòng người lưu dân khẩn hoang, nghi thức an táng, thờ tự, cúng kính của người Nam bộ khác hẳn người Bắc và Trung bộ. Rõ nhất là lễ tảo mộ. Câu thơ “Thanh Minh trong tiết tháng ba. Lệ là tảo mộ, hội là Đạp Thanh” trong Truyện Kiều có thể không ứng với sinh hoạt của người Nam bộ.

Do đặc tính của dòng người lưu dân khẩn hoang, nghi thức an táng, thờ tự, cúng kính của người Nam bộ khác hẳn người Bắc và Trung bộ. Rõ nhất là lễ tảo mộ. Câu thơ “Thanh Minh trong tiết tháng ba. Lệ là tảo mộ, hội là Đạp Thanh” trong Truyện Kiều có thể không ứng với sinh hoạt của người Nam bộ.

Tết người mất trước Tết người sống

Lễ tảo mộ ở Nam bộ bắt đầu từ rằm tháng chạp âm lịch kéo dài đến rằm tháng Giêng năm sau, nhưng phổ biến nhất là từ ngày 20 tháng Chạp đến trước Tết Nguyên đán. Mỗi dòng tộc có một ngày tảo mộ riêng của dòng họ mình và hàng năm cứ tảo mộ đúng vào ngày này. Đặc biệt, ngày 25 tháng Chạp là ngày cao điểm được phần lớn người Nam bộ chọn là ngày tảo mộ. Vào ngày này không khí nông thôn như đổi sắc. Đường xá đông đúc hơn, từng đoàn xe các gia đình thành thị đổ về nông thôn. Trên đồng ruộng những nơi có nghĩa trang, phần mộ xôn xao tiếng nói tiếng cười của đoàn người đi tảo mộ.

Từ sáng sớm, người đi tảo mộ đổ ra đồng đến các phần mộ người thân, ông bà, tổ tiên để dọn quét, làm cỏ, đốt cỏ. Sau đó là thắp hương, đốt vàng mã, một số gia đình còn cắm hoa và bày cúng hoa quả, bánh trái ngay tại mộ, nhưng phần đông là cúng mặn tại bàn thờ gia đình. Đây là lễ riêng của lưu dân người Việt, còn cộng đồng người Hoa vẫn duy trì tảo mộ vào tháng 3 theo cổ lệ. Người Khmer Nam bộ thường hỏa táng nên cũng không theo lệ này. Vì sao phải tảo mộ ông bà tổ tiên vào tháng Chạp? Nhiều người lớn tuổi giải thích đây là đạo hiếu nghĩa với người đã khuất. Người sống ăn Tết phải làm vệ sinh, trang hoàng nhà cửa thì người đã chết cũng cần như vậy. “Sống ở nhà, chết ở mồ”, trước khi người sống ăn Tết, phải tảo mộ người thân.

Vì sao mỗi dòng tộc có một ngày tảo mộ riêng? Lý giải điều này, phải quay về nguồn gốc của lưu dân khẩn hoang. Đa số người dân đi khẩn hoang thời Nguyễn là lưu dân, lính thú, người chống đối triều Nguyễn... nên hầu hết đều không thể duy trì lối sống, tập tục gìn giữ truyền đời dòng tộc bằng văn bản, gia phả, nhà thờ tộc như ở miền Bắc, miền Trung. Cuộc khẩn hoang thời ấy gian nan nên việc ly tán giữa các gia đình không tránh khỏi.

Chính vì vậy, các vị tiền hiền lưu dân đó đã đặt ra ngày tảo mộ cho dòng tộc của mình để con cháu anh em có chỗ lưu dấu nhận diện lẫn nhau. Người sống có thể ly tán trăm phương, người khuất thì nằm yên vĩnh viễn. Vì vậy dù trải qua bao chia cách, nhưng nếu người sống có lòng tìm về thì dòng tộc vẫn còn có dịp gặp nhau. Lễ tảo mộ ở Nam Bộ không đơn thuần là tập tục, niềm tin tâm linh mà còn là nếp văn hóa, lối sống, một cách viết, cách ghi lịch sử của lưu dân Nam bộ.      

Từ nghi lễ, tục lệ độc đáo này đã phát sinh những câu chuyện thú vị, sâu lắng về tình thân huyết tộc.

Nhờ một ngày giải quyết chuyện trăm năm

Dòng họ Lê, vốn gốc từ Thanh Hóa, về khai hoang lập nghiệp ở Tầm Vu (huyện Châu Thành, tỉnh Long An), đến nay đã được tám thế hệ trên dưới 200 năm. Theo di ngôn và tông chi từ các đời trước truyền lại, thủy tổ của chi tộc này vào Nam gồm hai anh em, ông Lê Văn Thảo và ông Lê Văn Thiện. Ông Thảo về Tầm Vu lập nghiệp, còn người em tán lạc khu vực gần sông Hưng Hóa.

Cháu đời thứ tư của ông Thảo là Lê Văn Trị có học hành đỗ đạt làm thư lại ở thành Gia Định. Khi Pháp chiếm Gia Định, ông này đi bộ từ Gia Định về Tầm Vu mở trường dạy chữ nho, lập tông chi để lại cho con cháu, nhắc việc phải truy tìm chi tộc của ông Thiện mà ông rất quan tâm nhưng đường xá cách trở không thực hiện được. Thông tin để tìm kiếm ngoài địa danh vùng đất, con sông và tộc họ Lê, chỉ còn thêm một yếu tố duy nhất là ngày tảo mộ của tộc là 25 tháng Chạp.

Từ những thông tin rất mù mờ đó, người cháu đời thứ bảy của chi tộc này đã tra từ sách Gia Định Thành Thông chí của Trịnh Hoài Đức và những sách địa phương chí khác, lần hồi tìm ra đây là vùng đất giáp biên giới Campuchia, cách Tầm Vu hơn 100 km. Sông Hưng Hóa chính là sông Vàm Cỏ Tây ngày nay. Tên làng xã giờ không có Bắc Chang, nhưng có địa danh cũ Bắc Chiên thuộc xã Tuyên Thạnh (huyện Mộc Hóa).

Kỳ công đến địa phương này dò hỏi những người cùng họ Lê có ngày tảo mộ 25 tháng Chạp, lần hồi ông đã tìm ra một chi tộc Lê ở xã Bình Hiệp ngày nay. Tra cứu thêm bia mộ của các vị thủy tổ chi tộc họ Lê này, may mắn vẫn còn, ông xác định đúng là chi tộc của ông Lê Văn Thiện. Không thể tả hết niềm vui của hai dòng tộc anh em tìm gặp được nhau sau hai thế kỷ. Từ đó, hàng năm đến ngày tảo mộ, họ lại tìm về tổ tiên thân tộc và thăm viếng lẫn nhau.

Đó không phải là trường hợp duy nhất. Cũng tại huyện Châu Thành, cùng địa phận Tầm Vu có dòng tộc Phan rất lớn, chiếm gần trọn ấp Hồi Xuân của xã Dương Xuân Hội và một phần của xã Long Trì. Năm 2000, dòng tộc này đã hội tộc mừng thiên niên kỷ mới và thống kê có 5 người tham gia phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, bốn cán bộ lão thành cách mạng tham gia kháng chiến trước 1945, có hai bác sĩ, hàng chục kỹ sư,  giáo viên trí thức và con cháu thành đạt ở khắp miền đất nước.

Tuy nhiên điều đáng tiếc là họ vẫn còn thất lạc chi tộc của người em ông thủy tổ. Cũng chính bằng những di ngôn với thông tin mỏng manh như vậy. Nhưng với sự kiên trì, với lòng hướng về cội nguồn dòng tộc, hậu duệ của tộc Phan gồm các ông Phan Văn Điệp, Phan Thanh Giản, Phan Văn Cử cũng lần hồi tìm ra chi tộc anh em của mình ở Vịnh Đá Hàn thuộc xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa.

Nỗi nhớ ngày tảo mộ

Một câu chuyện cảm động khác liên quan đến tục tảo mộ là câu chuyện của vợ chồng ông Trần Mỹ Tiết ở xã Bình Tịnh (huyện Tân Trụ). Năm 1946, ông xuất ngoại sang Pháp du học khi vợ vừa sinh con đầu lòng được 3 tháng tuổi. Năm 1950 ông chẳng gặp nạn, thi hài được đưa về an táng tại quê nhà. Vợ ông mới hơn 20 tuổi đã sắt son chung thủy ở vậy nuôi con thờ chồng. Thời kháng chiến chống Mỹ, xã Bình Tịnh là vùng xôi đậu, thường xuyên bị bom pháo, người địa phương bỏ đi xiêu tán ở nơi khác; nhưng năm nào cũng vậy, góa phụ và con gái vẫn lặn lội về tảo mộ chồng đúng ngày 25 tết.

Sau năm 1975, bà theo con đi định cư ở Canada. Suốt những năm xa xứ, niềm day dứt, lưu luyến lớn nhất thường trực cùng bà là không thể tiếp tục chăm sóc mộ chồng. Thế nên năm 1997, trước khi chết, di nguyện của bà là hài cốt được đoàn tụ với chồng ở quê hương. Xa xôi cách trở, phải 5 năm sau ngày bà mất, người nhà mới thực hiện được di nguyện này. Nay, hàng năm, người em gái lại lần hồi về quê tảo mộ cho anh chị.

Kiệt Anh

Đọc thêm