Rưng rưng nơi phên dậu Tổ quốc

(PLVN) - Cứ đến giờ, khu cách ly tập trung xã Sơn Giang - khu cửa khẩu Cầu Treo (Hương Sơn - Hà Tĩnh) lại đỏ lửa chuẩn bị cơm nước chu đáo cho công dân đang thực hiện cách ly y tế tại địa phương. Những bữa cơm thấm đượm mùi vị quê hương, tình cảm nồng ấm của bà con xóm làng bao bọc những người con xa xứ…
Người dân chuẩn bị cơm như cho người thân trở về
Người dân chuẩn bị cơm như cho người thân trở về

Ai cũng muốn chung tay chống dịch

7 giờ sáng, tôi và các cô, các chị trong Hội Phụ nữ thôn đến khu cách ly xã Sơn Giang với đầy đủ thực phẩm tươi ngon được mua từ sáng sớm. Hôm nay là ngày mà thôn 4 của chúng tôi nấu cơm trưa cho các công dân đang cách ly tập trung và cả những công dân đang tự cách ly tại nhà. Được sự cho phép của chính quyền địa phương, chị em phụ nữ của từng đơn vị thôn tình nguyện đến khu cách ly để chuẩn bị suất cơm cho công dân thực hiện cách ly.

Danh sách đăng ký tình nguyện chẳng mấy chốc đã được điền kín bởi ai cũng muốn góp chút công sức vào công cuộc phòng, chống dịch bệnh của địa phương. Khi chúng tôi đến, những suất ăn sáng đang được chuyển vào khu vực ăn ở của các công dân thực hiện cách ly. Bữa sáng hôm nay là món bún bò do chủ một quán bún trong xã gửi vào đây mời mọi người.

Bước xuống xe trong tình trạng “tay xách nách mang” nào thịt, nào cá, rau xanh,… các cô, các bác nhanh chóng mỗi người một việc để bữa cơm trưa nay được chuẩn bị chu đáo hơn. Tôi là người trẻ tuổi nhất trong nhóm nên được các cô, các chị cho phụ làm những việc nhẹ nhất như nhặt rau, lột vỏ trứng, cuốn nem,… Hơn 9 giờ, mùi thức ăn thơm nức đã bắt đầu bao trùm không gian bếp. Ai ai cũng đều bận rộn, mỗi người một chân, một tay để đảm bảo kịp giờ cơm trưa. 

Mặc dù mọi người đều đeo khẩu trang để đảm bảo an toàn nhưng tiếng cười nói vẫn vang vọng trong gian bếp nhỏ. Chị Dương Thị Hồng Thanh (Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Sơn Giang) vừa đong gạo vừa kể về lần đầu tiên cắm cơm với cái nồi cơm điện lớn với nỗi lo cơm không chín, nhưng may mắn là vẫn có cơm ngon cho mọi người ăn. “Giờ thì chị đã tự tin nấu cơm với cái nồi điện lớn này rồi nên cứ đến bữa lại gác công việc, ra phụ mọi người, mỗi người một việc cho nhanh”, chị cười tươi.

Trường mầm non đối diện với UBND xã được sử dụng làm khu cách ly cho gần 50 công dân trở về từ Lào và Thái Lan. Lúc các chị em phụ nữ đang nấu ăn, thỉnh thoảng lại có các cán bộ ra hỏi han tình hình xem có cần giúp đỡ gì không? Hết Chủ tịch Hội Phụ nữ phụ cắm cơm rồi đến Chủ tịch Hội Nông dân xã phụ nhặt rau,… cán bộ với người dân gần gũi nhau hơn bao giờ hết. Ai cũng mang trong mình tinh thần hào hứng, rôm rả chuyện trò, mong dịch bệnh nhanh chóng kết thúc để cuộc sống trở lại như thường ngày.

Cuộc sống của người dân quê tôi vốn khó khăn nay lại thêm phần chật vật khi tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp. Thế nhưng, vượt lên trên tất cả vẫn là tình thương, tình đoàn kết của những người con đất Việt. Sau lời kêu gọi góp sức của chính quyền xã, người dân đã đóng góp được hơn 130 triệu đồng cho công cuộc phòng, chống dịch bệnh của địa phương.

Người góp của, người góp công, các chị em phụ nữ dù bận rộn với việc nhà nhưng vẫn sẵn sàng đăng ký nấu cơm tình nguyện; những cụ già neo đơn vẫn vui vẻ san sẻ vài cân gạo; các chị, các mẹ sẵn sàng lóc cóc đạp xe lên khu cách ly để ủng hộ quả mít, mớ rau xanh mới hái,… Nhờ vậy, ngoài mức hỗ trợ 80.000 đồng/người/ngày từ ngân sách nhà nước, bữa cơm tại khu cách ly lại có thêm thịt, thêm canh rau hương vị quê nhà.

Chị Nguyễn Thị Hoa, 38 tuổi, vui vẻ khoe hôm nay nấu món thịt kho trứng sở trường. Chị kể, sáng nay đã dậy thật sớm chuẩn bị trước cơm trưa cho 2 đứa con đang học online tại nhà. “Tôi thấy rất vui khi được góp chút sức mình cho công cuộc phòng, chống dịch bệnh của xã nhà. Tôi mong rằng mọi người có bữa cơm ngon hơn, tinh thần thoải mái hơn để thực hiện tốt công tác cách ly. Nếu thiếu nhân lực, tôi sẵn sàng thu xếp việc nhà để đến đây giúp sức mỗi ngày”, chị Hoa nhấn mạnh.

Cơm trưa nấu xong được chia theo suất, cho vào từng hộp xốp, đầy đủ thịt, rau và canh. Chúng tôi không đưa trực tiếp vào khu ăn ở của công dân cách ly mà có cán bộ phụ trách chuyển vào. Các trường hợp cách ly tại nhà thì chúng tôi giao đến tận nhà. Các chị em phụ nữ vừa dọn bếp vừa thủ thỉ tâm sự với nhau: “Không biết mọi người có ăn được không?”, “Tôi sợ món thịt chưa thật ngấm gia vị”, “Cơm hôm nay chín đều lắm các chị ạ”,…

“Bữa cơm nào cũng đậm vị quê hương”

Từ Lào trở về nước giữa lúc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, anh Hoàng Văn Xin (50 tuổi) mang trong mình tâm trạng lo lắng, sợ hãi. Lo rằng về nhà sẽ cách ly với người nhà như thế nào, sợ hãi rằng mọi người kỳ thị, xa lánh mình. Tuy nhiên, chú vẫn quyết định trở về, bởi đối với chú, quê nhà lúc nào cũng là nhất.

“Lúc quyết định về tôi đã nghĩ đến trường hợp dựng cái chòi trước vườn để cách ly với người nhà, chịu khổ ít ngày để an toàn cho mọi người. Thế nhưng, về đến nơi, được đưa đến khu cách ly tập trung, sự tử tế của các cán bộ cũng như sự quan tâm chu đáo của người dân làm cho tôi vô cùng xúc động, quên hết đi lo sợ ban đầu. Mọi thứ ở đây đều rất tốt, bữa cơm trưa nay cũng rất ngon, chúng tôi đều ăn hết”, chú Xin tâm sự.

Cùng tâm trạng lo lắng như vậy, anh Nguyễn Văn Bình (37 tuổi) là công dân trở về nước từ Thái Lan cũng đang thực hiện cách ly tại địa phương. Anh chia sẻ rằng những ngày ở đây “không có điều gì phàn nàn được” vì mọi điều kiện sinh hoạt, ăn uống đều được đáp ứng đầy đủ. Anh Bình kể rằng lâu lắm rồi không về nước, không được ăn cơm nhà.

“Chúng tôi biết ơn các cán bộ và bà con quê mình nhiều lắm. Bữa cơm nào cũng đậm vị quê hương, tôi cảm giác như đang ở nhà mình vậy. Để không phụ lòng mọi người quan tâm, lo lắng, chúng tôi ở trong này chỉ biết cố gắng thực hiện cách ly tốt, giữ gìn vệ sinh nơi ở sạch sẽ. Mấy ngày này mọi người lạc quan lắm, bảo nhau tập thể dục để đảm bảo sức khỏe tốt”, anh Bình chia sẻ.

Ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch UBND xã Sơn Giang ghé thăm gian bếp khi chị em phụ nữ chuẩn bị ra về: “Thay mặt chính quyền xã và những công dân tại khu cách ly, tôi xin cảm ơn chị em đã dành thời gian đến đây và nấu bữa cơm ngon. Tình cảm của mọi người làm cho chúng tôi thêm vững tin để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn”.

Chia sẻ về công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương, ông Thắng cho biết: “Chúng tôi luôn cố gắng để tạo điều kiện ăn ở tốt cũng như đảm bảo an toàn cho công dân khu cách ly; cắt cử cán bộ túc trực, hỏi han tình hình sức khỏe cũng như tâm tư, tình cảm của công dân. Điều đáng quý nhất là tình cảm của bà con trong xã với những đóng góp không chỉ về vật chất mà còn về mặt tinh thần”.

Huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) có khu cách ly chính đặt tại Cổng B – Cửa khẩu Cầu Treo và nhiều khu cách ly nhỏ đặt tại các điểm xã. Tôi cảm thấy thật may mắn khi được trực tiếp đến đây, cảm nhận được tình thương ấm áp từ chính khu cách ly. Hóa ra, khu cách ly không đáng sợ như chúng ta vẫn thường nghĩ.

Trải qua giai đoạn dịch bệnh khó khăn, nhìn cách mọi người đối xử với nhau từ những việc nhỏ nhất, tôi mới hiểu vì sao dân tộc Việt Nam ta có thể đánh bại được mọi kẻ thù xâm lăng. Mong rằng, dịch bệnh nhanh chóng kết thúc để cuộc sống lại trở về với nhịp điệu thường ngày, để người dân lại được lao động, sản xuất, dựng xây đất nước. 

Đọc thêm