Sách nói còn xa lạ với người Việt

(PLVN) - Báo PLVN từng có bài viết đề cập đến “số phận đìu hiu” của sách điện tử khi bị sách lậu chèn ép ở Việt Nam. Cũng như sách điện tử, sách nói là loại hình mới của văn hóa đọc thời hiện đại, đang trở thành ngành công nghiệp hàng tỷ đô ở các nước Âu - Mỹ những năm trở lại đây. Tờ New York Times (Mỹ) đánh giá audiobook là “loại hình phát triển nhanh nhất trong ngành xuất bản”. Thế nhưng, tại Việt Nam, sản xuất và lưu hành sách nói vẫn còn manh mún…

Lo ngại người trẻ ngày càng lười đọc

Sách điện tử đã từng làm nên một trào lưu trong văn hóa đọc của người Việt, tuy nhiên trong thời gian gần đây đã ebook đang trải qua một cuộc thoái trào. Trong khi đó, xu hướng đọc sách của độc giả trên thế giới đã dịch chuyển từ các ấn bản in sang dạng sách điện tử (ebook) rồi đến sách nói (audiobook). Nhưng trong nước, thị trường sách nói cũng không kém phần “ảm đạm” so với sách điện tử.

Cụ thể, vào khoảng năm 2012, “Thư viện sách nói dành cho người mù” là một trong những đơn vị đời đầu cung cấp một hình thức đọc sách riêng cho người khiếm thị. Sách nói ngày nay đã dần dần mở rộng cho hầu hết mọi độc giả, từ trẻ em, học sinh, sinh viên đến người trung niên, lớn tuổi, người già mắt kém, người không biết chữ...

Ưu điểm của sách nói là dễ tiếp nhận, nhỏ gọn, thuận tiện để nghe mọi lúc mọi nơi, có thể vừa làm việc vừa nghe hay có thể nhiều người cùng nghe một lúc. Ngoài giọng đọc truyền cảm, sách nói còn có phần nhạc đệm, tiếng động như tiếng mưa rơi, tiếng gió, sóng biển... mô tả cho tác phẩm.

Nhiều sách còn được “chế tạo” công phu và sống động, người đọc phân vai và diễn xuất tác phẩm như kịch truyền thanh, nhằm tạo cho cuốn sách một diện mạo mới so với tác phẩm gốc.

Cuộc sống ngày càng bận rộn cùng với sự phát triển của internet và các thiết bị thông minh, sách nói ngày càng được công chúng ưa chuộng. Tuy nhiên, không ít người lại bày tỏ lo ngại, sách nói sẽ khiến giới trẻ và xã hội thêm lười đọc sách.

Trong nỗ lực khơi dậy văn hoá đọc, sách giấy ngày càng được chú trọng hơn thì các loại hình “sách công nghệ” lại ngày càng bị thờ ơ sau thời gian đầu rầm rộ. Theo đánh giá chung, đọc sách in buộc độc giả phải tiếp nhận một cách chủ động, tự mình bao quát vấn đề; còn nghe sách nói sẽ khiến độc giả tiếp nhận một cách thụ động, lười tưởng tượng, không chắt lọc được nội dung cần đọc. 

Như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng chia sẻ: “Với sách in, người ta sẽ xem được hình ảnh, chỗ nào không hiểu thì lật giở lại nhiều lần mà nghiền ngẫm, lấy bút đánh dấu câu hay, đoạn văn thú vị. Nghe sách nói không đòi hỏi quá nhiều kỹ năng như đọc sách in. Bởi nghe sách nói là cách tiếp nhận bị động, người nghe tiếp nhận qua lăng kính cảm xúc của người truyền tải”.  

Dù không thể phủ nhận sách nói rất hữu ích với người khiếm thị, nhưng với người bình thường, sách nói có thể cổ suý cho thói lười biếng đọc sách. Nguyên nhân chính là người nghe sách nói trong cùng thời điểm có thể làm nhiều việc khác nhau, nên thường bị sao nhãng, mất tập trung.

Chưa có cơ chế cụ thể đảm bảo bản quyền 

Chỉ cần lên mạng là có thể tiếp cận kho tàng sách nói với đủ mọi đề tài, kể cả nhiều tờ báo cũng đã áp dụng phần đọc tự động cho các bài báo. Tuy nhiên, thị trường sách nói chưa phát triển bền vững đã phải đối mặt với nguy cơ sách lậu.

Những năm gần đây, nhiều nhà văn, tác giả Việt Nam đã rất bức xúc khi nhiều đơn vị sản xuất sách nói từ tác phẩm của mình mà không hề xin phép một tiếng. Trước tình hình sách lậu ngày càng phức tạp ở Việt Nam, sách nói cũng chưa có cơ chế cụ thể  để  đảm bảo vấn đề bản quyền. 

Chưa kể, các trang web đã kí kết, bỏ tiền ra mua bản quyền, ví như “Thư viện sách nói dành cho người mù” , thì lại dễ dàng bị các trang web khác lấy lại đăng tải trên website của mình miễn phí. Dù là những đầu sách nổi tiếng, được đầu tư công phu trong quá trình thu âm sách, ra CD được bày bán đàng hoàng nhưng lại phải chịu cảnh ế ẩm. Ít người sẵn sàng móc hầu bao khi loại sách này dễ dàng tìm đọc trên mạng mà không mất một khoản phí nào.

Quả thực, sự phát triển của sách nói, đặc biệt là sách nói trên mạng có ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sách in và quyền lợi của tác giả. Song, ảnh hưởng này chưa đến mức báo động, vì thị trường sách nói của Việt Nam chỉ mới manh mún chứ chưa phát triển mạnh mẽ, bền vững.

Nhiều đơn vị xuất bản sách chỉ áp dụng sách nói như một công cụ cung cấp thông tin cho độc giả chọn mua sách in. Họ chỉ thu âm một vài trích đoạn của tác phẩm trong sách nói; nếu muốn đọc toàn bộ tác phẩm, bạn đọc sẽ phải mua sách giấy; hoặc có nhiều đơn vị lựa chọn gắn CD sách nói trong sách giấy. Điều này nhằm giúp bạn đọc không “thờ ơ” với sách in.

Khách quan đánh giá, dù sách nói đang là thị trường “nóng” ở các nước phát triển, vẫn còn khá xa lạ với số đông công chúng. Đặc biệt ở các vùng nông thôn, miền núi, nơi công nghệ thông tin chưa phát triển mạnh. Còn ở khu vực đô thị phát triển, người hiện đại chịu quá nhiều sự sao nhãng bởi các thiết bị công nghệ, họ có quá nhiều sự lựa chọn bên cạnh một tệp sách nói.

Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước đối với loại hình này vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ, một phần bởi vì thị trường chưa đủ lớn, việc kinh doanh sách nói vẫn còn manh mún, các hành vi vi phạm hiện nay vẫn “qua mắt” được các cơ quan chức năng. Được biết, năm 2012, Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt (First News) là một trong những đơn vị đi đầu và thắng cuộc trong vụ kiện bản quyền sách bị công ty khác “ăn cắp”. 

Thiết nghĩ, nếu không được nhìn nhận nghiêm túc ngay từ đầu, kèm theo nỗ lực từ các cơ quan chức năng, thị trường xuất bản – phát hành sẽ ngày càng phức tạp. Theo đó, sách nói và cả sách điện tử đều khó “sống sót” ở Việt Nam.

Đọc thêm