Sài Gòn 1972 trong con mắt một nhà báo nước ngoài: Thiên đường của những “ngôi nhà ổ chuột”

(PLO) - Nhìn chung thành phố này bằng phẳng và lốm đốm - nhà một hay hai tầng chiếm trọn mọi khoảng trống. Hai phần ba dân số vẫn sống trong những nơi thiếu cả tiện nghi tối thiểu, kể cả nước sạch, thứ mà họ phải lấy từ những cái giếng gần đó. Những ngôi nhà ổ chuột đó, thường làm bằng lá, đất, tôn, và những tấm thiếc do Mỹ viện trợ, và được chính quyền xếp vào loại nhà bất hợp pháp.
Một số đường phố, nhà cửa Sài Gòn 1972
Một số đường phố, nhà cửa Sài Gòn 1972

Một trong những thất bại lớn nhất là nằm trong lãnh vực giáo dục nói chung. Người ta đã xây trường học trên khắp xứ này, nhưng lại không có đủ giáo viên, sách vở và trang bị. Tuy rằng người Việt, cũng như người Hoa, rất hiếu học, số học sinh đi học tại bốn trong 11 trường cấp quận ở Sài Gòn lại chưa đầy 50% trẻ em trong độ tuổi.

Điều này là do đô thành này hiện có hơn 1.000 phòng học trong các trường tiểu học công cũng như tư cho một số trẻ em ghi danh là 257.000. Một phần ba tới một nửa các phòng học này phải hoạt động ba ca mỗi ngày, điều đó có nghĩa là nhiều trẻ em có khả năng đến trường lại chỉ có mặt được ở đó ba tiếng mỗi ngày.

Có tổng cộng 2.500 giáo viên, tức một thầy cho hơn một trăm học trò. Nên không ngạc nhiên gì khi chỉ có 58% trẻ em đi học hoàn tất học trình dù chỉ ở cấp tiểu học.

Tình hình tại các đại học ở nhiều mặt còn tồi tệ hơn. Đại học Sài Gòn - một trong tám đại học trên toàn Nam Việt Nam - có khoảng 35.000 sinh viên và 350 giảng viên, tức một giảng viên cho 77 sinh viên. Rất nhiều, nếu không muốn nói là hầu hết, các giáo sư và giảng viên chỉ dành ba giờ một tuần cho các lớp ở Sài Gòn, vì họ còn phải đi khắp nơi để dạy tại các đại học khác nằm rải rác từ Huế ở phía bắc tới Cần Thơ ở phía nam.

Những bài giảng thường được phát dưới dạng quay ronéo, và hầu như không có hình thức thảo luận trong lớp. Hơn nữa, có ít trang bị khoa học đến nỗi có tới 22.000 trong số 35.000 sinh viên của Viện Đại học Sài Gòn ghi danh vào Mỹ thuật hoặc Văn khoa hoặc trường luật - điều này lại xảy ra ở một đất nước mà nếu nó muốn sống còn thì nó cần nhiều kỹ sư và những sinh viên được đào tạo một cách khoa học hơn là những luật sư hay sinh viên văn chương. 

Một hậu quả của sự bất cập ở đại học là ở chỗ con cái nhà giàu thì đi du học và ở lại luôn bên đó. Bạn tôi là một nhà sử học xã hội và là hiệu trưởng một trường đại học với 3.600 sinh viên, cũng đồng tình với những người có khả năng đi du học, cho dù ông ta cũng than thở về ảnh hưởng của sự thất thoát chất xám này đối. "Ai mà muốn trở lại một nhà tù khổng lồ và để bị giết chứ?", ông ta đặt câu hỏi như thế.

Khu vực Bến Hàm Tử, gần cầu Chà Và
Khu vực Bến Hàm Tử, gần cầu Chà Và

Một trong những thần tượng của thế hệ trẻ là một thanh niên gầy gò, đeo kính cận, quê ở Huế, tên là Trịnh Công Sơn. Ở tuổi 32, anh là tác giả nhiều bài nhạc phản chiến sâu sắc, và tuy chúng bị cấm trong năm 1968 và 1969, nhưng vẫn được chơi ở một số phòng trà và phổ biến qua băng cassette in lậu. Một cô gái 23 tuổi tên là Khánh Ly, với giọng hát trầm đục du dương cũng thu hút như chính những bài nhạc ấy, giúp chúng trở nên nổi tiếng...

Trịnh Công Sơn, người đôi khi vẫn ngồi trong các phòng trà nghe Khánh Ly hát nhạc của mình, đã có được tên tuổi nhưng chẳng có mấy tiền bạc từ tác phẩm của mình, vì không kiểm soát được việc phổ biến băng cassette. Tiền mà anh kiếm được là nhờ cho in những bài tình ca của mình. Những bài nhạc của anh rất phổ biến trong quân đội, những người lính này đến phòng trà trên đường Tự Do nơi Khánh Ly hát những nhạc phẩm này, họ ngồi nghe và hoan hô cô như điên.

Đôi khi, một cựu chiến binh đã mất một tay, một chân, và một mắt trong chiến tranh, đứng dậy và hát những bài đó với giọng khàn đặc, với đèn sân khấu chiếu thẳng vào anh ta, tạo thành một màn kịch bóng ngoạn mục.

Tôi có một buổi chiều nói chuyện với Trịnh Công Sơn và nghe vài bài hát mới của anh, chúng ít nhiều có giọng hoài niệm của các ca khúc cách mạng trong thời Nội chiến Tây Ban Nha. Trong đó có mấy bản mang tên "Dân ta quyết sống," "Chỉ còn trông vào chính chúng ta," và "Việt Nam ơi đứng dậy".  

***

Ngược về quá khứ khi còn người Pháp. Năm 1954, sứ quán Mỹ trở thành tòa đại sứ, từ đó người Mỹ tới đây nhiều hơn. Họ tách riêng ra, sống cuộc đời khép kín thường thấy ở các viên chức và nhiều doanh nhân Mỹ ở hải ngoại, ban ngày tới nơi làm việc, tối trở về những căn nhà hay biệt thự có bảo vệ bằng rào kẽm gai.

Rất lâu trước khi chiến tranh trở nên quyết liệt hơn, hàng dây kẽm gai này đã trở thành hình ảnh quen thuộc ở Sài Gòn, và tôi còn nhớ rõ những vòng rào đầu tiên mà người Mỹ dùng để bảo vệ họ.

Nhịp sống Sài Gòn tiếp tục trôi chảy dọc theo đường Catinat. Mỗi ngày, người ta có thể thấy toàn bộ giới thượng lưu trên đại lộ này, với những quán cà phê và cửa hàng sang trọng bày đầy hàng hóa của Pháp. Gần đó khoảng 30.000 người Pháp dân sự - giới làm ra tiền chủ yếu sống trong những biệt thự nguy nga.

Một số đường phố, nhà cửa Sài Gòn 1972
Một số đường phố, nhà cửa Sài Gòn 1972

Phố Catinat là nơi gặp gỡ của họ, và những khác biệt xã hội của Sài Gòn có thể nhận ra được qua cung cách người ta chào nhau - trong bản chất của cái bắt tay, của nụ cười thoáng hiện, hoặc sự thiếu vắng của nó. Phụ nữ Pháp và Việt lướt qua như những đàn cá nhiệt đới sặc sỡ. Rồi lại có dân Tunisia, Morocco, Algeria và Senegal trong Quân đội thuộc địa Pháp. Rồi còn người Ấn, đến Sài Gòn sau thế chiến và trở thành thương gia hoặc người cho vay lãi.

Ngày đó, người Ấn là những chỗ đổi tiền chủ yếu - chợ đen đôi khi được gọi là Ngân hàng Ấn Độ - những vụ bố ráp việc mua bán ngoại tệ trái phép gần đây và một tỉ giá được điều chỉnh lại đã ít nhiều xóa được việc buôn bán đồng đô la trong thị trường chợ đen.

Tuy khu vực quanh Catinat vẫn là trung tâm giao tế và thương mại của Sài Gòn, nhưng những chân rết của thành phố đã lan xa nhiều cây số, tạo thành Sài Gòn đích thực. Dân số thành phố này đã tăng gấp bốn trong vòng từ 1940 đến 1950, và phần lớn dân số này sống một cách gian nan, bên bờ vực nghèo đói. 

Ở ngoại vi thành phố là những khu lụp xụp, nhà làm bằng lá, bùn và những tấm thiếc, là nơi trú ngụ của người nghèo và bị đuổi nhà, phu thợ và những lớp người khác chỉ xoay xở kiếm được vài đồng bạc một ngày. 

Ở những khu khá giả hơn, gần trung tâm thành phố, có những dãy phố gồm hàng loạt nhà liên kế, là những ngôi nhà trệt, hoặc một lầu, làm bằng gỗ và tôn sâu khoảng sáu bảy mét; chúng thường gồm một cửa tiệm gì đó đàng trước và phần phía sau để ở. Đây là khu của giới trung lưu lớp dưới. 

Giữa và đàng sau những căn nhà này, trong những góc ẩm thấp của một mê cung những ngõ hẻm, là những căn buồng dùng cho nhiều việc, bán dâm và phá thai, hoặc hút thuốc phiện. Có những lỗ chó đi từ ngôi nhà này hay con hẻm này sang ngôi nhà hay con hẻm khác, là con đường tẩu thoát cho bọn tội phạm.

Hoạt động chính của khu vực mê cung này của Sài Gòn - gồm cả nhiều khu của Chợ Lớn - là cờ bạc. Người nghèo đánh bạc cũng hăng như người giàu, và trở thành nạn nhân của bọn chủ sòng, bọn này điều hành những tập đoàn cờ bạc cùng nhiều chuyện làm ăn khác, trong đó có các nhà thổ. Nhà thổ nổi tiếng nhất vào đầu thập niên 1950 là Ngôi nhà Bốn Trăm mà người Pháp xây và bảo vệ chủ yếu để dùng cho quân đội của họ, tuy rằng người Việt về sau cũng được cho vào.

Đường Nguyễn Huệ 1971
Đường Nguyễn Huệ 1971

Khách hàng có thể mua phiếu rồi chọn bất cứ cô nào vừa mắt trong số khoảng 400 cô gái ở đây (họ được kiểm tra sức khỏe hàng tuần). Theo một người bạn của tôi thì, "Nó giống một lò sát sinh hơn là một nhà thổ, ở đó ồn đến phát điên lên được". 

***

Sòng bạc sang trọng nhất là Đại Thế Giới, nằm ở ranh giới Sài Gòn và Chợ Lớn. Ban đầu những sòng bạc lớn là do người Hoa hay dân Ma Cao điều hành, nhưng rồi Bình Xuyên, một tổ chức do một người Việt tên là Bảy Viễn cầm đầu, chen vào và chiếm lấy hầu hết các sòng bạc, kể cả Đại Thế Giới. Với sự chấp thuận của Bảo Đại, ông ta còn nắm quyền chỉ huy cảnh sát, và trong thực lề, được Pháp đồng ý, ông la đã trở thành "ông trùm" của Sài Gòn. 

Ông ta đi lại trong thành phố với một lô vệ sĩ có võ trang vây quanh và ban đêm ở Đại Thế Giới ông ta phân phát những tấm phỉnh màu tím trị giá năm ngàn đồng bạc cho các bạn bè và la mắng bất kỳ ai ông ta không tin hay không có ích cho mình. Ở bộ chỉ huy của mình, ông ta có một sở thú nhỏ, có nuôi cả cọp và rắn độc và dưới đó là một hầm chứa súng và thuốc phiện. 

Thế lực của Bảy Viễn suy tàn khi người Pháp thua trận năm 1954 và Ngô Đình Diệm được Bảo Đại bổ nhiệm làm thủ tướng. Sau nhiều trận đánh gay go trên đường phố và những vùng sình lầy ngoại vi, căn cứ địa của Bình Xuyên, tổ chức này mới bị tiêu diệt năm 1955, và Bảy Viễn chạy sang Pháp (nơi Bảo Đại cũng sống đời lưu vong thoải mái sau khi bị Diệm truất phe).

Tôi gặp Bảy Viễn tại Paris ba năm sau, ông ta trở thành một ông già vô hại, nhưng phong thái của một tay trùm tội phạm ngày xưa vẫn còn lộ ra qua cái cười khẩy và đôi mắt nhỏ soi mói.

Về hoạt động kinh doanh nói chung, với ảnh hưởng của người Pháp suy thoái dần (tuy không hề mất hẳn, vì người Pháp vẫn giữ được quyền lợi trong các đồn điền cao su, ngành vận tải biển và thương mại) người Việt cạnh tranh giành lấy những hoạt động từng do người Pháp và Hoa thống trị. Qua thời gian, chế độ Diệm, nhất là khi nó bị vợ chồng Ngô Đình Nhu khống chế, đã trở nên ngày càng độc tài hơn.

Đường phố nhỏ hẹp chen chúc nhiều loại xe
Đường phố nhỏ hẹp chen chúc nhiều loại xe

Cuộc sống ở Sài Gòn ngày càng căng thẳng. Lúc tôi trở lại đây năm 1962, sau khi vắng mặt vài năm, sự chống đối chế độ Diệm có thể cảm thấy được trong bầu không khí, và rõ ràng chuyện nó bùng nổ công khai chỉ còn là vấn đề thời gian. Những người chống đối Diệm không gặp khó khăn gì trong việc tổ chức những cuộc họp mật, trong những phòng kín của nhà riêng hay những tiệm ăn nhỏ.

Sau cùng, khi cuộc chống đối bùng ra, vào tháng 11/1963, Diệm và Nhu bị lật đổ với sự giúp sức của người Mỹ, Sài Gòn có vẻ như thở ra được một hơi nhẹ nhõm.

***

Sài Gòn bây giờ chính thức là một trong 11 thành phố tự trị của Nam Việt Nam - tức là thành phố độc lập đối với chính quyền cấp tỉnh - nhưng đô trưởng Sài Gòn Đỗ Kiến Nhiễu lại chịu trách nhiệm về mặt quân sự với tướng Trần Văn Minh, vì ông này không những là tư lệnh biệt khu thủ đô mà còn là tư lệnh Vùng 3 chiến thuật vốn bao gồm Sài Gòn và nhiều tỉnh lận cận ở phía bắc, đông bắc và tây bắc nữa. 

Tuy nhiên, sau cùng Nguyễn Văn Thiệu mới là người cai trị Sài Gòn thông qua một nhóm thân cận được tổ chức chặt chẽ họ nắm lực lượng an ninh khắp thành phố và quyết định mọi vấn đề chính sách, ví dụ như khối Phật tử và sinh viên trong thời điểm nào đó sẽ được tự do hội họp và ngôn luận tới mức nào.

Bất cứ khi nào có một vụ đàn áp biểu tinh, hoặc bố ráp sinh viên hay các phần tử bất mãn, hoặc có bắt giữ một thủ lãnh phe đối lập thì người ta có thể biết chắc mệnh lệnh cho những chuyện đó xuất phát trực tiếp từ dinh tổng thống.

Mọi vấn đề phức tạp và xung đột bạo động ảnh hưởng đến thành phố đầu khó giải quyết hơn vì tình trạng dân số tăng. Đến 1963, dân số đô thành Sài Gòn đã lên tới 2,2 triệu và từ đó mỗi năm mỗi tăng vọt do dòng người từ nông thôn chạy về tị nạn. Từ 1965, có khoảng 3,5 triệu người đã trở thành đần tị nạn, và hai triệu trong số đó đã chạy về các thành phố.

Trong dân số Nam Việt Nam, khoảng 19 triệu, thì có đến một nửa đã trở thành thị dân, trong khi trước chiến tranh có đến 80% dân sống ở nông thôn. Các đánh giá cho rằng khoảng một phần ba dân số thành thị sẽ trở về sống ở nông thôn sau chiến tranh; số còn lại sẽ có xu hướng ở lại, cho dù đời sống ở đó khó khăn hơn, vì ở đó có nhiều cơ hội việc làm và nhịp sống sôi nổi hơn so với nông thôn.

Mật độ dân số Sài Gòn là khoảng 50.000 trên một cây số vuông, nhưng có những khu phố có đến 2.000 dân trên 20.000 mét vuông. 

Đâu đâu cũng bắt gặp lính Mỹ
Đâu đâu cũng bắt gặp lính Mỹ

Một viên chức Mỹ từng làm cố vấn về các vấn đề đô thị trong vài năm đã đánh giá rằng 10% dân số thành phố sống sung túc, 40% thuộc giai cấp trung lưu lớp dưới sống vừa đủ ăn và 50% sống nghèo khổ. So với Calcutta và một số thành phố khác của Ấn, Sài Gòn có lẽ không nghèo lắm, nhưng rõ ràng chiến tranh đã tạo nên một tình hình nghiêm trọng mà người ta không làm được bao nhiêu chuyện để cải thiện. 

Trong một số dịp, tôi được ngôi trực thăng bay chỉ cao hơn nóc nhà lượn khấp thành phố và quan sát những khu nhà ổ chuột ngày càng tăng ở hầu hết các quận. Từ trên cao người ta cũng nhìn thấy dấu vết tàn phá của chiến tranh... Vài ngàn khu nhà tái định cư đã được xây cất, phần lớn nằm ở ngoại vi thành phố, nhưng cũng chưa đủ để thỏa mãn nhu cầu nhà ở của cựu quân nhân, chứ đừng nói tới nhà giá rẻ cho công chức và dân thường bị mất nhà.

Khi thành phố mở rộng, số quận đã tăng từ năm lên 16 trong vòng 20 năm qua, lấn ra nhiều khu vực lớn của tỉnh Gia Định. Sài Gòn, trong chương trình gia cư đô thị của nó, chưa thấy được những cách sử dụng nhà cao tầng, như Singapore chẳng hạn, đã làm được - "cao" ở đây chỉ có nghĩa là bốn hoặc năm tầng. 

Dĩ nhiên, cũng có một ít khách sạn Sài Gòn cao tới 10 hay 11 tầng, và một số cao ốc văn phòng cũng lên tới tám tầng. Nhưng nhìn chung thành phố này bằng phẳng và lốm đốm - nhà một hay hai tầng chiếm trọn mọi khoảng trống. Hai phần ba dân số vẫn sống trong những nơi thiếu cả tiện nghi tối thiểu, kể cả nước sạch, thứ mà họ phải lấy từ những cái giếng gần đó.

Những ngôi nhà ổ chuột đó, thường làm bằng lá, đất, tôn, và những tấm thiếc do Mỹ viện trợ, và được chính quyền xếp vào loại nhà bất hợp pháp, và trong những cuộc biểu tình của sinh viên và cựu quân nhân trong hai năm qua, cảnh sát đã giật sập một số nhà loại đó.

Tuy nhiên, nhìn chung, do thiếu một chương trình xây dựng chặt chẽ và một trình tự ổn định để trợ giúp khối dân chúng bị bần cùng hóa, nên cảnh sát cũng như các viên chức khác đã bỏ qua vấn đề nhà ổ chuột khi họ chẳng bóp nặn được tiền bạc gì ở những người dân đó.

***

Thành phố có tổng cộng 11 bệnh viện công, với chưa tới 5.000 giường, và 39 trạm xá, và đã có những trận dịch tả vào năm 1964 và 1966; chính nhờ một chương trình chủng ngừa rộng rãi, chủ yếu là ngừa dịch tả, mà điều kiện y tế không trở nên tồi tệ hơn, nhưng dịch tả và dịch hạch vẫn còn là những mối đe dọa.

Cảnh cháy chợ Cầu Muối
Cảnh cháy chợ Cầu Muối

Để thu gom khoảng 85.000 tấn rác mỗi tháng, thành phố chỉ có 130 xe rác loại mới. Tuy những phương tiện này đã cải thiện tình hình vệ sinh, nhất là ở những khu trung lưu, nhưng mọi chuyện vẫn còn rất tệ ở những khu nghèo hơn, nơi chẳng có đường xá cho xe hoạt động.

Nhìn một dãy phố lụp xụp tiêu biểu, hay liên tiếp nhiều dãy phố, của Sài Gòn, ta thấy nó có vẻ là kiểu nhà liên kế làm cửa hàng kiêm chỗ ở loại trệt hoặc một lầu, trông cũng sạch sê và ngăn nắp. Tại hầu hết những khu như thế, một đường hẻm nhỏ có thể dẫn từ ngoài đường nhựa vào khu nhà, nhưng rồi nó sẽ thu hẹp thành những con hẻm nhỏ hơn-hẹp đến độ đi một người cũng khó khăn. 

Nghẹt hai bên những con hẻm chật chội đó là những ngôi nhà tạm bợ vá víu, phần lớn chỉ có một phòng, trong đó sống cả gia đình trung bình gồm sáu hay bảy người. Nước được lấy từ giếng chung, có thể cách nhà tới vài con hẻm, tuy đôi chỗ cũng có ống nước dẫn đến những vòi nước công cộng. Thông thường những nơi đó chẳng có điện và người ta nấu bằng lò than.

Về nhà vệ sinh, hầu như luôn có những mương hay rạch sau những dãy nhà như thế. Ban ngày cho đến sẩm tối, những người bán rong, mì, thức ăn nóng, cá tươi, trái cây, cứ đi rảo khắp mê cung đó. Mọi thứ cứ chen chúc với nhau đến nỗi, ngoại trừ đây đó có vài mét vuông sân chung, ánh mặt trời không chiếu xuống tới đất, và cả khu có vẻ như một đường hầm. Trẻ con lẫn người lớn đi tới đi lui như những con chuột chũi.

Một người bạn Việt của tôi, trong thời gian này đã sống ở một khu hẻm trung lưu hơn, và anh ta đã giúp tôi hiểu cuộc sống ở đó ra sao và nó đã thay đổi thế nào. Nhà của anh ta, cũng nhỏ bé, nằm trong một con hẻm đông đúc dài cỡ 50 mét ở Quận 3, trung tâm Sài Gòn. Khu của anh được gọi là "Bàn Cờ” vì những đường hẻm thường vuông góc với nhau.

Khi anh thuê được ngôi nhà này-năm 1961 với giá 1.000 đồng một tháng, cộng với 300 tiền đặt cọc và 1.000 khác cho người môi giới-thì con hẻm rộng khoảng sáu mét. Bây giờ nó rộng còn một nửa, vì từ đó tới nay có nhiều nhà được xây lại và lấn ra trái phép. 

Trên con đường Sài Gòn – Biên Hòa
Trên con đường Sài Gòn – Biên Hòa

Trái với những khu nghèo hơn của thành phố, khu Bàn Cờ có điện và nước, và một số hẻm, trong đó có hẻm nhà anh, đã được tráng nhựa, nên chúng ít khi bị ngập sau những cơn mưa lớn một điều xảy ra thường xuyên ở những khu khác-nhưng để về tới nhà bằng xe hơi anh ta phải chạy lòng vòng qua một hệ thống phức tạp gồm đủ các con hẻm lớn nhỏ. Người Việt có câu "Gần nhà xa ngõ" với hàm ý rằng "nhà tôi ở gần nhà bạn, nhưng ngõ nhà tôi xa ngõ nhà anh".

Mọi cư dân Sài Gòn, trừ người ngoại quốc, phải đi qua một thủ tục trình báo phức tạp khi họ dọn đến nơi ở mới, và họ thường xuyên bị cảnh sát kiểm tra. Mỗi gia đình phải có sổ gia đình, được liên gia trưởng chứng nhận. Sổ này sau đó phải được khóm trưởng, người đứng đầu nhiều dãy phố hay con hẻm, chứng nhận.

Rồi phường trưởng phải ký chấp thuật vào sổ. Hệ thống liên gia ở Sài Gòn được chính quyền thành lập từ giữa thập niên 1950. Có 16 gia đình trong hẻm nhà bạn tôi và họ làm thành một liên gia-nó hơi lớn vì một liên gia trung bình chỉ có năm hay sáu gia đình. Tuy liên gia trưởng không có lương, nhưng địa vị đó có thể giúp ông ta kiếm được tiền nhờ những ân huệ ông ta có thể cho người khác.

Trong khu này, một tiểu thương mù chữ đã nhận làm liên gia trưởng trong nhiều năm; từ từ ông ta giàu lên, và chuyển từ một ngôi nhà không có giường sang một trong những ngôi nhà đẹp nhất khu Bàn Cờ, nơi ông ta mở quán ăn. Bạn tôi đoán rằng ông ta, giống như nhiều viên chức nhỏ khác, cũng dính vào những hoạt động như buôn lậu chứa gái, mua bán đồ trộm cắp, hoặc ghi số đề.

(Còn tiếp)

Đọc thêm