Săn dâu rừng trên dãy Hoành Sơn

(PLO) - Giữa những ngày tháng còn chấp chới đôi chút hương xuân, trên dãy Hoành Sơn ngước nhìn phía triền tây, có thể dễ dàng thấy người dân ở các xã Quảng Phú, Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (huyện Quảng Trạch – Quảng Bình) đang hối hả giữa mùa săn dâu rừng. 
Đa số những thợ hái dâu ở đây đều là con gái, tuổi đời họ rất trẻ, chỉ từ 20 đến 25 tuổi
Đa số những thợ hái dâu ở đây đều là con gái, tuổi đời họ rất trẻ, chỉ từ 20 đến 25 tuổi

Họ - những đoàn người đi hái thứ “lộc rừng” ấy phải thức dậy trước tiếng gà gáy đầu tiên, rồi vượt qua bao dặm đại ngàn để trẩy những trái dâu rừng to, căng mọng trước khi chúng chín mẫm…

Mùa hốt bạc

Thời điểm này, rừng núi Hoành Sơn mây mù giăng kín, tất thảy các con đường mòn cứ đi được một quãng thì lại mất hút vào trong màn sương trắng. Theo chân đoàn người hái dâu rừng, tôi ngồi nghỉ chân ở một ngọn núi rất cao, trời cũng tản mây dần. Xa xa những ngọn núi xếp tầng nối nhau chạy tận vào rừng già. Tôi ngỏ lời: “Đến ngọn núi nào thì các chị mới chịu dừng chân hả?”.

Đám người hái dâu đều từ các xã Quảng Phú, Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp… cứ nhìn nhau cười: “Cái anh nầy hay, đi ăn dâu (hái dâu rừng-PV) mà đòi dừng chân à! Chưa đâu anh, cứ đi với mấy em trọn ngày mới thấu hết cái nghiệp hái dâu này” - Một cô gái trạc 22 tuổi, người ở xã Quảng Châu như muốn trêu đùa.

“Cứ thế mà đi, đi liên tục đi cả ngày, đi đến đỏ cả mắt vậy, gặp được bụi dâu là ngồi lại hái, may mắn thì gặp bụi chín đỏ còn không thì cả ngày đi bòn từng hột vậy. Nhưng cứ đến khoảng hai, ba giờ chiều thì ít nhiều gì cũng phải về để kịp nhập cho các thương lái miền xuôi nữa”- Một cô gái khác trong đoàn bộc bạch.

Thật vậy, để hái được những giỏ dâu từ chốn thâm sơn này thì những thợ dâu phải trèo đèo lội suối, băng qua biết bao dặm đại ngàn. Dân vùng này gọi đó là dâu rừng, chứ kỳ thực ở nơi khác nó còn có tên gọi là quả Thanh Mai.

Dâu rừng ở dãy núi Hoành Sơn khi chín có màu đỏ đậm vị rất thanh, chua và ngọt
Dâu rừng ở dãy núi Hoành Sơn khi chín có màu đỏ đậm vị rất thanh, chua và ngọt

Theo tìm hiểu, thứ “lộc rừng” này có vị chua, ngọt, tính bình, tác dụng lý khí, tán ứ, thanh thấp nhiệt. Ngoài ra, còn có chức năng giải nhiệt, tốt cho tiêu hóa, tốt cho máu não và mắt, tăng khả năng miễn dịch, ngăn ngừa bệnh tiểu đường, chống lão hóa tốt. Vào mùa hạ, người ta lấy quả về thu, phơi để chữa ho, đau dạ dày, tiêu chảy, đau bụng, kiết lỵ…

Tất cả các bộ phận khác của cây đều có tác dụng chữa bệnh hiệu quả. Vỏ thân, rễ dùng dưới dạng sắc để điều trị vết loét ngoài da hoặc ngộ độc do thạch tín. Do có vị chua ngọt và hương thơm khó tả nên quả thường được ngâm với đường, mật ong để làm nước uống giải nhiệt mùa hè rất tốt cho sức khỏe.

Đối với những người dân nơi đây, hẳn những công dụng tuyệt vời của thứ “lộc” mà rừng núi ban tặng ấy họ chưa bao giờ biết đến. Bởi với họ, một năm rừng núi chỉ có bốn mùa quả: móc – sim – dâu - muông. Người dân nơi đây đặt tên từng mùa theo 4 thứ quả ấy và dĩ nhiên, mỗi mùa quả là một mùa hốt bạc. Chỉ vậy thôi!

Theo những thợ rừng nhiều kinh nghiệm thì bụi dâu thường mọc ở các khoảng núi hoang, giáp bìa rừng và vùng đồi cỏ. Chúng càng mọc khuất sau núi thì màu dâu càng chín đỏ và trái cũng… to hơn bình thường. Tuy nhiên việc hái dâu rừng đòi hỏi người thợ hái phải kiên nhẫn, nhanh nhẹn thì mới tìm thấy những bụi dâu mọc trong rừng rậm. Và khi họ đưa về những giỏ dâu chín mẫm, những thương lái sẽ đợi sẵn ở chân núi tranh giành món hàng trên tay.

Đỏ cả mắt người…

Chị Đàm Thị Lý, 45 tuổi, thôn Hùng Sơn, Xã Quảng Kim – Một thợ hái dâu đã gắn bó gần 10 năm ở vùng núi này cho biết: Người nào hái giỏi thì mỗi ngày cũng kiếm được 400.000 – 600.000 đồng. Theo nhẩm tính, dù cực nhọc thức khuya dậy sớm, cứ đi liên tục trong 10 ngày nhưng đổi lại mỗi thợ săn dâu rừng cũng có trong tay bạc triệu.

“Nhiều người hốt bạc đấy chú à! Mùa dâu này mất bởi vì sương mù từ biển đóng suốt vậy, nên hư hại hết. Chứ riêng mấy mùa trước ít sương mù hơn, dâu cho ra trái chín đỏ mầm, hái sướng lắm! Những ngày dâu chạy có người kiếm cả triệu bạc mỗi ngày luôn” - chị Lý bộc bạch.

Đợi sẵn ở chân núi, những thương lái ở các đô thị đổ về để thu mua dâu rừng rồi phân bổ ở các thị trường xa hơn. Cảnh mua bán dâu vào buổi chiều ở các trục đường chính men theo khắp chân núi
Đợi sẵn ở chân núi, những thương lái ở các đô thị đổ về để thu mua dâu rừng rồi phân bổ ở các thị trường xa hơn. Cảnh mua bán dâu vào buổi chiều ở các trục đường chính men theo khắp chân núi

Mùa dâu rừng ở Hoành Sơn thường rộ vào cuối tháng 1 (âm lịch) vì thế muốn tăng thêm thu nhập những thợ săn dâu phải thường xuyên thăm rừng để biết được bao giờ thì dâu chín bói. Khi biết dâu rừng đã chín, thợ rừng bắt đầu gùi giỏ theo lối mòn ngược ngàn để lùng tìm. Những ngày dâu chín bói, việc tìm kiếm dâu rất khó khăn, bởi họ phải chui rúc nhiều, đi khắp núi rừng thì mới mong tìm đủ số lượng thương lái đặt.

Thông thường, mỗi đận vượt rừng người ta mang về khoảng 10 đến 15 lon (chế từ vỏ hộp sữa đặc, một loại dụng cụ dân dụng dùng để đong gạo - PV), nhưng mỗi lon dâu sẽ có giá đúng với cái công săn được của nó. Hay nói cách khác, nếu bán chúng ở các phiên chợ trong vùng thì giá cả thường trong khoảng 20.000 – 30.000 đồng/lon.

Một thợ hái dâu kể, “Dâu rừng nơi đây, nếu mình chịu khó đi ra các tỉnh khác xa hơn bán thì trúng mánh lắm. Có khi lên đến ba bốn giá nữa, nhưng nếu vậy thì mình phải mất thêm một ngày dâu (một ngày đi hái dâu rừng-PV), bù đi bù lại thì cũng như nhau, thôi cứ rúc rừng là chắc ăn nhất. Còn chiều về, thì nhập thẳng cho các thương lái thấp hơn đôi ba giá cũng được…”

…Trời dần về chiều, cảnh chốn sơn tản càng hùng vỹ hơn. Xa xa nhìn về phía tây, những dãy núi đồ sộ như ẩn mình dần. Đám sương mù mỏng phủ lấp đất trời. Rừng già thu mình trong khoảng thâm u, gió ngàn rờn rợn đó. Những chú chim bạc đầu, loạng quạng bay vào rừng sâu tìm chốn ngủ. Trên những sống núi, các con đường mòn chạy ngoằn ngoèo, được san bằng, đoàn hái dâu liên tục đổ về. Đôi ba người con gái với chiếc khăn phủ đầu bay lất phất lộ ra 2 bên gò má đen sạm vì nắng.

Đợi sẵn ở chân núi, những thương lái bắt đầu chèo kéo khách, bên đưa bên giật cứ như một phiên chợ rộn ràng giữa chốn rừng núi. Đặt giỏ dâu trên vai xuống, chị Đàm Thị Hà, 35 tuổi, thôn Hùng Sơn (xã Quảng Kim) với gương mặt hớn hở, tâm sự: “Cũng may hôm nay lên gặp được nhiều bụi dâu chín hái sướng ơi là sướng! Chắc từng này cũng được bốn đến năm chục lon đây. Nghề này, may, rủi thôi mấy chù à! May thì gặp vạt dâu chưa ai động tay đến, còn xui thì đi sau người ta thôi! Mà cũng phải, người hái dâu đầy núi đầy rừng thế kia thì dâu chín sao kịp cho người hái…”.

Bốn, năm chục lon dâu rừng của chị Hà hôm nay bán cho thương lái cũng được 800.000 đồng. Tôi thấy trong ánh mắt chị phảng phất nụ cười. Và khi nhìn chị, tôi cũng thấy phận người đàn bà trên núi cao, họ trải trăm sương nghìn gió, họ mặc gió sương của rừng già, mặc cho thời gian bào mòn tuổi thanh xuân.

Đọc thêm