Sản phụ giết con vì mặc cảm “nhũ hoa” bất thường

(PLO) - Xã miền núi Ân Hảo (huyện Hoài Ân, Bình Định) từng chấn động vì vụ tự sát đau lòng của một sản phụ mới sinh chỉ vì mặc cảm “nhũ hoa” bất thường. Người mẹ trẻ này trước khi đâm mình, đã nghĩ quẩn rạch dao vào bụng đứa con mới được 20 ngày. 
Người chị dâu cho biết chị Ngân mặc cảm vì núm vú con đỉa nên quyên sinh.
Người chị dâu cho biết chị Ngân mặc cảm vì núm vú con đỉa nên quyên sinh.
Người xấu số là chị Trần Thị Hồng Ngân (SN 1981). Bàn thờ chị Ngân đặt tại nhà mẹ đẻ tại thôn Hội Long (xã Ân Hảo, huyện Hoài Ân). Vừa nghe tiếng xe dừng đầu ngõ, một cụ bà chống gậy ra hỏi: “Chồng cái Ngân về thăm đấy hả?”. 
Thắp nén hương lên ban thờ con gái, bà Nguyễn Thị Thích (72 tuổi, mẹ chị Ngân) thở dài: “Nghĩ mà tội nghiệp, con gái tôi mới sinh con mà lại dại dột kết liễu đời mình. Chỉ vì cái đầu vú tựa miệng con đỉa, không thể cho con ngậm bú, sữa phải nặn chứ không chảy bình thường như những người mẹ khác”.
Chị Ngân là út trong số sáu anh chị em, nhà nghèo nên sớm nghỉ học ở nhà, đến năm 26 tuổi lấy chồng rồi theo chồng về thôn Vạn Trung (xã Ân Hảo Tây, huyện Hoài Ân, cách nhà một con sông). Chồng Ngân cũng là con út, “hiền như đất”, chịu thương chịu khó làm ăn. Vợ chồng hạnh phúc êm đềm, không ngờ con gái bà lại làm điều dại dột quyên sinh khi vừa sinh con.
Người trực tiếp chăm sóc, an ủi Ngân trong những ngày ở viện là người chị dâu. Chị kể, theo phong tục địa phương, “con so nhà mạ, con rạ nhà chồng”, khi Ngân gần chuyển dạ đã được chồng đưa về nhà mẹ đẻ. 
Bé gái mới sinh nặng 3kg, “mẹ tròn con vuông”. Nhưng hai núm vú của Ngân lại khác thường, chỉ có đường kẻ ngang luôn thụt vào trong, người dân địa phương thường gọi là “vú miệng đỉa”. Những người ở viện thấy thế đã xầm xì: “Vú miệng đỉa khó nuôi con, sữa đâu cho con bú”. 
Ngân nghe được nên hoang mang lo lắng. Người chị thấy em buồn nên lựa lời: “Bữa nay có nhiều sữa ngoài, mua cho con. Thiếu gì người vú miệng đỉa mà con họ vẫn khôn lớn”. Ngân không nói gì, ôm con vào lòng.
Người chị sau đó đã “nói nhỏ” với chồng Ngân để an ủi vợ. Do con thơ thiếu sữa, người chồng đã phải xin các sản phụ cùng phòng vợ cho con bú nhờ. Ngày 22/1/2009 (tức 25 tháng Chạp), mẹ con Ngân xuất viện về nhà. Người mẹ không thể cho con bú, nặn sữa cũng rất khó khăn. Bé đói sữa khóc liên tục. May ở gần nhà có người vừa sinh con với nguồn sữa dồi dào sang cho bú nhờ. 
Không ngờ sau một đêm nghĩ quẩn, người mẹ đã gây ra tai họa.
Người đầu tiên phát hiện sự việc là bà Thích. Khoảng 7h sáng 23/1, bà đi chợ mua thức ăn về nấu cháo cho con. Vừa dựng chiếc xe đạp bên góc nhà, bà hoảng hồn thấy Ngân nằm nghiêng trên chiếc giường tre trong buồng, toàn thân đầy máu, một tay ôm con. 
Di ảnh sản phụ trầm cảm sau sinh.
 Di ảnh sản phụ trầm cảm sau sinh.
Chiếc khăn quấn quanh người bé gái mới 20 ngày tuổi cũng ướt đẫm máu. Bà Thích tưởng con bị băng huyết liền kêu hàng xóm đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn). Sau đó, người dân lại thấy cháu bé đang nằm thoi thóp nên cũng cấp tốc đưa đi viện.
Bác sĩ kiểm tra phát hiện chị Ngân có nhiều vết thương vùng ngực, còn cháu bé bị rạch sâu nơi vùng bụng. Cả hai mẹ con đều nguy kịch do mất nhiều máu. Các bác sĩ đã điện báo công an vì cho rằng đây có thể là vụ tự sát hay án mạng. Người mẹ sau đó tử vong do vết thương nặng nhất nơi vùng tim. Cháu bé may mắn sống sót sau phẫu thuật. 
Công an huyện Hoài Ân điều tra kết luận chị Ngân đã tự sát. Vết thương trên bụng cháu bé là do người mẹ dùng dao rạch để con chết theo mình. Con dao rèn để gọt khoai mì, dính đầy máu được tìm thấy nơi cửa sổ trong nhà. Bà Thích cho biết, đó là con dao của nhà bà, vẫn dùng hàng ngày.
Bà Thích bần thần nhớ con, lại thương cháu, thương rể. Trong đám tang, con rể bà ôm quan tài vợ suy sụp, khóc không thành tiếng. Mới đó mà sáu năm đã trôi qua.
Năm 2014, chồng chị Ngân đi thêm bước nữa. “Con gái tôi trời không thương nên sớm từ giã cõi đời. Cháu Nga (con chị Ngân) cũng cần có bàn tay chăm sóc và tình yêu thương của người mẹ. Gia đình tôi cũng mừng vì cháu đã có mẹ mới, yêu thương như con ruột”, bà Thích chia sẻ.
Tại nhà chồng chị Ngân, anh Phạm Ngọc Ảnh (SN 1980) đi biển mới về. Bên người vợ mới cưới cùng đứa con gái 5 tuổi, anh tâm sự: Khi Ngân còn sống, vợ chồng anh ngoài vài sào ruộng còn trồng dâu nuôi tằm, bao nhiêu hạnh phúc trông ngóng đều dồn vào đứa con đầu lòng. 
Anh cũng túc trực bên vợ trong suốt quãng thời gian sinh nở và hiểu nỗi buồn của vợ khi không có sữa cho con. Nhưng không ngờ lại có thể xảy ra việc đau lòng đến vậy.
Nước mắt lăn trên khuôn mặt sạm đen Ảnh khi nhắc chuyện cũ. Những năm qua, anh vẫn không nguôi ám ảnh về ngày người vợ anh hết mực thương yêu ra đi đột ngột, bỏ lại sinh linh bé bỏng khát sữa mẹ. 
Mẹ chồng Ngân năm nay đã 76 tuổi. Bà rưng rưng: “Ngày ấy, vợ chồng nó yêu thương nhau, đi đâu hai đứa cũng theo nhau, mẹ của bé Nga (tên con gái chị Ngân, anh Ảnh) rất hiếu thảo với mẹ chồng. Tội nghiệp con nhỏ, vừa mới sinh con lại nỡ làm điều dại dột mà bỏ con mình”.   
Người mẹ kế mỉm cười ôm bé Nga vào lòng, mộc mạc: “Nhiều khi thấy ảnh sống cảnh gà trống nuôi con nhỏ, tôi xót xa và thương ảnh. Tôi cũng có tình yêu khi mười tám, đôi mươi, nhưng không thành duyên nợ. Nay, tôi và ảnh đến với nhau để cùng nuôi con, phụng dưỡng mẹ già”.
Anh Ảnh bùi ngùi: “Người mất thì đã mất rồi. Chỉ thương cho đứa trẻ vắng vòng tay chăm sóc của mẹ. Tôi tủi thân và buồn cùng cực. Những lúc ấy, chỉ biết ôm con mà khóc, để tự động viên… Giờ bé đã khôn lớn và sống trong tình yêu thương của mẹ Mơ. Vợ chồng tôi luôn tâm nguyện dù nghèo khó thế nào cũng ráng cho con ăn học nên người”./.

Đọc thêm