Sáng mãi câu chuyện về người thầy thuốc anh hùng

(PLO) - Đó là Giáo sư, Tiến sĩ, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Đại tá, Bác sỹ Nguyễn Thiện Thành (30/9/1919 - 8/10/2013), nguyên Viện trưởng Bệnh viện Thống Nhất TP.Hồ Chí Minh. Câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của ông vẫn sống mãi trong lòng dân, trong trái tim của biết bao thế hệ học trò.
GS Nguyễn Thiện Thành và phu nhân - bà Dương Thị Minh.
GS Nguyễn Thiện Thành và phu nhân - bà Dương Thị Minh.
Người thầy thuốc trong lòng dân
Ông Nguyễn Thiện Thành xuất thân trong một gia đình tiểu trí thức tại xã An Trường, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Ngay từ thuở nhỏ ông đã nức tiếng trong làng là thông minh, hiếu học và có niềm đam mê theo đuổi ngành Y cháy bỏng. 
Phát hiện ra tài năng của Nguyễn Thiện Thành, Chính phủ Pháp đặc cách cho ông chọn một trong ba trường đại học danh tiếng nhất thời bấy giờ để sau này trở thành quan chức của chính phủ Pháp, nhưng ông đã một mực từ chối và chọn học trường y để trở thành thầy thuốc của nhân dân. 
Giọng điệu khảng khái của ông ngày nào vẫn được nhắc lại: “Tôi không muốn học một trong ba trường mà Chính phủ Pháp yêu cầu, tôi chỉ muốn học y khoa, muốn trở thành bác sỹ để phục vụ nhân dân tôi”.
Sinh ra trong hoàn cảnh đất nước thuộc địa, bản thân được Chính phủ Pháp đào tạo học y khoa nhưng trái tim ông Nguyễn Thiện Thành chỉ một lòng đi theo cách mạng chứ nhất quyết không phụng sự chính phủ Pháp. Việc ông từ chối những ngành học danh giá hơn, chọn học ngành y để phụng sự nhân dân, chữa bệnh cứu người cũng phần nào thể hiện chí khí đó của ông. 
Không những làm tròn nghĩa vụ thiêng liêng của người thầy thuốc, ông còn có mặt trong những thời điểm khốc liệt nhất của hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Ở mặt trận nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Năm 1960 Bác sỹ Nguyễn Thiện Thành bảo vệ  thành công luận án Phó Tiến sĩ  tại Viện Thần kinh cao cấp thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Ông cũng liên tiếp là Đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII. Đến năm 1974, ông được thăng quân hàm Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, phong hàm Giáo sư (năm 1980), phong Anh hùng Lao động (năm 1985), và được phong danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân (năm 1989).
Sau ngày giải phóng, Bác sỹ Nguyễn Thiện Thành đảm nhiệm cương vị mới là Viện trưởng Bệnh viện Thống Nhất. Từ đây, ông đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc xây dựng và phát triển Bệnh viện Thống Nhất, đưa nơi đây trở thành Trung tâm y khoa hàng đầu Việt Nam về điều trị ngành Lão khoa, chuyên chăm sóc sức khỏe cho các vị lão thành cách mạng. 
Ông trở thành người khai sáng ra chuyên ngành Lão khoa và bộ môn Lão khoa tại Trường Đại học Y dược TP.HCM ở Việt Nam.
Cuốn sách viết về GS Nguyễn Thiện Thành.
 Cuốn sách viết về GS Nguyễn Thiện Thành.
Đời tôi còn một luận án lớn…
Tên tuổi Bác sỹ Nguyễn Thiện Thành được biết đến nhiều bởi 3 công trình nghiên cứu khoa học nổi tiếng trong nước và thế giới: một là, nghiên cứu và ứng dụng thành công phương pháp Filatov từ nhau thai trị sốt rét cho bộ đội; hai là, nghiên cứu tảo Sprirulina của Việt Nam có tác dụng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người cao tuổi; ba là, khai sáng ra chuyên ngành Lão khoa ở Việt Nam.
Cống hiến trọn đời mình cho nền y học nước nhà, cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, người thầy thuốc tận tụy với nghề ấy vẫn còn luôn đau đáu với sức khỏe của những người anh, người chị, người bạn, người đồng chí thân thương của mình. 
Ông từng trăn trở: “Đời tôi còn một luận án lớn, đó là sức khỏe của thương, bệnh binh, đồng bào, đồng chí miền Nam ruột thịt vẫn đang còn chịu ảnh hưởng đau thương, hậu quả của một thời chìm trong khói lửa chiến tranh”.
Còn nhớ, những năm tháng chiến tranh khốc liệt, là người thầy thuốc, ông luôn ngày đêm tìm tòi nghiên cứu để bào chế ra những loại thuốc chữa bệnh mới trước tình hình kinh tế đất nước còn vô vàn khó khăn. Chế phẩm Filatov điều chế từ nhau thai được ví như một phát minh của nền y học nước nhà thời bấy giờ. Đây được xem là một trong những thành tựu nổi bật nhất, gắn liền với tên tuổi Bác sỹ Nguyễn Thiện Thành.
Người phụ tá, Bác sỹ Lê Văn Đính, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất vẫn còn nhớ như in những câu chuyện mà mình may mắn được làm việc cùng cố Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành. Tháng 6/1973, tại chiến trường miền Nam, trước tình hình căn bệnh sốt rét hoành hành và đe đọa tính mạng bộ đội, Bác sỹ Nguyễn Thiện Thành, thời đó là Viện trưởng Viện Quân y K71, đã mở hội thảo về đề tài này. Trong hội thảo, một bác sỹ báo cáo đề tài nghiên cứu, trong báo cáo có câu: “Bệnh nhân hơi hơi sốt”. Sau khi vị bác sỹ này báo cáo xong, Bác sỹ Nguyễn Thiện Thành đứng lên dõng dạc phản biện: “Hơi hơi sốt là bao nhiêu độ?”. 
Cả hội trường bỗng im phăng phắc, ít phút sau có vài tiếng xầm xì phía dưới. Rồi Bác sỹ Nguyễn Thiện Thành hỏi tiếp: “Hơi hơi sốt là 37,5 độ, 38 độ, 38,5 độ… hay là sao? Tôi sờ lên đầu tôi cũng thấy hơi hơi nóng vì trong vùng này ai mà không bị sốt rét”. Ông còn nhấn mạnh: “Đã làm khoa học thì phải thật chính xác, khoa học không cho phép chúng ta nói như vậy. …Viết cái gì cũng phải thật chi tiết, chính xác chứ không thể dùng từ “hơi hơi” được”.
Và vẫn còn đó những câu chuyện cảm động và thú vị về thầy thuốc mẫu mực, nghiêm khắc mà cũng rất đỗi nhân ái, bao dung Nguyễn Thiện Thành trong quãng thời gian ông làm Viện trưởng Viện Quân y K71. Chuyện rằng, thi thoảng sau một ngày làm việc căng thẳng và mệt mỏi, ông lại mời anh em sang phòng mình uống trà, đàm đạo. 
Mỗi lần như thế là lúc ông đang có tâm trạng. Ông ân cần hỏi han từng người về hoàn cảnh gia đình, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và chia sẻ với anh em những khó khăn, vất vả trong cuộc sống, đôi mắt ông mờ lệ sau cặp kính. Thì ra ẩn sâu trong vẻ bề ngoài cứng cỏi với nghị lực thép của ông là những nỗi niềm đau đáu về thế thái nhân tình…

Đọc thêm