Sạt lở rình rập từng ngày ở miền Tây

(PLVN) - Theo số liệu của Đại học Quốc gia TP HCM, nếu năm 2010, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ có 99 điểm xói mòn sạt lở thì đến năm 2019 đã lên đến 681 điểm (gấp 7 lần). Riêng tại An Giang, từ cuối 2018 đến đầu 2019 có 78 điểm sạt lở, với trên 91,2km bờ sông. 

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam: Tại ĐBSCL, hai tỉnh đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu là An Giang và Đồng Tháp được ghi nhận xảy ra nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng nhất. Thống kê tại An Giang, từ năm 1970 đến năm 2000, khu vực huyện Tân Châu (nay là thị xã Tân Châu) sạt lở đã cướp đi gần 60ha đất, khiến trên 30 người chết và mất tích.

Vừa do thiên tai, vừa do nhân tai

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, các điểm sạt lở này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, gây cản trở giao thông. Sạt lở đã trở thành điểm nóng thu hút sự quan tâm lo ngại của xã hội; là “bài toán” khó; và phải ưu tiên giải quyết hàng đầu với 526 điểm sạt lở, chiều dài gần 800km.

Sạt lở diễn biến phức tạp đe dọa cuộc sống của người dân, tạo sự hoang mang lo lắng trong cộng đồng dân cư
Sạt lở diễn biến phức tạp đe dọa cuộc sống của người dân, tạo sự hoang mang lo lắng trong cộng đồng dân cư 

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ, từ đầu năm 2019 đến nay ở địa phương này xảy ra 20 điểm sạt lở, ảnh hưởng 28 căn nhà, trong đó bảy căn bị sạt hoàn toàn. Tổng chiều dài ảnh hưởng do sạt lở 416m, ước thiệt hại khoảng 12,7 tỷ đồng. Hiện trên toàn TP có khoảng 200 điểm sạt lở; trong đó 50 điểm có nguy cơ cao, đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm.

Giới chuyên môn cho rằng, nguyên nhân khách quan dẫn đến sạt lở là do địa hình và địa chất yếu, cộng với thủy triều và dòng chảy tác động. Vấn đề này rất khó kiểm soát. Tuy nhiên, nguyên nhân chính lại do tác động của con người và hoàn toàn có thể kiểm soát được. Theo GS.TS Trần Linh Thước, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM): Nguyên nhân sạt lở bờ sông do tác động tàu thuyền lưu thông, các công trình gần sông, lấn lòng sông như bến phà, mố cầu, khu dân cư... làm tăng thêm trọng lượng tác động lên bờ sông dẫn đến mất cân bằng, gây sạt lở. 

“Các hồ chứa, thủy điện trên dòng chính sông Mekong cũng làm cho bùn cát, phù sa ngày càng ít. Lại thêm nạn khai thác cát quá mức đang đe dọa đến các bờ sông. Thiếu cát, sạt lở bờ sông sẽ diễn ra nhanh hơn”, ông Thước lo lắng. 

Sạt lở rình tập và đe dọa tính mạng, tài sản người dân bất kỳ lúc nào
 Sạt lở rình tập và đe dọa tính mạng, tài sản người dân bất kỳ lúc nào

Tương tự, GS George Mathias Kondolf (Đại học California, Berkeley, Mỹ) cũng cho rằng, sạt lở ĐBSCL bị tác động bởi các đập thủy điện, hồ chứa trên dòng chính sông Mekong. Điều này khiến hiện tượng xói mòn, sụt lún liên tục xảy ra và không ngừng thu hẹp diện tích đất ĐBSCL.

“Khi 7 đập thủy điện Trung Quốc xây dựng xong thì khoảng 83% lượng trầm tích sẽ bị giữ lại trong hồ chứa, khiến dòng sông Mekong bị giảm gần một nửa lượng trầm tích tự nhiên. Khi Lào, Thái Lan và Campuchia xây dựng hàng chục con đập lớn nhỏ trên cả phụ lưu và dòng chính Mekong thì lượng trầm tích bị giữ lại từ những con đập này chiếm đến 96%, chỉ còn một phần rất nhỏ trầm tích trôi về tới ĐBSCL”, GS George nhấn mạnh.

Cần tìm giải pháp có chi phí thấp

Để đối phó với tình trạng sạt lở gia tăng, thời gian qua các địa phương đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo mang tầm quốc gia cho đến quốc tế để thảo luận nghiên cứu về tình trạng sạt lở bờ sông, đề xuất nhiều giải pháp khả thi, các kinh nghiệm hạn chế xói lở, bồi lắng thông qua các công trình đã triển khai trong thực tiễn: Tập trung nạo vét mở rộng lòng sông phía bờ đối diện, kết hợp xây dựng kè bảo vệ, gia cố khu vực đang sạt lở. 

Với các giải pháp đó, yêu cầu các địa phương cần gấp rút khảo sát, đánh giá mức độ nguy cơ các điểm sạt lở, có nguy cơ sạt lở dọc theo các bờ sông và thực hiện trước giải pháp công trình ngăn chặn nguy cơ sạt lở...

Để hạn chế sạt lở, nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề cấp bách hiện nay là giải pháp công trình. Các địa phương cần triển khai xây dựng các công trình để kè bờ sông phòng chống sạt lở. Theo PGS.TS Nguyễn Phú Quỳnh (Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam), để bảo vệ bờ sông, rạch nơi đông dân cư, cần kè mái nghiêng, kè tường đứng kết hợp mái nghiêng, kè bản sàn, kè tường đứng cừ ván bê tông cốt thép dự ứng lực sẽ chống sạt lở và kết hợp chỉnh trang đô thị. Bảo vệ bờ cho những khu vực có dòng chảy vận tốc lớn, có hố xoáy sâu cần lấp hố xoáy giữ chân mái bờ, sau đó xây dựng thân kè và đỉnh kè như giải pháp công trình bảo vệ trực tiếp kiên cố…

Cần có giải pháp hữu hiệu và kịp thời để ngăn chặn vấn đề này
 Cần có giải pháp hữu hiệu và kịp thời để ngăn chặn vấn đề này

Tại Cần Thơ, UBND TP cũng giao Chi cục Thủy lợi triển khai thêm các tuyến kè chống sạt lở cấp bách trên địa bàn như: Kè chống sạt lở rạch Cái Sơn (quận Bình Thủy) với kinh phí hơn 288 tỷ đồng; hai tuyến khác được UBND TP khảo sát, đồng ý cho thực hiện là kè chống sạt lở sông Ô Môn ở khu vực Thới Lai và kè chống sạt lở sông Trà Nóc thuộc phường Thới An Đông, quận Bình Thủy.

Tuy nhiên, giải pháp công trình lại làm nảy sinh thêm một vấn đề khác là chi phí quá cao. PGS.TS Trịnh Công Vấn (Viện Đổi mới công nghệ thủy lợi Mekong) cho rằng, cần tìm kiếm các giải pháp phòng, chống, khắc phục sạt lở có chi phí thấp, thân thiện với tự nhiên. Từ đó, ông đề xuất thi công thảm cát kết hợp với các bao cát sinh thái xử lý các điểm sạt lở nghiêm trọng, thậm chí người dân có thể tự thực hiện được. Chi phí xử lý các điểm sạt lở do sóng tàu, thuyền (không có hố xoáy sâu) khoảng trên 10 triệu đồng cho 1m dài bờ sông được bảo vệ, trong khi các kè cứng quy mô tương tự cần chi phí từ 40-50 triệu đồng.

Bên cạnh đó, nhiều giải pháp phòng chống sạt lở truyền thống, dân gian, ít tốn kém như đóng cừ dừa, cừ tràm… hoặc từ các vật liệu sẵn có cũng đã và đang được người dân sử dụng để ngăn ngừa sạt lở.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam: Tại ĐBSCL, hai tỉnh đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu là An Giang và Đồng Tháp được ghi nhận xảy ra nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng nhất. Thống kê tại An Giang, từ năm 1970 đến năm 2000, khu vực huyện Tân Châu (nay là thị xã Tân Châu) sạt lở đã cướp đi gần 60 ha đất, khiến trên 30 người chết và mất tích. Tháng 4/2017, khu vực ngã ba sông Hậu và sông Vàm Nao, tại khu vực ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, sạt lở bờ đã kéo theo 16 căn nhà xuống dưới lòng sông Hậu, cắt đứt tuyến đường giao thông liên xã Mỹ Hội Đông - Nhơn Mỹ, gây thiệt hại tài sản ước tính 90 tỷ đồng. Ngày 1/8/2019, cũng tại An Giang một nửa mặt đường Quốc lộ 91 (đoạn thuộc ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú) bị sạt xuống sông Hậu gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Đọc thêm