Sau bao nỗ lực chống ngập, vì sao TP HCM vẫn “thất thủ” với triều cường?

(PLVN) - Đợt triều cường mới tại TP HCM đã đạt kỉ lục cả về mức độ và thời gian ngập. Người dân thành phố cũng chứng kiến tình trạng ngập ngày càng nghiêm trọng qua mỗi năm, mặc dù những dự án chống ngập ngàn tỉ đã triển khai. 
Bao giờ người dân ở TP Hồ Chí Minh có được cuộc sống khô ráo?
Bao giờ người dân ở TP Hồ Chí Minh có được cuộc sống khô ráo?

Ngập đến mức người dân "riết rồi quen"

Từ hàng chục năm nay, người dân Nhơn Đức, Nhà Bè, TP HCM đã sống trong cảnh "quen với triều cường". Nhơn Đức là một khu vực nằm khá tách biệt so với trung tâm, người dân sống ở đây cần di chuyển lên khu vực trung tâm Nhà Bè hoặc quận 7 để đi làm hằng ngày, mỗi tháng sẽ đối mặt với từ 2-4 ngày triều cường nghiêm trọng. Những ngày này, đường ngập gần 1m, hết cả bánh xe, xe cộ chết máy dắt bộ hàng loạt. 

Con đường Lê Văn Lương nối giữa Nhơn Đức đến cầu Phước Kiểng có hàng chục điểm ngập san sát nhau, kéo dài cả cây số. Từ đó, tại đoạn đường nối giữa Nhơn Đức và Phước Kiểng mọc lên một loại dịch vụ khá thức thời. Tại đầu điểm ngập có hai loại hình là xe ba gác máy và xe bán tải để vận chuyển xe máy của người dân qua điểm ngập. 

Chị Nguyễn Thị Thanh Trúc (người dân khu vực Nhơn Đức) chia sẻ: "Tôi sống ở đây hơn 5 năm, cũng không biết chuyện ngập này có từ khi nào, nhưng từ khi gia đình tôi đến là đã gặp rồi. Tháng nào triều cường ngập dữ thì bị 4 ngày, tháng nào ít thì 1-2 ngày.

Vợ chồng tôi đi làm ở quận 7, mỗi lần đi về đoạn triều cường tốn tiền cho dịch vụ chở xe máy là 100 ngàn đồng. Hầu hết người dân đều lựa chọn dịch vụ nay vì không thể dắt xe đi trong nước ngập cả cây số nên những người chở rất ăn nên làm ra, mỗi ngày cả vài trăm lượt chứ không ít".

Hơn một năm nay, con đường Lê Văn Lương được nâng cao nên tình trạng triều cường ngập nghiêm trọng có giảm bớt. Tuy nhiên, người dân chỉ "mừng hụt" được một thời gian ngắn. Đợt triều cường kỉ lục này, con đường Lê Văn Lương lại trở về như cũ, dịch vụ chở xe máy qua "sông phố" còn tấp nập hơn xưa. 

Xã Nhơn Đức, đường Lê Văn Lương không phải là điểm duy nhất của TP HCM phải đối mặt trường kì với tình trạng ngập nước. TP HCM còn rất nhiều con đường nổi tiếng mà hễ mưa, hễ triều cường là ngập, ngập đến mức người dân "riết rồi quen", như đường Phạm Thế Hiển (quận 8), Trần Xuân Soạn (quận 7), đường Phan Huy Ích (Gò Vấp), Lương Định Của (quận 2), Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), Bình Quới Thanh Đa... 

Đặc biệt, sự khốn khổ vì nước ngập càng tăng cao ở thời điểm triều cường kỉ lục vừa qua. Đây là đợt triều cường kỉ lục trong 20 năm, đã kéo dài hàng chục ngày. Ngay cả những con đường trước giờ hiếm ngập như Nguyễn Văn Linh (quận 7), tuyến trung tâm quận 1, ở nhiều con đường như Mễ Cốc, Lò Gốm, Nguyễn Thị Thập, nước ngập từ 40 cm đến hàng mét, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, kinh doanh buôn bán của người dân. Người dân phải thức trắng đêm "canh" nước, phải đối mặt với cảnh dắt bộ xe hàng ngày qua những tuyết đường ngập lụt, đồ đạc hư hỏng và thất thu với kinh tế.

Vì sao càng chống càng ngập nặng?

Đỉnh điểm ngập có lẽ là thời điểm 30/9 vừa qua, khi mà Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, đưa con số triều cường đạt đỉnh tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) là 1,75m, tại trạm Nhà Bè là 1,77m, như vậy triều cường trên sông Sài Gòn đã vượt qua mốc lịch sử 1,72m (năm 2017) trở thành kỉ lục từ trước đến nay.

Nước dân cao khiến nhiều đoạn đê bao bị phá vỡ gây hậu quả nghiêm trọng. Chuyện TP ngập đã không phải chuyện ngày một ngày hai mà là cả một quá trình nhiều năm nay. Không ít giải pháp chống ngập được đưa ra với cả ngàn tỉ, thế nhưng, không hiểu sao càng chống càng ngập, từ một vài điểm ngập, đến nay thành phố gần như rơi vào ngập toàn phần.

Hiện dự án đang được kì vọng là “Giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1)” với tổng vốn đầu tư 10.000 tỉ đồng. Dự án này trọng tâm là đầu tư vào các cống kiểm soát và hệ thống đê bao. TP HCM đã có 40 tuyến bờ bao và sắp tới là xây thêm kè. Dự án hướng đến vừa hỗ trợ chống ngập, vừa thoát nước khi mưa lớn bằng các "siêu máy bơm" tại các cống kiểm soát triều cường.

Bên cạnh đó, thành phố cũng đã và đang tiến hành nâng cấp các con đường quá thấp, ngập nặng và tăng cường máy bơm di động để hỗ trợ tiếp ứng tức thời dành cho các điểm ngập. Tất nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp tức thời. Sau nhiều năm sống chung với ngập mỗi một nặng hơn, người dân đang chờ đợi những giải pháp căn cơ đến từ dự án chống ngập "khủng" nói trên, mà đặc biệt là một kết quả "có thể thấy được bằng mắt thường" chứ không phải trên số liệu báo cáo hay những câu từ "chơi chữ".

ThS.KTS Nguyễn Văn Châu, Hội Kiến trúc sư TP HCM - Giám đốc Công ty Tỷ lệ vàng: 

Nên để người dân cùng chung tay đóng góp ý tưởng chống ngập

Theo tôi, chống ngập không đơn thuần là nâng đường và bơm. Các cơ quan phải phối hợp với nhau để làm việc cho hiệu quả. Hệ thống thoát nước cũ, mới hiệu quả thế nào, còn cải tạo lại được không và dùng cách nâng đường cho khỏi ngập thì nước sẽ thoát tiếp đi đâu hay là sẽ tràn qua khu vực bên cạnh?

Có quan sát hệ thống thoát nước hiện hữu dọc vài con đường lớn tôi thấy nhiều nơi người dân xem miệng cống như thùng rác để ném, lùa rác hết vào đó, trong khi các anh nạo vét thì lại rất cực moi lên từng đoạn. Tốc độ xả rác quá nhanh so với tốc độ khơi thông hệ thống cống cũ, tạo ra cái vòng luẩn quẩn nghẹt cống - nạo vét - xả rác - tắc cống.

Nhiều ý kiến đưa ra là cần học hỏi cách quy hoạch đô thị và xử lý nước thải ở các nước phát triển. Thực tế không phải TP HCM chưa từng đi tham khảo, học hỏi, nhưng đa phần đều là “cưỡi ngựa xem hoa”, hoặc áp dụng chưa đúng vào hiện trạng thành phố. Bởi các nước khác điều kiện khoa học, công nghệ và tài chính tốt nhất là không bị áp lực về dân số và hạ tầng đô thị nên họ xử lý hiệu quả cao vấn đề. 

Theo tôi, cơ quan quản lý nên bỏ thói quen làm việc hô hào, theo phong trào mà phải tập trung vào xử lý, điều chỉnh xuyên suốt, liên tục. Cần cập nhật, điều chỉnh lại các vấn đề không hợp lý và không hiệu quả với các cách giải quyết cũ. Cốt nền, cao độ phải phổ biến và nhanh chóng đưa vào thực tiễn. 

Về giải pháp đang được ưu tiên là bờ bao và kè, theo tôi đó là các yếu tố quan trọng nhưng chưa đủ. Cần giải quyết đồng bộ nhiều vấn đề liên quan mới có hiệu quả cao. Chúng ta cần người tổng chỉ huy phối hợp các ngành, cơ quan để nhịp nhàng, đồng bộ chống lũ. Các dự án liên tục mọc ra và số tiền khủng, nhìn vào là thấy rất hoành tráng nhưng thực ra nó không nói lên được điều gì cả. Tiền càng lớn thì càng cho thấy sự quyết tâm giải quyết vấn đề của chính quyền tuy nhiên ở một góc nhìn khác thì lại cho người dân thấy sự bất lực của các cơ quan quản lý với bệnh trầm kha này. 

Nên hệ thống lại cơ sở dữ liệu, đánh giá thực trạng và đưa vào các kênh thông tin, truyền thông chính thức càng sớm càng tốt. Đây là việc chung, trăn trở của người dân toàn thành phố chứ không chỉ của riêng ai. Những chuyên gia, người có sáng kiến không ít nhưng nhiều khi họ không biết trao đổi, đóng góp cho ai và góp vào đâu. Tôi nghĩ đây là vấn đề cần làm nhanh để Nhà nước mau chóng tìm được ý tưởng hay, thậm chí đặt ra giải thưởng cao cho ý tưởng được áp dụng. Cách này hữu dụng hơn là tổ chức hội thảo lớn để rồi người dự phần đông là đi cho có và sau đó thì vẫn áp dụng cách làm cũ vào dự án.

Đọc thêm