Sẽ có kỳ thi quốc gia vào năm 2015

(PLO) - Bộ GD-ĐT vừa công bố 3 phương án cho kỳ thi quốc gia. Bộ GD-ĐT tiếp tục tiếp thu ý kiến trước khi quyết định chọn phương án cuối cùng dự kiến công bố vào tháng 9 tới.
Sẽ có kỳ thi quốc gia vào năm 2015
Theo đó, phương án 1, Bộ GD-ĐT dự kiến thi 8 môn gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý. Để xét công nhận tốt nghiệp, thí sinh phải bắt buộc thi 4 môn, gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số 5 môn thi còn lại. Ngoài 4 môn này, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác để sử dụng kết quả vào việc tuyển sinh ĐH-CĐ. Dự kiến các năm sau năm 2015 có thể bổ sung các môn thi như giáo dục công dân, công nghệ, tin học và môn ngoại ngữ sẽ là môn thi bắt buộc. 
Phương án 2 sẽ tổ chức thi với 5 bài thi, trên cơ sở tổng hợp từ kiến thức, kỹ  năng của 8 môn học toán, ngữ văn, ngoại ngữ, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý. Các bài thi gồm bài thi toán, ngữ văn, ngoại ngữ, bài thi tự nhiên (tổng hợp từ các môn học vật lý, hóa học, sinh học) và bài thi xã hội (tổng hợp từ các môn lịch sử, địa lý). 
Các năm sau năm 2015, nếu chọn phương án “thi theo bài” này, Bộ GD-ĐT cũng sẽ bổ sung kiến thức của các môn giáo dục công dân, công nghệ, tin học vào các bài thi và chuyển dần từ việc ra câu hỏi độc lập của mỗi môn thi bằng câu hỏi có tính tích hợp kiến thức liên môn. Với phương án này, thí sinh sẽ phải bắt buộc thi 4 bài để xét tốt nghiệp THPT gồm bài thi toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 bài tự chọn trong số bài thi tự nhiên hoặc xã hội
Phương án 3 sẽ có 4 bài thi tổng hợp kiến thức, kỹ năng từ 11 môn học của lớp 12 THPT gồm toán, ngữ văn, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, tin học, công nghệ, ngoại ngữ. Các bài thi sẽ gồm bài thi toán-tin ( gồm môn toán và môn tin), bài thi khoa học xã hội ( gồm ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân), bài thi khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ) và bài thi ngoại ngữ.
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, phương án 3 gọn nhẹ hơn (thi trong 4 buổi, với 2 ngày). Nhưng khó khăn cơ bản là giáo viên và học sinh chưa kịp chuẩn bị đón nhận cách thức thi nên có thể gây lo lắng. 
Điểm đổi mới quan trọng của cả ba phương án trên là môn ngoại ngữ sẽ là môn thi bắt buộc nằm trong số các môn thi tốt thiểu để xét tốt nghiệp THPT, đồng thời sử dụng kết quả tuyển sinh ĐH-CĐ. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Vinh Hiển, trước mắt, những học sinh, nhà trường chưa đủ điều kiện về dạy học ngoại ngữ thì không bắt buộc phải thi môn ngoại ngữ và cũng không phải thi môn thay thế môn nọoại ngữ như đã quy định ở các kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đây.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết Bộ dự kiến kỳ thi quốc gia sẽ diễn ra vào tuần thứ 2 của tháng 6 hàng năm.
Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH sư phạm Hà Nội cho rằng trong phương án do Bộ đề xuất theo hướng “thi theo bài” cũng đặt ra các bước ban đầu sẽ chỉ tổng hợp câu hỏi của các môn khác nhau trong bài thi tổng hợp liên môn. Chỉ sau khi việc dạy học ở bậc phổ thông đã điều chỉnh thì đề thi mới ra theo các câu hỏi mang tính tổng hợp, vận dụng kiến thức liên môn. Vì vậy sẽ không bị xáo trộn như lo lắng của nhiều người. Theo ông Minh, phương án 2 là phương án có thể thực hiện được ngay trong năm tới.
Về phía các trường ĐH, ông Minh lo ngại, khi tự ra đề, tự chủ tuyển sinh có thể sẽ tái diễn tình trạng bùng nổ luyện thi, học thêm 

Đọc thêm