Số phận bi tráng của 10 nguyên soái “khai quốc công thần” Trung Quốc và 49 bà vợ (Kỳ cuối)

(PLO) - Mười vị đó là: Chu Đức, Bành Đức Hoài, Lâm Bưu, Lưu Bá Thừa, Hạ Long, Trần Nghị, La Vinh Hoàn, Từ Hướng Tiền, Nhiếp Vinh Trăn, Diệp Kiếm Anh. Tuy nhiên, cùng với lịch sử đầy biến động của Trung Quốc, số phận những vị “khai quốc công thần” này cũng đầy thăng trầm và có những người phải chịu oan khuất nơi chín suối. 
“Nguyên soái trí tuệ” Nhiếp Vinh Trăn với “một thê, một thiếp”
Nhiếp Vinh Trăn (1899-1992) quê Tứ Xuyên, được gọi là vị nguyên soái “phúc thọ song toàn trí tuệ thâm”. Ông từng trải nhiều, lắm chức vụ, về hưu muộn và trường thọ. Năm 1919, ông xuống tàu biển từ Thượng Hải sau 2 tháng lênh đênh trên biển mới tới được Mac-xây (Pháp) để vừa làm vừa học. 
Tại Pháp ông quen và tham gia hoạt động với Thái Hòa Sâm, Trần Nghị…Năm 1924, Nhiếp Vinh Trăn sang Liên Xô học ở trường Đại học Phương Đông, rồi chuyển sang trường Hồng quân. Năm 1925, ông về nước làm giáo quan Trường quân sự Hoàng Phố. Năm 1927 ông bắt đầu rời trường để trở thành cán bộ chỉ huy chiến đấu, tham gia nhiều chiến dịch, trên nhiều chiến trường.
Sau 1949, ông là Thị trưởng Bắc Kinh, Phó Tổng Tham mưu trưởng. Sau khi được phong Nguyên soái, từ 1956 Nhiếp Vinh Trăn là Chủ nhiệm Ủy ban công nghiệp quốc phòng, Phó thủ tướng, Phó chủ tịch Quân ủy, phụ trách ngành công nghiệp quốc phòng, có công đầu trong việc chế tạo tên lửa, phóng vệ tinh. Năm 1987, khi bị bệnh ông mới xin nghỉ ở tuổi 88. Nhiếp Vinh Trăn chết ngày 14/5/1992 vì bệnh tim, thọ 93 tuổi.
Về đời riêng, khác với các nguyên soái khác, Nhiếp Vinh Trăn rất chỉn chu. Người vợ được cha mẹ cưới cho vào năm 1919 là bà Long Thăng Hiền, không có con. Sau khi Nhiếp Vinh Trăn bỏ nhà đi hoạt động, không bao giờ quay về với bà nữa, bà vẫn ở lại chăm sóc cha, mẹ chồng, giữ lại hết những vật dụng của ông. 
Sau khi cách mạng Trung Quốc thành công, Nhiếp Vinh Trăn hàng tháng đều gửi ít tiền về cho bà sinh sống. Các con của Nhiếp Vinh Trăn đều đã về thăm “mẹ cả”, đến năm 1988 thì bà qua đời.
Đầu năm 1928, trong một lần giảng bài cho cán bộ ở Hongkong, Nhiếp Vinh Trăn khi đó 28 tuổi đã gặp cô nhân viên cơ yếu xinh đẹp 18 tuổi Trương Thụy Hoa người Hà Nam. Hai người vừa gặp liền yêu nhau và về sống cùng nhau không người mai mối, không sính lễ, không đám cưới, chỉ có duy nhất Chu Ân Lai đến thăm “tổ ấm” của họ, coi như người làm chứng. 
Thế mà họ sống hạnh phúc với nhau suốt 64 năm. Bà từng là Ủy viên Ủy ban kiểm tra kỷ luật TW, đại biểu quốc hội, Ủy viên thường vụ Chính Hiệp. Nhiếp Vinh Trăn mất được 2 năm thì bà Trương cũng vĩnh biệt trần thế. 
Con gái họ là Nhiếp Lực, Trung tướng, từng là Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng thư ký Ủy ban Khoa học kỹ thuật công nghiệp quốc phòng; con rể là Đinh Hằng Cao từng là Thượng tướng, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học kỹ thuật quốc phòng, Viện sĩ viện công trình Trung Quốc.
Diệp Kiếm Anh – “Nguyên soái đa thê” với 9 bà vợ và “hồng nhan”
Nói về Diệp Kiếm Anh (1897-1986), ông Mao Trạch Đông từng nhận xét “Gia Cát nhất sinh duy cẩn thận, Lã Đoan đại sự bất hồ đồ” với ý khen ông là người nghiêm túc cẩn thận.
Diệp Kiếm Anh sinh trong gia đình một tiểu thương ở Mai Huyện, Quảng Đông, năm 1917 vào học Vân Nam giảng võ đường, năm 1920 tham gia quân đội của Tôn Trung Sơn, thành lập trường Hoàng Phố. Ông tham gia chinh chiến liên miên rồi năm 1928 sang Liên Xô học Đại học Phương Đông, cuối năm 1930 về nước giữ các chức vụ quan trọng trong quân đội.
Trước ngày giải phóng ông là Bí thư Phân cục Trung Nam, Tư lệnh kiêm chính ủy Quân khu Quảng Châu. Về sau ông giữ nhiều chức vụ quan trọng như Bí thư TWĐ, Phó chủ tịch Quân ủy, Phó chủ tịch Đảng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Tháng 2/1976 Diệp Kiếm Anh bị buộc “nghỉ hưu chữa bệnh”, nhưng tháng 10 năm đó ông đã ra tay tổ chức bắt “Bè lũ 4 người”, chấm dứt CMVH. 
Sau đó, ông là Phó chủ tịch Đảng duy nhất và Chủ tịch quốc hội, trở thành nhân vật số 2 ở Trung Quốc chỉ sau Hoa Quốc Phong. Tháng 9/1985 ông từ chức vì vấn đề sức khỏe; ngày 22/10/1986, Diệp Kiếm Anh qua đời vì bệnh ở Bắc Kinh ở tuổi 89.
Trong sự nghiệp, Diệp Kiếm Anh nổi tiếng là người cẩn thận, nhưng trong đời sống riêng, ông lại khá phóng túng: có tới 6 bà vợ chính thức và thêm 3 “hồng nhan” bên cạnh.
Khi ở quê, mới bước vào tuổi thanh niên, ông đã được cha mẹ cưới cho một cô vợ, nhưng hai người không có con.
Đầu năm 1924, Diệp Kiếm Anh kết hôn với bà Phùng Hoa, một nhân viên y vụ ở Quảng Châu và sinh được 2 người con là Diệp Tuyển Bình (sau là Tỉnh trưởng Quảng Đông, Phó chủ tịch Chính Hiệp toàn quốc) và Diệp Sở Mai (lấy chồng là Trâu Gia Hoa, Phó Thủ tướng).
Năm 1927, ông vào đảng ở tuổi 30 và cưới nữ chiến sỹ 18 tuổi “đẹp như thiên tiên” Tăng Hiến Thực (1910- 1989), hậu duệ của Tăng Quốc Phiên, Bà sinh được Diệp Tuyển Ninh, sau là tướng ở Tổng bộ Chính trị. Sau 1949 bà Tăng Hiến Thực là Phó chủ tịch Hội phụ nữ Trung Quốc.
Năm 1937, tại Diên An, Tham mưu trưởng Bát lộ quân 40 tuổi Diệp Kiếm Anh kết hôn với Nguy Hồng Chi (1905-1973) nữ cán bộ Hồng quân 32 tuổi. Họ không có con cùng nhau.
Tháng 1/1939, Diệp Kiếm Anh về Quảng Châu công tác ở  Nam Phương Cục, 1 năm sau ông kết hôn với Ngô Bác, nữ nhân viên cơ yếu. Bà sinh được con gái là Diệp Hướng Chân.
Năm 1948, Diệp Kiếm Anh tới ngoại thành Bắc Kinh, chuẩn bị cho công tác tiếp quản thủ đô. Tại đây ông cưới Lý Cương, học viên trường quân sự Hoa Bắc, sinh 2 người con là Diệp Tuyển Liêm (sau là Chủ tich HĐQT công ty Quốc Diệp, Thâm Quyến) và con gái Diệp Văn San (sau là Phó chủ tịch HĐQT công ty đầu tư Hoa Kiều Hải Nam).
Ngoài 6 bà vợ có cưới xin đàng hoàng, theo Nhân dân nhật báo, sau 1955, Diệp Kiếm Anh không lấy thêm ai nữa, nhưng bên cạnh ông lần lượt có thêm 3 người phụ nữ sống chung, chủ yếu chăm sóc cuộc sống cho ông, nhưng họ không có danh phận chính thức, họ có sinh con hay không cũng không rõ. Theo con gái nuôi của Diệp Kiếm Anh là Đới Tình, người bạn gái cuối cùng của Diệp Kiếm Anh kém ông 60 tuổi.
Chính vì cuộc sống đời thường nhiều vợ và bạn gái như thế nên Diệp Kiếm Anh còn được gọi là “Hoa soái” (nguyên soái đào hoa). Theo Tân Hoa xã, năm 1986, khi Diệp Kiếm Anh mất, cả 6 bà vợ và người bạn gái cuối của ông đều còn sống, mạnh khỏe cả. 
Khi Bộ Chính trị họp bàn về tổ chức lễ tang ông, có bàn chuyện lập danh sách thân quyến ông để mời dự lễ. Nguyên soái Nhiếp Vinh Trăn khi đó được giao phụ trách đã quyết định không mời ai để tránh rắc rối. 
Trước những lời bàn tán dị nghị trong dư luận xã hội, ông Diệp Tuyển Bình sau đó đã phải ra văn bản tuyên bố, nêu rõ: “Đó không phải là ý kiến của chúng tôi, những người con, người cháu. Đó là quyết định của trung ương đảng. Con cháu chúng tôi hiện nay vẫn giữ quan hệ tốt đẹp với cả 7 bà”…/.

Đọc thêm