Sơ tán hơn 150.000 người dân tránh bão số 7

(PLVN) - Các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An lên phương án sơ tán hơn 150.000 dân trước khi bão số 7 đổ bộ.
Ngư dân Thanh Hóa hối hả sơ tán thuyền tránh cơn bão số 7. Ảnh Lao động.
Ngư dân Thanh Hóa hối hả sơ tán thuyền tránh cơn bão số 7. Ảnh Lao động.

Sáng 14/10, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng đã tổ chức họp triển khai các nhiệm vụ ứng phó bão số 7 ở miền Bắc và Bắc Trung bộ, khắc phục hậu quả mưa lũ ở miền Trung. 

Hơn 150.000 người sơ tán tránh bão số 7

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đến 6h sáng 14/10, 7 tỉnh gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An đã cấm biển.

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, để ứng phó bão và mưa lũ, đến sáng nay, TP Hải Phòng đã di dời 90 người ở khu vực nguy hiểm trên đảo Cát Hải đến nơi an toàn. 6 tỉnh khác cũng đã lên kế hoạch tổ chức di người dân tại các khu vực ven biển, vùng trũng thấp trong sáng nay.

Trong khi đó, tỉnh Thái Bình sẽ sơ tán 3.019 người tại các bãi ngao, đầm thủy sản ven sông, ven biển; Nam Định sẽ sơ tán 1.100 người tại các bãi ngang, chòi canh đầm thủy sản ngoài đê.

Hiện tỉnh Ninh Bình đang sơ tán 412 người dân tại khu nuôi ngao Bình Minh III đến Cồn Nổi, dự kiến xong trước 12h trưa nay.

Riêng tỉnh Thanh Hóa có kế hoạch sơ tán số dân trong phạm vi cách bờ biển 200m với tổng cộng lên tới 10.824 hộ (khoảng 46.760 người) và tỉnh Nghệ An sơ tán 12.341 hộ với khoảng 102.112 người.

Gần 46.000 tàu thuyền đã vào bờ tránh bão

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tính đến 6h sáng 14/10, các lực lượng ở tuyến biển đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 31.096 tàu thuyền với 115.607 lao động biết thông tin vị trí bão số 7 để di chuyển, thoát khỏi vùng nguy hiểm. 

Hiện vẫn còn 330 tàu với 700 lao động đang hoạt động trên biển, nhưng chủ yếu hoạt động ven bờ ở Quảng Ninh và đang di chuyển về bờ. Còn lại, khoảng 45.805 tàu với 200.767 lao động đã trở về bờ an toàn. 

Ông Nguyễn Xuân Dũng, Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, rằng các địa phương có phương án neo đậu để đảm bảo an toàn. Tuyệt đối không để người dân ở lại trên tàu thuyền, chòi canh. 

Theo ông Dũng: “Nếu chủ quan mà để xảy ra như tàu Vietship phải dùng trực thăng cứu là rất nguy hiểm. Đối với vấn đề sạt lở đất cũng vậy, chỗ nào có nguy cơ phải rà soát, di dời ngay, tránh hậu quả đáng tiếc”.

Trong khi đó, ông Vũ Xuân Thành, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, nói với bão số 7 cần tập trung để ứng phó, đặc biệt các tàu thuyền tại Quảng Ninh còn hoạt động, do đó cần quyết liệt yêu cầu các tàu thuyền vào bờ.

Đọc thêm