Sống gối đầu lên đời nhau: Và nỗi niềm cả hai thế hệ

(PLVN) - Người Việt nói riêng và người dân Á Đông nói chung vẫn có những quan niệm “thâm căn cố đế” về mối quan hệ cha mẹ - con cái. Trong mối quan hệ ấy, những nghĩa vụ, trách nhiệm, tình thương… chằng chịt lấy nhau, có những lúc đem lại niềm vui, ấm áp, nhưng cũng có lắm khi đầy mệt mỏi và đắng cay.
Chàng MC quỳ xuống xin mẹ cho mình được tự do quyết định cuộc sống trong một chương trình truyền hình .
Chàng MC quỳ xuống xin mẹ cho mình được tự do quyết định cuộc sống trong một chương trình truyền hình .

Nuôi con trăm tuổi, lo 99 năm

Đó là một câu nói khá quen thuộc trên cửa miệng người Á Đông. Với đa phần người dân châu Á, cha mẹ mang trách nhiệm rất lớn đối với cuộc đời của con cái. Đó không chỉ là viêc “sinh thành, dưỡng dục”, mà là cả “dựng vợ gả chồng”, rồi lo lắng cho con một cuộc đời êm ấm về sau.

Trong một chương trình truyền hình gần đây, khán giả đã ngỡ ngàng khi chứng kiến câu chuyện một nam MC tiết lộ, 30 tuổi vẫn ngủ chung với mẹ, mẹ quyết định hết mọi chuyện trong cuộc sống, và áp lực đến mức anh này ngay trong chương trình phải quỳ xuống xin mẹ cho mình được tự do quyết định cuộc đời mình. 

Hay như chuyện vợ chồng ông Trần Văn Tú, bà Lê Thị Duyên ở Long Thành, Đồng Nai. Có hai người con, một trai một gái, ông bà nuôi chu cấp tiền bạc thoải mái cho học hết Đại học. Ra trường rồi, cô con gái học khá, nhanh nhẹn nên tự xin việc ở TP.HCM.

Còn con trai học không giỏi, không có chí tiến thủ, ông bà dành dụm tiền nhờ người em họ chạy vạy vào làm chân quản kho ở một công ty nhà nước. Rồi con gái thì lấy được chồng làm ăn khấm khá, con trai thì phải nhờ người làm mai, lấy được cô gái hiền lành.

Mới đây, hàng xóm thấy bà khăn gói quả mướp lên Sài Gòn, hỏi thì bà nói con gái mới sinh con, bà lên chăm cháu. Còn ông thì phải đóng cửa sạp rau củ để sang giúp thằng con trai cơm nước, vợ nó sinh đã chuyển về nhà mẹ đẻ để tiện chăm nom nên không ai nấu cơm cho “thằng bé” đi làm về ăn, nó ốm sút cân cả tháng nay.

Câu chuyện nhà ông bà Tú - Duyên nghe có vẻ rối rắm, buồn cười, nhưng thực chất nó là chuyện khá phổ biến trong đời sống người Việt. “Lo cho con từ A - Z” đã nằm trong tiềm thức của nhiều người Việt, từ hàng trăm năm nay, và rất nhiều người coi đó là “chuyện đương nhiên”.

Vì thế, mới có chuyện những bậc cha mẹ, con còn bé thì lo con miếng ăn giấc ngủ, chuyện học hành, con lớn lên rồi, nhiều khi chạy chọt giúp con xin việc, chọn giúp con cả dâu rể. Con có gia đình thì xúm vào trông cháu cho con. Làm lụng cả đời vất vả, không dám chi tiêu cho bản thân, cũng là để “dành phần” cho con cái, để con khỏi phải cực nhọc, vất vả. 

Lẽ dĩ nhiên, việc cha mẹ thương con, lo lắng cho con là chuyện đáng quý, đáng trân trọng. Những tấm lòng cha mẹ Việt dành cho con cái đã làm nên bao câu chuyện, tấm gương đầy cảm động. Nó khiến cho người Việt có quyền tự hào về một nền tảng gia đình vững chãi, những mối quan hệ chặt chẽ, bền lâu. Thế nhưng, mặt trái của những quan hệ ràng buộc gia đình như thế, thì có lẽ hầu hết người Việt cũng hiểu rõ.

Chính sự bảo bọc, chăm nom quá mức, lo lắng hết mình đã dẫn đến hệ lụy không nhỏ. Nhiều người con, vì được sống trong sự chăm lo đến mất đi khả năng tự lập. Nếu như hầu hết các gia đình phương Tây, cha mẹ chỉ nuôi con học hết phổ thông, còn đại học đa phần vừa học, vừa làm, phần kiếm tiền tiêu xài, chi phí, phần nâng cao kĩ năng, và đến khi đi làm tự lập hoàn toàn.

Ngược lại, rất nhiều bạn trẻ Việt, học đại học thoải mái vung tay tiêu tiền cha mẹ, đến khi ra trường, đi làm, lập gia đình vẫn “kí sinh” ở mái nhà cha mẹ, trên đồng tiền cha mẹ vất vả làm ra. Thậm chí, trên nhiều diễn đàn, có cả những người con lên tiếng trách móc gia đình mình không giàu có như “nhà người ta”, lập gia đình cha mẹ không cho được đồng tiền lận lưng, mua nhà phải vay mượn, hay sinh con ra mà nội ngoại “không biết điều” nên chẳng phụ giúp chăm nom.

Rồi nữa, còn cả tâm lý “hy sinh đời bố củng cố đời con”, cha mẹ lao động cật lực, kiếm tiền bằng mọi giá để lại cho con, bất chấp hạnh phúc, sức khỏe của bản thân, thậm chí kiếm tiền phi pháp. Để rồi, những đứa con, những cậu ấm cô chiêu ăn chơi nhảy múa trên số tiền “trên trời rơi xuống”, người thì sa đọa, kẻ thì lãng phí đời, đánh mất nhân cách. Những đồng tiền cha mẹ “hy sinh” đời mình dành cho con cũng không đem lại cho con hạnh phúc như họ kì vọng.

Đừng đặt gánh nặng lên vai con

Tại Trung Quốc, những năm gần đây đã có nhiều chuyên gia xã hội học lên tiếng về một thực trạng đang diễn ra trong rất nhiều gia đình. Từ chính sách sinh con một do thời điểm bùng nổ dân số, giờ đây nhiều người Trung Quốc đang phải gánh một gánh nặng lớn: Một người con trong gia đình vừa phải nuôi dưỡng cha mẹ già, vừa phải “gánh” thêm ông bà nội ngoại, bởi gia đình nhiều thế hệ “độc đinh”.

Nhiều người con phải “kêu trời” vì gánh nặng quá sức lên vai, nó gây ra nhiều nỗi niềm, thậm chí cả bi kịch cho những cuộc đời vì phải gánh vác lẫn nhau: Cha mẹ ông bà dồn sức nuôi dưỡng con cháu, con cháu gánh trách nhiệm cả gia đình ba thế hệ lúc trưởng thành.

Một vụ bạo hành cha mẹ khi con cái chỉ có trách nhiệm chăm nom mà không có tình thương.
 Một vụ bạo hành cha mẹ khi con cái chỉ có trách nhiệm chăm nom mà không có tình thương.

Loại trừ vấn đề về chính sách dân số, thì từ câu chuyện của người Trung Quốc, có thể thấy được sự bất cập trong quan niệm gia đình của người châu Á nói chung. Rất nhiều bậc cha mẹ có quan niệm, cả cuộc đời phải hy sinh cho con, định đoạt mọi thứ, sắp đặt tương lai cho con, để rồi con cái sau này có trách nhiệm nuông nấng, chăm sóc cha mẹ về già.

Câu nói “sinh con đi để về già có chỗ nương tựa” cũng trở thành một câu cửa miệng nhiều người nói với nhau. Nó cho thấy tâm lý “tình thương đánh đổi” của không ít người Việt: Nuôi con, chăm con, hết lòng lo cho con, mong muốn về già mình được đền đáp ơn sinh thành, được con cái lo lắng, chăm nom chu toàn, như cha mẹ đã dốc tất thảy cho con!

Thoạt nhìn, tư tưởng ấy có vẻ hợp lý, bởi dành cuộc đời cho con, thì cha mẹ cũng mong được nhận lại những điều tốt đẹp lúc về già, đó là tâm lý đương nhiên. Nhưng, nếu đào sâu hơn, sẽ thấy suy nghĩ và cách sống này không ổn. Nếu như hệ lụy của việc quá chăm lo, bao bọc, che chở cho con từ lúc mới ra đời cho đến khi lớn tuổi tạo ra những thế hệ ỉ lại, ích kỉ, thì việc đặt gánh nặng trách nhiệm lên con cũng có hệ lụy là khiến những người con áp lực nặng nề, không được sống trọn vẹn phần đời của mình.

Không chỉ thế, vì coi con cái là “bảo hiểm về già” của mình, nên không ít bậc cha mẹ dồn toàn lực cho con, không có sự chuẩn bị cho mình một cuộc sống về già độc lập. Để rồi, dồn tiền bạc, dồn sức khỏe cho cuộc sống của con, khi con cái không như ý nguyện, cha mẹ coi như trắng tay, bất hạnh, không nơi nương tựa về già. 

Đã biết bao nhiêu bi kịch gia đình xảy ra khi con cái “bị” cha mẹ chăm lo đến mức áp đặt, phải sống luôn phần đời của cha mẹ. Học hành, làm việc theo mong muốn cha mẹ. Lập gia đình vì cha mẹ vui lòng, vì bạn đời hợp ý và có thể chăm nom cho cha mẹ. Cả cuộc đời gắn với mong muốn, yêu cầu của cha mẹ mà không vun đắp hạnh phúc cho chính mình.

Và cũng không hiếm câu chuyện con cái nuôi cha mẹ như trách nhiệm mà không có tình thương, dẫn đến áp lực, bực tức, xả giận bằng cách bạo hành cha mẹ. Rồi những cha mẹ già đem hết tài sản, nhà cửa cho con, bị con đuổi ra khỏi nhà, sống lây lất nhờ tình thương xã hội...

Hạnh Phương Julia, 32 tuổi một cô dâu Việt sống ở Mỹ chia sẻ những đúc kết của mình về khác biệt trong mối quan hệ cha mẹ - con cái giữa Việt Nam và phương Tây rất đáng để tham khảo: “Khi làm dâu trời Tây, sống ở nhà chồng nhiều năm, tôi nhận ra cha mẹ mình và nhiều bậc cha mẹ Việt khác thật khổ.

Khi còn trẻ không sống đời riêng của mình, tất cả đều giành cho con. Khi về già thì “hên xui”, con có hiếu thì được nhờ, còn không thì đành chịu trận. Còn cha mẹ Tây, họ sướng lắm. Họ dạy con tự lập từ bé. Họ chăm lo, yêu thương con, những vẫn sống cho bản thân mình. Con vừa đủ tuổi tốt nghiệp Trung học là họ hầu như hết trách nhiệm, họ dành thời gian cho nhau, cho bạn bè, du lịch. Tiền bạc họ không dồn hết cho con mà để dành phòng rủi ro, đau yếu, bệnh tật.

Vì thế, khi trẻ, họ vẫn được sống là chính mình. Lúc về già, họ vẫn có độc lập, có niềm vui. Như cha mẹ chồng của tôi, giờ đây họ dành thời gian và lương hưu để cùng nhau du lịch khắp thế giới. Tôi nghĩ, đến khi nào các bậc cha mẹ Việt cởi thoát tâm lý phải lo cho con cả đời, đặt cược đời mình vào con thì mới có được hạnh phúc thực sự”.

Đọc thêm