Sống lênh đênh mặt nước, chết chôn bãi nổi lòng sông

(PLO) - Khi cả nước đang hân hoan đón chào những ngày lễ lớn thì ở xóm chài nghèo Vạn Vỹ (Trung Châu, Đan Phượng, Hà Nội) dường như chẳng mấy ai quan tâm. Với họ chỉ có con tôm, con cá, thời tiết mưa nắng mới làm họ bận lòng. Bởi cuộc mưu sinh quá vất vả, quanh năm lênh đênh sông nước đã khiến họ tách biệt với cuộc sống đời thường. Họ chỉ mong có một chỗ trú chân trên cạn.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà những người dân làng chài Vạn Vỹ tự đặt cho mình cái tên “Quốc đảo”.  Bởi cách Thủ đô Hà Nội không xa nhưng những  người dân nơi đây vẫn sống không điện, không nước, không trường, không bệnh xá… chẳng khác nào trên một hòn đảo tách biệt với thế giới bên ngoài. Chẳng có mảnh đất cắm dùi, họ phải lênh đênh sông nước hàng trăm năm qua, đời cha nối tiếp đời con.
Những ngôi nhà nổi lênh đênh trên mặt nước của cư dân làng chài Vạn Vỹ.
Những ngôi nhà nổi lênh đênh trên mặt nước của cư dân làng chài Vạn Vỹ. 
“Quốc đảo” thiếu thốn trăm bề
Theo lời kể của một cụ cao niên thì làng được hình thành cách đây hàng trăm năm. Xuất phát từ những người dân sống ven sông Hồng ở thôn Ðại Thần (xã Ðồng Tháp, Ðan Phượng, Hà Tây cũ) chuyên nghề chài lưới mưu sinh. Sau này làng sáp nhập với làng Ðịch Vỹ (xã Phương Ðình, Ðan Phượng). Khoảng năm 1945, làng sáp nhập với xã Trung Châu, trở thành làng chài Vạn Vỹ. Cha truyền, con nối, người dân nơi đây vẫn bám riết với nghề chài lưới dọc sông Hồng.
Những năm trước, làng có khoảng hơn trăm hộ dân. Họ sống thành từng cụm rải rác từ cầu Thăng Long (Hà Nội) lên đến cầu Việt Trì (Phú Thọ). Nhiều gia đình ngược lên phía Bắc, gặp điều kiện thuận lợi đã lên bờ làm ăn, sinh sống. Hiện nay, làng vẫn còn 47 hộ sinh sống hoàn toàn trên thuyền.
Cụ Trần Văn Yên, tuổi ngoài 70 vẫn cùng con, cháu sinh sống kiếm ăn trên khúc sông này, là một trong những gia đình khó khăn nhất. Con cái cụ cũng đã đến tuổi trưởng thành và xây dựng gia đình gần hết. Đứa “thoát ly” lấy chồng tận Hà Giang xa xôi, những đứa còn lại vẫn cùng vợ con bám chài trên sông. Gia tài chẳng có gì, chỉ có vài mảnh lưới giăng câu và chiếc thuyền trú mưa, trú nắng. 
Chiếc thuyền chỉ tầm vài ba mét vuông trống rỗng chỉ có góc bếp ở đầu thuyền với mấy cái xoong nồi cũ kỹ, cáu bẩn. Phía trên treo mấy bộ quần áo nát nhàu, bạc phếch, nhuốm màu thời gian. Phía trong lòng thuyền dưới mái tôn che tạm chỉ là chiếc chiếu trải giữa nhà lấy chỗ ngả lưng. Cuộc sống không điện, không đài, không ti vi, không gì cả cứ lầm lũi trôi qua.
Tiếp chúng tôi bằng cốc nước sông đun vội, với khuôn mặt nhăn nheo khắc khổ, cụ kể: “Tính đến nay gia đình tôi đã năm đời lênh đênh sông nước. Thế nhưng, ước mơ lên bờ vẫn cứ xa vời vợi. Gặp may, ngày kiếm được dăm cân tôm, cá còn có tiền đong gạo, mua rau. Những hôm mưa bão hay trời động, không tôm, cá, không có gạo ăn đành phải đi vay hoặc mượn tạm qua bữa. Điện đài chẳng có, tối đến cứ như hũ nút. Quanh năm suốt tháng trung thành với cây đèn dầu, nhưng cũng phải dùng thật là tiết kiệm”.
Thiếu cái ăn còn có thể vay mượn, nhưng những ngày bão gió thì lo sợ vô cùng. “Giờ tuy đã được lên bờ mấy năm nay nhưng tôi vẫn còn nhớ như in mỗi lần giông bão. Cả xóm chài nháo nhác, cuống cuồng chống bão. Những người đàn ông phải ngụp lặn dưới sông để giằng giữ neo không cho thuyền trôi. Trẻ con và người già trên thuyền sợ sệt, khóc gào. Nhưng những trận bão lớn nhiều khi cũng phải bỏ của chạy lấy người. Sau mỗi lần bão tan, xóm chài tang thương, của mất đôi khi người cũng mất. Ai may mắn còn tìm thấy xác, còn không thì lại làm mồi cho cá giữa sông sâu”, cô Thụy xót xa nhớ lại.
Phần lớn dân làng đều phải lấy nước sông Hồng làm nước sinh hoạt. Rác thải lềnh bềnh, động vật chết trôi sông, nguồn nước bị ô nhiễm vẫn phải sử dụng. Cách duy nhất giúp nguồn nước ăn uống sạch hơn là dùng phèn chua lóng nước. Mỗi thuyền có một vài chum trữ nước. Thường dân chài đánh thuyền ra giữa dòng lấy nước cho sạch bỏ phèn vào trong rồi nấu cơm, tắm giặt. Họ đều biết, nước đó chẳng sạch sẽ gì nhưng không dùng thì lấy gì để mà ăn uống. 
Cũng chính vì sử dụng nước sinh hoạt đó, cuộc sống vất vả nên nhiều người dân làng chài mắc bệnh. Nhẹ thì đau mắt, đường ruột, nặng thì viêm phổi, ung thư… 
Cái ăn đã đói, cái chữ cũng chẳng được no. Hầu hết những “nam thanh, nữ tú” hay những cụ già nơi đây đều mù chữ. Những giấy tờ quan trọng còn phải điểm chỉ như thời xưa. Bọn trẻ ngày nay cũng được tới trường nhưng chỉ là số ít. Bởi vì dân chài sống nghề sông nước lại nay đây mai đó, họ không cố định trên một khúc sông mà phải rong ruổi kiếm ăn. 
Trên xóm lênh đênh này làm gì có thầy mà dạy. Muốn học cái chữ cũng phải mất non nửa ngày chèo thuyền, vượt cạn mới đến được trường. Vì thế, chỉ gia đình nào may mắn có anh em thân cận trên bờ mới dám gửi con cho đi học, nhưng đa số trường hợp học xong rồi không quay trở về khúc sông.
Người sống đã vậy, người chết còn khổ hơn. Trẻ em chết đuối ở làng chài này không hiếm, người lớn còn phải mưu sinh, thả lưới, giăng câu nên trẻ em tự ở nhà trông nhau nên sảy chân chết đuối. Những đám ma vội vã chẳng được thờ vong, không kèn, không trống. Người chết cũng chỉ sáng mất, chiều chôn. “Giờ còn được lên bờ chôn cất, chứ trước kia chúng tôi toàn phải chôn ở bãi nổi dưới sông. Khi sóng to, gió lớn xem như không còn mồ mả. Chỉ mong người nằm xuống đánh chữ đại xá mà thôi”, một người dân xóm chài cho biết.
Ước mơ một chỗ trú chân
Ước mơ của những người dân chài nơi đây bình dị và mộc mạc vô cùng. Họ chỉ khát khao con em mình có được cái chữ, được cắp sách đến trường. Họ cũng chỉ mong có được “một chỗ trú chân”, “một mảnh đất cắm dùi”, “một đêm ngủ yên trên cạn”. 
Cuộc sống lênh đênh sông nước trở nên bi kịch mỗi khi có người chẳng may ốm đau.
 Cuộc sống lênh đênh sông nước trở nên bi kịch mỗi khi có người chẳng may ốm đau.
Có người cho hay: “Chính quyền cứ bảo làm đơn này nọ rồi sẽ được giải quyết, nhưng chờ mãi cũng chỉ thế mà thôi. Giờ tôi chỉ ước, mỗi hộ có một cái máy lọc nước cho đỡ khổ, đỡ bệnh tật mà thôi”.
Hầu hết những gia đình còn trên sông đều mong chính quyền tạo điều kiện để họ có thể lên bờ. Họ không mong “tự dưng có đất mà không mất đồng nào”. Chỉ mong tạo điều kiện để họ “có thể mua vài ba mét đất với giá ưu đãi và trả dần”.
Có lẽ mong muốn của những người dân chài không quá khó nếu như chính quyền tạo điều kiện. Vì thực chất với 47 hộ không phải là bài toán khó với mảnh đất Trung Châu vốn rộng, người không quá đông này./.

Đọc thêm