Sự kì thị vẫn không… “xưa cũ”?

(PLVN) - Câu chuyện “thế giới thứ 3” hay “giới tính thứ 3” đã trở thành lẽ thường theo bản dạng giới. Mặc dù, trên bản đồ châu Á, Việt Nam là một trong những quốc gia thân thiện nhất với cộng đồng LGBT, cả trên cơ sở pháp lý cũng như cái nhìn của xã hội khi mà hôn nhân cùng giới đã hiện diện trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, và quyền của người chuyển giới trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Tuy nhiên, sự kì thị ngấm ngầm dường như vẫn luôn đeo bám họ…
Nguyễn Thị Ánh Phong và phim Đi tìm Phong, kể về hành trình đau đớn của một người chuyển giới. Bởi với cô : “Dẫu chỉ một ngày làm con gái cô cũng cam lòng”…
Nguyễn Thị Ánh Phong và phim Đi tìm Phong, kể về hành trình đau đớn của một người chuyển giới. Bởi với cô : “Dẫu chỉ một ngày làm con gái cô cũng cam lòng”…

“Thế thì khám kiểu gì”?

Dương Tú Anh, người chuyển giới nữ, hiện là giám đốc doanh nghiệp xã hội Venus (hỗ trợ dự phòng HIV, tư vấn tâm lý và về nội tiết cho nhóm chuyển giới nữ) tại Hà Nội kể, bản thân cô và một số bạn chuyển giới nữ đều có những lần đi khám bệnh thông thường tại bệnh viện công. 

Một lần cô lên cơn đau dạ dày trong lúc đang dự sự kiện, vẫn mang tóc giả và mặc trang phục nữ. Khi được trả lời là người chuyển giới nữ (vì ngoại hình và giấy tờ không khớp nhau), bác sĩ điều trị nói trống không “thế thì khám kiểu gì”, rồi xếp sổ khám bệnh của cô vào cuối cùng, ưu tiên cho những người khác khám trước. Nên các bạn cộng đồng bảo nhau thà ra phòng khám tư, tốn thêm ít tiền mà được tôn trọng, chứ không vào bệnh viện công đâu.

Tiểu Ngư, nhân viên văn phòng tại Hà Nội, thành viên Mạng lưới Nữ yêu nữ Việt Nam thì kể có lần bạn đưa một bạn cũng thuộc nhóm nữ yêu nữ đi khám để tiến hành thụ tinh nhân tạo, có con. Lẽ ra trong phòng khám chỉ có một bệnh nhân/khách hàng với bác sĩ, thì tại đây lại xếp rất nhiều khách hàng ngồi chung. Thế là các bạn khai báo gì với bác sĩ thì cả phòng đều nghe. Đã thế, bác sĩ đọc hồ sơ xong còn vặn hỏi: “Sao không có con bằng cách trực tiếp cho đỡ tốn tiền, chọn cách này làm gì”?...

Trong khi đó, bảo mật thông tin y tế khách hàng là yêu cầu bắt buộc của ngành y, và đối với cộng đồng LGBT, nó còn quan trọng hơn rất nhiều. Khi bị lộ thông tin cá nhân, các bạn chưa come out có thể bị phản đối, thậm chí chối bỏ từ gia đình, bạn bè và cả trong nơi làm việc.

Do vậy, việc chia sẻ tâm tư hay tìm hiểu kiến thức về bản dạng giới, xu hướng tính dục hay chăm sóc y tế chuyên biệt rất nhiều lúc vẫn chỉ diễn ra trên mạng Internet, trong các nhóm kín của cộng đồng, với sự hiện diện ít ỏi.

“Do chưa có luật về chuyển giới nên các hoạt động chăm sóc y tế cho người chuyển giới đều diễn ra âm thầm, nên ngay cả ngành y tế cũng bị bối rối, không biết phải làm gì khi gặp các trường hợp này. Một số khác thì kỳ thị. Do vậy chúng tôi đành phải tự làm bác sĩ cho bản thân, tự tìm hiểu về hormone, tự đi mua về, tự tiêm, và tự chịu hậu quả khi không đúng chuyên môn”,  Chu Thanh Hà, Trưởng nhóm It’s T time hỗ trợ những người chuyển giới nam ở Hà Nội cho biết.

Theo bác sĩ Trần Bích Châu, tuy Bộ luật Dân sự sửa đổi 2015 đã có điều khoản quy định hợp pháp hóa việc chuyển giới nhưng 5 năm nay vẫn nằm trên giấy do thiếu luật hướng dẫn. Chính vì vậy người chuyển giới Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn: phải sang nước ngoài phẫu thuật với chi phí gấp 3-10 lần trong nước. Đáng lẽ khi hậu phẫu cần theo dõi sát sao thì các bạn đã về nước và rất ít người được chăm sóc đúng cách. 

Thực tế, các mong muốn khác của nhóm chuyển giới nam như phẫu thuật loại bỏ vòng ngực nữ, tạo hình vùng ngực nam giới… có thể được thực hiện dễ dàng ở Việt Nam, nhưng do luật chưa rõ ràng nên các cơ sở y tế tuy vẫn thực hiện nhưng đều phải “né” dưới các tên gọi như “phẫu thuật loại bỏ u nang lành tính” hay “phẫu thuật phì đại tuyến vú”.

Một cản trở khác cho người chuyển giới Việt Nam là khi luật chưa công nhận quyền định giới, các bạn thường xuyên bị kỳ thị, thậm chí bạo hành và gánh chịu bất công từ trong trường học đến xã hội.

Trong một khảo sát do Viện iSEE thực hiện vào cuối năm 2015 với 219 người chuyển giới, tỷ lệ bị kỳ thị thường xuyên là 24,2 %. “Thỉnh thoảng” là 62,6%, dưới nhiều hình thức. Ở góc độ khả năng được bảo vệ trước pháp luật, 16,8 % người chuyển giới từng bị xâm hại tình dục.

Đau lòng là nhiều trường hợp do chính cha mẹ người chuyển giới tiếp tay cho hành động này vì nghĩ con bị lệch lạc hành vi “do tiêm nhiễm văn hóa phương Tây”. Họ tìm cách gả, hoặc “bẫy” con vào trường hợp bị ép quan hệ tình dục để “sửa đổi tâm lý và hành vi” (thường xảy ra ở nhóm chuyển giới nam - có cơ thể sinh học là nữ và bị gài cho nam giới cưỡng bức quan hệ tình dục). Một số người chuyển giới nữ cũng bị xâm hại tình dục vì “tò mò”.

Với trường hợp bị tạm giam, tạm giữ hoặc khi ở trại giam, vẫn theo khảo sát của iSEE, 42,9% người chuyển giới nữ đã từng bị giam giữ chung với nam giới, mặc dù hơn 35,6% trong số đó đã phẫu thuật ít nhất một bộ phận cơ thể. Có nghĩa về ngoại hình, những người chuyển giới nữ này đã có ngoại hình phụ nữ (vòng ngực phụ nữ) hoặc đã hoàn toàn phẫu thuật chuyển giới cả bộ phận sinh dục. Việc bị giam giữ chung với nam giới mang đến rất nhiều nguy cơ cho họ.

“Bỏ cấm, không thừa nhận”?

Còn nhớ, vào tháng 2/2012, một đám cưới của hai bạn nữ tại thị trấn Đầm Dơi, Cà Mau đã diễn ra. Đám cưới bị dừng lại, gia đình và hai bạn được gọi lên để giải thích rằng họ đã sai và cam kết không được sống chung với nhau.

Cùng thời điểm đó, Bộ Tư pháp lấy ý kiến góp ý về dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình. Tất cả xảy ra trong vài tháng, khởi phát nên cuộc vận động hợp pháp hóa hôn nhân bình đẳng kéo dài cho tới tháng 5/2014 khi Quốc hội chính thức thông qua Luật, bỏ cấm và không thừa nhận hôn nhân cùng giới.

Ông Lương Thế Huy, giám đốc Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) bày tỏ:  Không ai có thể ngờ trong vòng chỉ 1 thập kỷ, từ việc phủ bỏ, Việt Nam đã đưa chủ đề LGBT lên bàn nghị sự, và thật sự thảo luận nghiêm túc về nó. Quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới được công nhận là quyền con người và cần phải bảo vệ bởi pháp luật.

Mặc dù, Luật Hôn nhân và Gia đình chưa thừa nhận bất kỳ hình thức chung sống vào của cặp đồng giới. Luật Chuyển đổi giới tính vẫn “treo” suốt 5 năm qua khiến người chuyển giới không thể thực hiện quyền của mình. Ngoài ra kỳ thị, phân biệt đối xử không phải là chuyện “xưa cũ” như nhiều người tưởng, nó vẫn tràn lan ở nhiều ngóc ngách của cuộc sống, nhất là trong các môi trường quan trọng như gia đình, trường học.

Ở Việt Nam, tình trạng bạo hành ở người thuộc cộng đồng LGBT nói chung, người chuyển giới nói riêng vẫn còn phổ biến. Các hình thức bạo hành rất đa dạng như: thân thể, tình dục, kinh tế, tinh thần. Trong đó, phổ biến nhất là bạo hành từ gia đình như đánh đập, cách ly, cô lập với xã hội hay không cung cấp các chi phí sinh hoạt cho họ.Ngoài ra, đứng thứ hai về hình thức bạo hành đến từ những người bạn tình của người tuộc LGBT.

Người song tính, chuyển giới, đồng tính thường bị bạn bè xa lánh hay gia đình không chấp nhận, hoặc thiếu những sự hỗ trợ từ xã hội (như từ đồng nghiệp, dịch vụ công ích, tổ chức xã hội…) có xu hướng làm gia tăng ý định và hành vi tự sát. Ngược lại, theo một nghiên cứu mới đây, những người nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ người thân, bạn bè hoặc xã hội thì nguy cơ tự sát sẽ giảm lên đến 82%.

Theo nghiên cứu của CARMAH, 47,5% nhóm chuyển giới tham gia nghiên cứu cho biết họ nhiều lần bị chọc ghẹo vì giới tính của mình. Khoảng 40% số này từng bị từ chối nhận vào làm việc. Các con số phản ánh phần nào tình hình kỳ thị và phân biệt đối xử với người chuyển giới ở Việt Nam.

Nhìn chung người chuyển giới có các trải nghiệm tồi tệ hơn người đồng tính, song tính. Đây cũng có thể nguyên nhân khiến tỷ lệ tiếp cận, sử dụng dịch vụ của người chuyển giới thấp hơn, vì tâm lý lo sợ bị xúc phạm, từ chối hoặc phân biệt đối xử khi tới bệnh viện hay tiếp xúc với nhân viên y tế.

Cũng theo một nghiên cứu của ông Lương Thế Huy, nhà vệ sinh, phòng thay đồ là những nơi mà hơn từ khoảng một nửa số người chuyển giới khảo sát cho biết bị từ chối, làm khó, cười cợt hay xúc phạm bằng lời nói, hành động. Trên thế giới hiện đang diễn ra phong trào “trung tính hóa”, “phi giới tính hóa” các nhà vệ sinh. Mục đích ban đầu của việc phân nhà vệ sinh theo giới tính là tránh sự quấy rối, giữ riêng tư với nữ giới.

Tuy nhiên nhiều người cũng lên tiếng việc bố trí thiết kế trong nhà vệ sinh nam cũng không đảm bảo sự riêng tư của nam giới, dẫn đến nhiều người nam vẫn chọn buồng vệ sinh riêng chứ không dùng thiết bị vệ sinh đứng. Giải pháp đưa ra là cần tạo sự riêng tư mà tất cả mọi người đều có thể sử dụng.

Ở phần phỏng vấn sâu, người tham gia khảo sát cung cấp thêm nhiều tình huống cụ thể như làm tài khoản ngân hàng, thừa kế, bảo hiểm giấy phép lái xe… Về giấy tờ thì có thể bọn em phải làm giấy tờ giả hoặc là bọn em cứ như vậy thì không có giấy tờ pháp lý gì. Nhiều bạn không thể đi máy bay, không có tài khoản ngân hàng rồi không có chứng minh thư, không có hộ tịch xong rồi sau này có thừa kế cũng không được đảm bảo... (Chuyển giới nam, 25-34, Hà Nội)

Lúc tôi bị mất giấy tờ tùy thân, tôi có đi đến Sở giao thông vận tải để làm lại Giấy phép lái xe, vì hồ sơ cũ của tôi là tấm hình chưa chuyển giới tóc còn dài, còn ngoại hình hiện tại đã là nam, thế là bà cô từ chối việc cấp lại giấy phép lái xe cho tôi vì cho rằng đây là hai người khác nhau, mặc dù tôi có chứng minh nhân dân và giải thích đủ kiểu, bà ấy vẫn ngoan cố. Thế là tôi mệt mỏi quá tự cầm chứng minh nhân dân đi qua tỉnh khác đăng kí học thi lại giấy phép lái xe. (Chuyển giới nam, 25-34, Cần Thơ). 

Theo ông Lương Thế Huy, việc người chuyển giới được sống đúng với giới tính mình mong muốn, giải phóng xã hội khỏi định kiến ép mình vào những chiếc hộp về giới, rằng một ngày sống được là chính mình ý nghĩa hơn nhiều cả một đời luôn sống theo ý người khác.

Việc người song tính, đồng tính được kết hôn với người họ yêu, gửi thông điệp đến xã hội rằng tình yêu quan trọng như thế nào để hai con người có thể sống với nhau, cái gì sẽ thật sự khởi tạo, duy trì hay chấm dứt tình yêu.

Đọc thêm