Sự thật trần trụi về thực trạng “đầu độc đồng loại”

(PLO) - Gần đây, trên các trang báo đưa những hình ảnh rửa rau dưới nước mương đen kịt, hôi thối ở xã Yên Hòa, (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) khiến chúng ta rùng mình. Đây là nơi cung cấp rau cho rất nhiều chợ đầu mối lớn cũng như thủ đô Hà Nội, được xem là vực rau lớn nhất miền Bắc. 
Cảnh người phụ nữ rửa rau bên kênh nước bẩn
Cảnh người phụ nữ rửa rau bên kênh nước bẩn

Và mới đây nữa, những bức ảnh “bắt quả tang” ngư dân đang nhuộm hóa chất cho con ruốc ngay tại bãi biển của một người chơi nhiếp ảnh trong ngày 23/3 càng khiến chúng ta phải sởn gai ốc. Chẳng nhẽ vì cái lợi của bản thân mà sẵn sàng đầu độc cả đồng bào mình ư?

Những hình ảnh kinh hoàng

Nếu như không được chứng kiến tận mắt qua những hình ảnh xuất hiện ngày 13/3 vừa qua thì người tiêu dùng sẽ mãi còn bị “bịt mắt”, không bao giờ nghĩ những bó rau hàng ngày họ mua ở chợ về lại được có thể “xuất xứ” từ những con kênh, mương bẩn kinh hoàng đến thế.

Hai bên con kênh nhỏ ở xã Yên Hòa được người dân tận dụng để làm nơi rửa rau sau mỗi lần hái bán, một người phụ nữ trung niên bịt kín khẩu trang, tay cầm những bó hành rửa dưới dòng nước thải đầy phân, đen kịt đến không thể đen hơn được.

Người rửa rau lý giải rằng rửa như thế cho đỡ mệt, chứ rau dính nhiều đất như thế mang về nhà rửa biết khi nào mới hết, vừa mệt lại mất sức. Họ còn nói thêm rằng “rửa ở đây cũng không thấy ngứa tay, với lại nước thải bẩn sau cũng chảy ra ngoài kia chứ không tích tụ lại trong đây, rửa rồi về xối lại tí nước là sạch” cơ mà.

Qua quan sát bằng mắt thường, con mương này chứa không chỉ có phân gia súc, rác thải, gà chết, thậm chí còn cả những người đi làm đồng hay đi phun thuốc trừ sâu cũng tranh thủ xuống con kênh chết này để rửa vật dụng, những lọ thuốc trừ sâu được ném vương vãi trên mặt nước. Một phía là rác thải, phía còn lại là người đang rửa rau, rửa đồ làm đồng... Cứ như vậy, những người tiêu dùng hàng ngày vẫn mua rau mà không hề biết bản thân đang rước mầm bệnh vào người.

Rồi mới hôm 23/3, những bức ảnh của một người chơi nhiếp ảnh tên Lê My (ở Phú Yên) được tung lên mạng, cô cũng nói rõ quá trình đi “săn” ảnh của mình trên trang facebook cá nhân. Qua câu chuyện của cô kể lại, chẳng ai còn dám tin rằng những thứ mình đang ăn uống hàng ngày còn có thể an toàn được nữa.

Lê My đưa lên trang cá nhân loạt ảnh chuyến về quê mới nhất mà cô chụp cảnh ngư dân Gành Đỏ (Sông Cầu, Phú Yên) đang nhuộm hóa chất cho các giỏ ruốc (loại nhuyễn thể có dạng giống con tôm nhỏ, chỉ khoảng 10-40mm) ngay trên bãi biển. Người miền Bắc gọi là con moi, đôi vùng ở miền Trung gọi là con khuyếc.  Đồng thời, Lê My kể lại câu chuyện mình đã chụp những bức ảnh này như thế nào:

“Tháng 3/2013 chúng tôi 10 tay máy đi thuyền từ Gành Đá Dĩa ra tới Vịnh Xuân Đài, địa phận Sông Cầu. Trên đường đi có ghé vào bãi biển này chụp ảnh đời thường và nghỉ ngơi. Người dân ở đây vui vẻ mời vào nhà uống nước trò chuyện rất thân thiện vui vẻ.

Vào tháng 3/2016, sau 3 năm tôi quay lại Gành Đỏ, một việc làm của bà con ngư dân nơi đây khiến tôi vừa tò mò vừa rất ngạc nhiên: Nhuộm đỏ con ruốc!

Khi tôi giơ máy lên chụp từ xa, thì một vài người đàn ông ngồi trước hiên nhà hét lớn: “Không quay phim chụp ảnh!”. Tiến tới gần, người phụ nữ đội nón trắng vừa cho hóa chất có màu đỏ vào chai nhựa, vừa pha vào thùng nước lớn, vừa chửi tôi xối xả, lại còn đòi đập máy ảnh của tôi.

Chúng tôi lảng đi ra xa và gặp thêm một tốp nữa vừa khuân vác những giỏ ruốc tươi rói trắng ngà từ thuyền thúng lên bờ. Họ lại tiếp tục quát mắng chúng tôi mặc dù chúng tôi ko cầm máy chụp nữa.

Quá quắt, chúng tôi gắt lại mấy câu thế là một chị nhanh miệng bảo: “Ruốc này chuyển ra bán Hà Nội chứ ko bán ở quê mình đâu... Mà đừng quay lên tivi nha...”.

Cần phản ứng và hành động

Ngay khi những bức ảnh được đưa lên mạng, những cư dân mạng tới tấp chia sẻ chúng với những lời cảm thán, thảng thốt. Trong lúc bị ám ảnh bởi những cái chết trẻ bởi căn bệnh ung thư, nỗi ám ảnh an toàn thực phẩm... Đến lúc này, những bức ảnh “rửa rau bênh kênh nước thối”, “nhuộm đỏ con ruốc” đã gây nên một cú sốc cho người xem.

“Nhuộm đỏ con ruốc”
“Nhuộm đỏ con ruốc”

Chẳng nói đâu xa, cũng trong ngày 23/3, tang lễ của nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập được cử hành. Người “chiến binh bất tử” của dòng nhạc Rock đó cũng qua đời vì căn bệnh ung thư trực tràng. Khi mới biết tin Trần Lập mắc bệnh ung thư, nhiều người, nhiều tờ báo đã phải thốt lên những câu cảm thán về “vấn nạn”, thậm chí có thể coi là “quốc nạn” ung thư. Họ coi nguồn cơn lớn nhất của vấn nạn này là từ những thực phẩm bẩn và độc hại. Chuyện sử dụng chất cấm trong chăn nuôi để tăng năng suốt, rồi dùng phẩm màu độc hại trong chế biến... tất cả đều chẳng còn mới mẻ với người dân nữa.

Trong báo cáo của Bệnh viện Bạch Mai năm 2014 thì “mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 110.000 trường hợp mắc ung thư mới và hơn 73% trong số đó tử vong. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tử vong do ung thư cao nhất trên thế giới...”.

Đây là con số ước tính nhưng theo nhiều tổ chức khác nhau họ cho rằng con số bệnh nhân ung thư này còn lớn hơn nhiều trong thực tế, và có thể còn gia tăng kinh khủng trong 10 năm tới với đà ô nhiễm môi trường và độc tố trong thực phẩm của người Việt hiện nay.

Vậy nhưng tại sao người ta vẫn bất chấp tất cả để đầu độc chính đồng loại của mình? Phải chăng vì lợi ích mà nông dân làm theo kiểu sản xuất tắt quy trình, sử dụng vô tội vạ hoá chất nhằm kích thích năng suất, rút ngắn thời gian và tạo hình thức đẹp? Điều đó là không thể chấp nhận được! Không thể vì lợi nhuận nhỏ bé một nhóm người mà khiến cả cộng đồng phải gánh chịu hậu quả lớn hơn gấp nhiều lần như thế được.

Trong hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn thì từ khâu nuôi trồng, sản xuất, vận chuyển và kinh doanh đều chứa đựng các yếu tố vi phạm pháp luật và có thể áp dụng ở nhiều tội danh khác nhau được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 vừa được ban hành và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2016.

Cụ thể, Điều 317 quy định rất về tội “Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm”. Theo đó, chỉ cần có hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm sẽ đều bị xử lý hình sự với hình phạt cao nhất tới 20 năm tù mà không cần phải có hậu quả xảy ra như chết người hay gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng như luật cũ quy định.

Tương tự, Điều 193 đã quy định chi tiết hơn về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm”. Theo đó, bên cạnh mặt hàng lương thực, thực phẩm đã được quy định trong BLHS hiện hành thì hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm sẽ bị phạt tù ít nhất 2-5 năm, không tính đến số lượng và giá trị hàng hóa.

Những mức vi phạm về hành vi này bị chế tài hình sự nặng hơn thậm chí có thể chịu tới mức án tù là chung thân. Với mức xử phạt “mạnh tay” và mang tính chất răn đe cao như vậy, tin rằng những phụ gia thực phẩm giả như bột ngọt giả sẽ không còn cơ hội đe dọa sức khỏe của người tiêu dùng như thời gian qua.

Đọc thêm