Sư thầy 'thổi lửa' 2 bếp cơm từ thiện

(PLO) - Trụ trì 3 ngôi chùa ở cách khá xa nhau nhưng thầy Thích Đàm Hoài vẫn luôn quan tâm và tham gia cùng với các bếp cơm từ thiện mà chính tay thầy gây dựng. 
Những nụ cười ở bếp ăn chùa Phúc Long
Những nụ cười ở bếp ăn chùa Phúc Long

Sau những khởi đầu vô vàn khó khăn, có lúc tưởng chừng như bế tắc nhưng đến nay, hai bếp cơm từ thiện ở 2 ngôi chùa (chùa Phúc Long ở huyện Thanh Trì và chùa Tâm Pháp ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã đều đặn đóng góp 4 bữa ăn trong tuần cho các bệnh nhân ở Bệnh viện K2 Tân Triều. 

Sau 3 năm phát tâm mới “bắc” được bếp ăn từ thiện... 

Chia sẻ về cơ duyên “thổi lửa” 2 bếp cơm từ thiện, sư thầy Thích Đàm Hoài cho biết, sư thầy đã từng đi cắt bướu cổ ở Bệnh viện (BV) Bạch Mai, thấy nhiều người làm từ thiện nên thầy cũng muốn giúp sức. Ngay lập tức thầy đặt vấn đề với BV Bạch Mai nhưng không được.

Tâm nguyện được giúp đỡ bệnh nhân ung thư vẫn canh cánh trong lòng thầy nhưng phải sau 3 năm phát tâm làm từ thiện thầy mới đạt được. Đó là lý do vì sao chùa Phúc Long mới chỉ bắt đầu công việc được 2 năm và chùa Tâm Pháp mới chỉ vài tháng. 

Thầy kể, ngay khi thầy nghe tin BV K Tân Triều xây dựng, thầy phải nhờ một phật tử làm y tá ở BV giúp thầy gặp được Ban lãnh đạo BV để trình bày nguyện vọng của mình. Khi được BV đồng ý, một mình thầy đi xe máy lên chợ Đồng Xuân mua các vật dụng cần thiết để chuẩn bị nấu cơm từ rổ rá, nồi niêu, xong chảo... Bao nhiêu đồ lỉnh kỉnh cũng một mình thầy tự chở về. 

Tuy nhiên, có một điều mà thầy luôn trăn trở, suy nghĩ là thầy muốn nấu cơm chay cho bệnh nhân nhưng lãnh đạo bệnh viện không đồng ý vì họ lo bệnh nhân không khỏe mạnh, cần phải có bữa ăn đủ dinh dưỡng nên phải làm cơm mặn. Sư thầy lo lắng không biết phải làm thế nào nhưng vì mong muốn được giúp đỡ những người bệnh tật khổ sở nên thầy đành phải động viên mình và các phật tử cứ chung sức nấu ăn, Phật sẽ chứng tâm cho mọi người. Thế là công việc “thổi lửa” cho bếp ăn từ thiện bắt đầu. 

Tuy nhiên, những người dân ở quanh ngôi chùa thầy trụ trì cũng nghèo khổ nên để duy trì được 4 ngày nấu ăn trong một tuần đã là một sự cố gắng. Ban đầu thầy tự bỏ tiền ra, sau này, khi các phật tử đi phát cơm cho bệnh nhân, chứng kiến những hoàn cảnh, những cuộc đời vất vả cực nhọc họ cũng phát tâm, ngoài góp công họ cũng đóng góp thêm được chút ít, người 5kg gạo, người 1 yến, có người thì đóng góp dầu ăn... gọi là chung tay với thầy. 

Có thời điểm phải xây chùa, phần đóng góp cũng cạn dần, thầy phải lên facebook kêu gọi cộng đồng chung tay để giữ lại nồi cơm cho bệnh nhân. May mắn cũng vượt qua được những thời kỳ khó khăn. Có kinh nghiệm từ bếp ăn ở chùa Phúc Long, thầy tiếp tục kêu gọi các phật tử ở chùa Tâm Pháp tham gia công tác thiện nguyện, chung tay góp bữa ăn cho bệnh nhân ung thư. 

Sư thầy Thích Đàm Hoài chia sẻ về mong muốn được “thổi lửa” những bếp ăn từ thiện
Sư thầy Thích Đàm Hoài chia sẻ về mong muốn được “thổi lửa” những bếp ăn từ thiện

Những tấm lòng đầy yêu thương ở 2 bếp ăn...

Tham gia công tác từ thiện tại chùa Tâm Pháp đa phần là các phật tử trong đạo tràng Pháp Hoa, toàn các bà, các cụ từ 55 tuổi trở lên nhưng mỗi lần vào bếp là mỗi lần được đón nhận những niềm vui và nụ cười rôm rả nên gần như mọi người đều chờ đến trưa ngày thứ 3, thứ 5 hàng tuần để cùng nhau vào bếp.

Tuy nhiên, ngoài các phật tử, còn có nhiều cô giáo ở các trường mầm non xung quanh khu vực chùa vẫn thường xuyên tranh thủ nghỉ trưa qua nhà chùa giúp một tay, đến giờ đi làm thì mới rời chùa đến trường. 

Nấu những bữa ăn chiều dành cho các bệnh nhân ung thư là một thử thách khắc nghiệt cho những người đứng bếp trong những ngày hè nắng đổ lửa. Nóng hầm hập, bếp bật vài cái... cảm giác thật sự khó thở nhưng mọi người vẫn say mê công việc.

Rời khỏi phòng bếp trong ngôi chùa Tâm Pháp có diện tích khá nhỏ, cô Đới Thị Đoạt (59 tuổi ở Giáp Nhị, Hoàng Mai, Hà Nội) vội vàng đưa tay lau mồ hôi đang chảy khắp mặt, ngồi ngay xuống chiếc quạt đặt ngoài cửa phòng, cô bảo “như vừa thoát ra từ lò bát quái”. 

Ở chùa Phúc Long cũng khắc nghiệt không kém gì, nhưng may hơn vì có không gian rộng rãi nên có thể nấu ăn ngoài trời. Những người tham gia công việc bếp núc ở đây lại là những người có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Người thì kiếm sống bằng công việc bán rau, giao hàng, người lại có cuộc sống riêng gặp nhiều bất hạnh khi cuộc sống của con cái không thuận buồm xuôi gió... Nhưng tất cả vẫn mang yêu thương đến với bệnh nhân ung thư vào chiều thứ 2, thứ 6 hàng tuần. 

Nhớ lại những ngày đầu “bắc bếp thổi cơm”, chị Phùng Hồng Thanh 42 tuổi, người quản lý quỹ cơm từ thiện tại chùa Phúc Long cho biết, hiện nay, sau 2 năm nấu cơm, quỹ của hội đã ổn định nhưng cũng có vài lần mọi người như bị Trời Phật thử thách, khi có những lần đến giờ bắt đầu công việc chỉ có đúng 3 người xuất hiện trong khi phải chuẩn bị hơn 200 suất. 

3 chị em lo lắng nhìn nhau, nghĩ xem nên làm thế nào cho hợp lý để kịp thời đưa cơm đi bệnh viện. Chưa đầy 2 phút “hội ý”, 3 người bắt tay vào làm luôn, vừa làm vừa động viên nhau, tốc độ tăng nhanh, không lơi là một giây phút nào, mỗi người gắng thêm một chút để kịp giờ đưa cơm. Cũng may hôm ấy chỉ bị muộn hơn những ngày khác 30 phút và đến khi gần kết thúc công việc cũng có thêm vài người xuất hiện nên cường độ công việc cũng được giảm ít nhiều. 

Niềm vui của các phật tử ở chùa Tâm Pháp khi chia từng suất cơm cho bệnh nhân
Niềm vui của các phật tử ở chùa Tâm Pháp khi chia từng suất cơm cho bệnh nhân

“Giữ lửa” cho bếp ăn từ thiện...

Còn cô Đới Thị Đoạt lại có lo lắng khác khi công việc bắc bếp thổi cơm ở chùa Tâm Pháp mới bắt đầu được hơn 5 tháng. Cô Đoạt cho biết, khi sư thầy Thích Đàm Hoài nói chuyện với cô về mong muốn làm từ thiện cho các bệnh nhân ung thư, cô hưởng ứng ngay nhưng cũng vẫn cùng với thầy đưa ra những khó khăn để cùng tháo gỡ. Số tiền ban đầu chỉ gom được 7,7 triệu, mỗi bữa ăn chi khoảng 3 triệu (cho khoảng hơn 200 suất) nên số tiền này không thấm tháp vào đâu cho một công việc dài hơi. 

Cô Đoạt chia sẻ, khó khăn lớn nhất là kinh phí không dôi dư nên chuyện nấu bữa nay, lo bữa sau là chuyện thường xuyên xuất hiện. Bản thân sư thầy vẫn phải kêu gọi các phật tử đóng góp để duy trì được bữa ăn cho bệnh nhân. Cũng có những lúc hết tiền, những người trong nhóm lại bảo nhau cùng góp để không mất một bữa ăn của bệnh nhân. Cô Đoạt tâm sự, sư thầy cũng đã từng lo lắng không biết có thể tiếp tục công việc đến khi nào. Những lúc như vậy cô phải động viên thầy, chung tay với thầy làm phận sự này để thầy yên tâm. 

Dù khó khăn thế nhưng cô Đoạt và các phật tử ở chùa Tâm Pháp chưa bao giờ nghĩ đến chuyện “tắt bếp”, bởi cô và mọi người vẫn thường đi các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ quanh chùa kêu gọi mỗi cơ sở một chút để “thổi lửa” cho bếp ăn từ thiện. Cô còn kêu gọi con cái trong nhà giúp cho nhà chùa “cọng rau, miếng đậu”, rồi trong khi bán ăn sáng cô cũng tranh thủ quyên góp từ các khách hàng, cũng nhiều lần kêu gọi đủ để nấu một bữa ăn cho bệnh nhân. Ngay cả các sinh viên Trường ĐH FPT cũng đã gom góp cho nhà chùa một bữa...

Cứ thế, mỗi ngày gom được một ít vật chất, mỗi người xuất tâm giúp đỡ bệnh nhân ung thư cũng là giúp đỡ một cảnh đời khốn khó khiến công việc thiện nguyện mà sư thầy Thích Đàm Hoài đã từng mong mỏi được duy trì đều đặn. Những bếp ăn mà sư thầy gây dựng luôn ngập tràn tiếng cười, niềm vui và là nơi để mọi người cùng chung tay giúp đỡ những cảnh đời khốn khó...

Đọc thêm