Sự trung thực trong thời buổi khó khăn

(PLO) - Một trong những phẩm chất làm nên nhân cách con người là trung thực, nếu không, nhân cách trở nên tồi tàn, đạo đức suy đồi. Chính vì thế, trong quan hệ ứng xử, người ta đề cao sự trung thực và đặt nó trong tiêu chí làm người.
Sự trung thực trong thời buổi khó khăn

Gần đây, có một sự kiện trở thành tâm điểm của dư luận, đó là việc ông Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang đi xe sang gắn biển xanh, khi bị báo chí phát hiện thì đổi lại biển trắng. Từ đây, công luận tiếp tục phanh phui những khuất tất trong con đường hoạn lộ của ông.

Đúng sai thế nào, xử lý ra sao là một chuyện nhưng chỉ riêng việc “đổi trắng thay xanh” của ông đã biểu hiện của một hành vi thiếu trung thực. Ông lại vừa trúng cử đại biểu Quốc hội với số phiếu cao nhất tại nơi ứng cử.

Liên quan đến chuyện này, Tổng Thư ký Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc thẳng thắn bày tỏ chính kiến: “Tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội là trung thực, anh không trung thực thì không xứng đáng là đại biểu Quốc hội”. Xem ra, sinh mạng chính trị của ông Phó Chủ tịch Hậu Giang đã được định đoạt!

Ở một diễn biến khác, sự trung thực của người dân có dịp được thử thách qua một sự kiện tố cáo việc làm ăn gian dối của cán bộ nhà nước.

Hai anh nông dân ở xã Đại An, huyện Vụ Bản (Nam Định) phanh phui trụ cột điện được đổ bằng xi măng trộn đất. Họ đã bị đe dọa, mua chuộc và đáng chú ý hơn bị vu vạ rằng hành vi đó nhằm tống tiền. Kết thúc đã có hậu khi sự việc tố cáo là đúng, ê kip thi công bị đình chỉ, cán bộ vi phạm bị xử lý.

Thế nhưng, để đạt đến điều đó, hai anh nông dân này đã trải qua rất nhiều áp lực từ nhiều phía. Họ đã thể hiện sự trung thực không mua nổi được bằng tiền khi người bị tố cáo đến nhà “thương lượng” và “đền bù” 100 triệu đồng để các anh chứng nhận khác đi. Những người nông dân nghèo này đã từ chối. Nhân cách và sự ứng xử đó thực sự là tấm gương mẫu mực cho cán bộ noi theo, đặc biệt trong hoàn cảnh mà  dân gian đúc kết: “Thật thà, thẳng thắn thường thua thiệt / Lượn lờ, lươn lẹo lại lên lương” như hiện tại.

Biết rằng, trung thực trong thời buổi này là rất khó khăn. Những người trung thực bị trù úm, làm cho khốn khổ không còn là chuyện hy hữu. Nguy hiểm hơn, sự trung thực bị nghi ngờ, bị gán cho có động cơ này nọ, điều này phản ảnh một nhân sinh quan u ám bởi sự gian dối thịnh hành. Nói dối mà không biết ngượng lại còn cứ tưởng là mình nói thật, “lộng giả thành chân” như vậy thì còn đâu có chỗ cho sự trung thực nữa.

Dù sao, sự trung thực không thể vì thế mà mất đi. Đơn giản, đó là một yếu tố quan trọng của nền tảng đạo lý, của nhân cách làm người. Không thể thiếu sự trung thực trong cuộc sống này!

Đọc thêm