“Sư tử Hà Đông” sắm máy chấm công để giám sát chồng đẹp trai

(PLO) -Do công việc, người vợ thường xuyên phải đi công tác xa. Để tiện bề quản lý người chồng trẻ tuổi, đẹp trai, người vợ đã lắp một chiếc máy chấm công bằng vân tay ở trước cửa nhà. Thế nhưng “vỏ quýt dầy có móng tay nhọn”, đối phó với sự quản lý gắt gao của vợ, anh chồng lên mạng đặt làm đôi găng tay màng cao su có in vân tay của mình rồi nhờ người khác “chấm công” hộ...
Hình minh họa
Hình minh họa

Điều cả hai không ngờ là, sự đấu trí giữa hai vợ chồng lại khiến “ngư ông đắc lợi”, suýt chút nữa anh chồng gây ra họa sát thân…

Bi kịch lấy chồng trẻ

Giang Nê Bình (35 tuổi), tuy tướng mạo bình thường nhưng sự nghiệp lại hết sức thành công. Cô là đại lý cho một thương hiệu mĩ phẩm nổi tiếng toàn cầu. 

Chồng của Bình là Lâm Khoa, kém cô 3 tuổi, tướng mạo khôi ngô, phong độ, phụ nữ chỉ cần nhìn đã đem lòng cảm mến. Thế nhưng, Lâm Khoa chỉ là một cán bộ ngân hàng tại thành phố Trùng Khánh với mức thu nhập thấp.

Nhờ khả năng kiếm tiền của Bình, hai vợ chồng Khoa sống hết sức sung túc, hạnh phúc. Tuy nhiên, do yêu cầu công việc, Bình thường xuyên phải đi công tác nên hai vợ chồng gặp nhau thì ít mà xa nhau thì nhiều. 

Tuổi tác ngày càng lớn thêm, đồng nghĩa với nhan sắc cũng có phần giảm sút, trong lòng Bình luôn canh cánh một nỗi lo người chồng trẻ sẽ đi tìm người phụ nữ khác.

Một ngày tháng 7/2008, Bình vừa đi công tác ở Tứ Xuyên về, trong lòng đang khấp khởi mừng thầm vì sắp được gặp người chồng sau bao ngày xa nhau, nào ngờ, đến nơi cửa nhà vắng hoe, đèn điện tối om còn chồng thì đi đâu không hay. 

Vô cùng tức giận nhưng Bình quyết định không gọi điện cho chồng mà chờ xem anh ta lúc nào mới chịu về. Nằm đợi cả đêm trong sự tủi phận, mãi 3h sáng Lâm Khoa mới mò về. Hôm đó, hai vợ chồng họ cãi nhau to.

Về sau, cứ mỗi lần đi công tác, đến tối Bình lại có thêm phần “bài tập về nhà” là gọi điện kiểm tra xem chồng đã về nhà hay chưa. Mỗi lần kiểm tra như vậy Bình đều cảm thấy rất hài lòng. 

Thế nhưng, sau đó Bình vô tình phát hiện ra rằng, hoa ra, Khoa đã cài đặt chế độ chuyển cuộc gọi từ điện thoại bàn sang điện thoại di động. Sau khi chiêu kiểm tra này mất linh nghiệm, Bình rơi vào lo lắng, đi đâu 1 bước cũng cảm thấy bồn chồn không yên.

Trung tuần tháng 3/2009, Bình đi gặp đối tác vô tình nhìn thấy tại công ty này có chiếc máy chấm công bằng vân tay rất mới lạ. Lúc đó trong đầu Bình chợt lóe lên ý tưởng, sao mình không lắp đặt chiếc máy này tại nhà này để kiểm tra chồng? Như vậy thì anh ta hết đường láu cá với mình mà cũng đỡ mất thời gian quản lý qua điện thoại, quá phiền hà. Chỉ cần đi công tác về kiểm tra một lần là xong.

Nghĩ là làm, Bình bỏ ra 2 ngàn tệ mua chiếc máy chấm công bằng vân tay lắp ở trước cửa ra vào. Lâm Khoa vừa thấy chiếc máy đã hết sức phản cảm, tỏ ra không thoải mái. 

Bình thấy vậy vừa khóc vừa nói, cô làm như vậy cũng chỉ vì quá yêu và cần chồng luôn ở bên cạnh. Cô vất vả lăn lộn ở bên ngoài kiếm tiền cũng chỉ vì lo cho chồng cho con được đầy đủ hạnh phúc. Nếu bây giờ đến người chồng mà mình còn không được để ý đến vất vả làm sống làm chết như vậy còn có ý nghĩa gì? 

“Nếu anh không đồng ý thì em lập tức đóng cửa mấy đại lý về nhà chăm sóc chồng con”, Bình nói. Nghe vợ nói vậy, Khoa nghĩ vợ có đóng góp lớn trong vấn đề kinh tế gia đình, trong khi bản thân mình chỉ có 2.5 ngàn tệ tiền lương, tiêu còn chưa đủ nói gì đến nuôi vợ con. Vậy là cuối cùng Khoa đồng ý yêu cầu “chấm công” của vợ.

Hóa giải sự kiểm tra gắt gao của vợ

Trước đó, Lâm nghĩ việc kiểm tra về nhà chỉ là sự hưng phấn nhất thời của vợ, thời gian lâu dần cũng sẽ nhạt dần. Thế nhưng, Lâm đã nhầm, mỗi lần Bình đi đâu về không cần quan tâm gì đến chồng con, mà việc trước tiên là lập tức cắm đầu vào kiểm tra nhật kí của chiếc máy sau đó mới vào nhà.

Có lần cấp trên của ngân hàng mời nhân viên ra ngoài ăn cơm liên hoan khiến Khoa về muộn mất 2h đồng hồ. Sau khi đi công tác Bình kiểm tra phát hiện ra, Khoa bị phạt phải rửa bát một tháng, đồng thời cắt tiền chi tiêu của tháng đó. 

Nghĩ đến những chồng bát đũa đầy dầu mỡ và không còn được chi tiêu thoải mái nữa, Khoa không thể không chú ý đến tầm quan trọng của chiếc máy. Từ đó về sau, dù đi làm có bận đến đâu, Khoa cũng phải chạy về nhà bấm vân tay. Thậm chí dù hôm đó có tăng ca thì Khoa cũng phải bịa lý do để chạy về làm nhiệm vụ xong mới đến cơ quan.

Một ngày tháng 5/2009, Khoa không may bị thương vào ngón tay trỏ bên phải trong lúc làm viêc. Tối về đến nhà, đặt tay vào chiếc máy kiểm tra vân tay nhưng máy một mực từ chối không chấp nhận vân tay của Khoa.

Không còn cách nào khác, Khoa đành gọi điện cho vợ cầu cứu. Nghĩ rằng vợ sẽ an ủi, hỏi thăm tình hình thương tích ở ngón tay, sau đó thông cảm cho mình. Nào ngờ, Bình trả lời đúng như giọng trong các công ty văn phòng: “Tôi chỉ tin vào máy chứ không tin vào người”.

Sau lần đó, Khoa quyết định lên mạng nghiên cứu xem cái máy “quái thai” này hoạt động như thế nào. Vừa tra cứu, Khoa bỗng phát hiện ra một điều ngoài dự kiến: Đã có người nghiên cứu ra cách để đối phó với chiếc máy chấm công bằng vân tay. 

Phương pháp đối phó là chế tạo vân tay. Chỉ cần lấy vân tay của mình gửi cho cơ sở chế tạo. Một tuần sau người gửi sẽ nhận được mẫu vân tay của mình được dán lên màng cao su. Bất kỳ người nào đeo màng cao su vân tay này đều có thể chấm công thay. 

Lâm Khoa lập tức liên hệ với nhà chế tạo, người này cho Khoa biết, màng cao su vân tay hoạt động theo nguyên lý của máy, khi làm xong sẽ rõ ràng hơn vân tay thật. Khoa nhanh chóng đặt làm hai chiếc vân tay của mình. Một tuần sau Khoa nhận được.

Nhận xong, Khoa nhờ người bạn thân ở cùng khu tên Mã Đào thử, trong lòng thấp thỏm chờ đợi. Quả nhiên chiếc vân tay giả hoạt động bình thường. Khoa đưa cho Đào một chiếc rồi nhờ Đào giúp mình khi cần thiết. Có chiếc vân tay này, việc ứng phó với vợ của Khoa trở nên dễ dàng hơn.

Bình đi công tác về nhà kiểm tra thấy chồng không một lần nào phạm quy về muộn. Cô vui mừng, không những không những dịu dàng với chồng mà còn tăng thêm tiền tiêu pha hàng tháng cho Khoa. Khoa mừng thầm trong bụng, chỉ cần chiếc vân tay nho nhỏ mà qua mặt vợ lại được vợ tin tưởng, quan tâm hơn. 

Thế nhưng, có nằm mơ anh ta cũng không thể ngờ được rằng vật giúp anh ta qua mặt vợ có ngày lại gây họa cho anh ta.

Bị phần tử phạm pháp lợi dụng

Chiều 28/2/2010, vừa ăn tết xong Khoa đi làm, đang vui vẻ ngồi “chém gió” với đồng nghiệp cùng phòng thì đột nhiên 3 người mặc sắc phục cảnh sát đến trước mặt. Cảnh sát cho biết họ tìm thấy chứng cứ Khoa liên quan đến một vụ án cướp tài sản và hiếp dâm. 

Lâm Khoa bị dẫn đi trước mặt đồng nghiệp, tại cơ quan cảnh sát, nhân viên điều tra lập tức lấy vân tay của Khoa, đồng thời nhận định Khoa là đối tượng tình nghi số một trong vụ án cướp tài sản và hiếp dâm đúng vào đêm giao thừa 2010. 

Khoa nghe xong giật mình kinh ngạc vì đêm giao thừa anh ta ở cùng gia đình, không đi đâu thì sao có thể trở thành nghi phạm trong vụ án này? Sau khi cảnh sát lấy lời khai của vợ con Khoa, cho thấy lời khai của Khoa là thật. Khoa có chứng cứ ngoại phạm, đồng thời cũng không có động cơ gây án. Thế nhưng, dấu vân tay tại hiện trường lại hoàn toàn phù hợp với với vân tay của Khoa, vậy thực hư chuyện này ra sao?

Tình tiết vụ án cướp tài sản và hiếp dâm cho thấy, vào đêm giao thừa 2010, cô công nhân 20 tuổi tên La Hoàn, vì tiết kiệm tiền nên không về quê ở Tân Cương mà ở lại khu nhà thuê trọ. Đêm hôm đó, cô nằm xem tiết mục đón chào năm mới rồi đi ngủ. Đang ngủ say, bỗng nhiên có người đến cạnh giường bịt mồm khiến cô giật mình choàng tỉnh. Phát hiện một người đàn ông cao lớn gằn giọng ép cô đưa tiền bạc và đồ trang sức có giá trị cho mình. 

Để bảo toàn tính mạng, Hoàn đành đưa thẻ ngân hàng và 500 tệ tiền mặt cho đối tượng trên, đồng thời giải thích rằng mình là công nhân nên chỉ có như vậy. Hoàn liên tục cầu xin nhưng đối tượng trên không chịu buông tha. Gã đe dọa: “Không có tiền cũng được, nhưng phải để tao ngủ với mày”. Nói xong gã dùng vũ lực xé quần áo của Hoàn rồi thực hiện hành vi đồi bại. 

Sau khi thỏa mãn thú tính, đối tượng bịt mặt cầm tiền và thẻ ngân hàng bỏ đi. Sau khi sự việc xảy ra, nạn nhân lập tức báo cảnh sát, do lúc đó đối tượng bịt mặt nên không thể nhận diện. Tổ phá án chỉ có duy nhất một chứng cứ là dấu vân tay đối tượng để lại tại hiện trường. Sau đó, dấu vân tay của đối tượng được gửi lên viện khoa học hình sự thuộc sở công an để giám định.

Bằng các nghiệp vụ điều tra đối chiếu, cuối cùng phát hiện dấu vân tay trên phù hợp với dấu vân tay của nhân viên ngân hàng tại Trùng Khánh. Sau đó, mở rộng điều tra, cảnh sát đã làm rõ hung thủ gây ra vụ án trên, Lâm Khoa nhờ vậy mới thoát khỏi là đối tượng tình nghi.

Theo đó, cảnh sát phát hiện cửa phòng thuê của Hoàn không có bất kỳ dấu vết cạy phá nào, có thể xác định đối tượng gây án đã dùng chìa khóa để mở cửa phòng. Do vậy, cơ quan điều tra nhận định chủ phòng thuê trọ tên Vương Lâm là đối tượng tình nghi số một. Qua thẩm vấn, đối tượng này cuối cùng đã khai nhận toàn bộ hành vi cũng như động cơ gây án của mình:

Vương Lâm (31 tuổi), đã từng có một cuộc hôn nhân thất bại, sau khi ly hôn anh ta ở cùng cha mẹ tại ngôi nhà 3 tầng lầu. Thu nhập chủ yếu là cho thuê phòng trọ. Đầu năm 2009, Lâm lên mạng rồi tìm được mối làm ăn là bán vân tay. Tuy thỉnh thoảng có một vài đơn hàng nhưng trên mạng anh ta “nổ” là mỗi tháng bán được vài chục chiếc vân tay. 

Tháng 6/2009, cô công nhân xinh đẹp La Hoàn đến thuê phòng trọ, Lâm có cảm tình ngay từ cái nhìn đầu tiên. Lâm đã bỏ nhiều công sức tán tỉnh cô công nhân, nhưng luôn bị Hoàn từ chối, nói mình vẫn còn nhỏ, cha mẹ cũng chưa muốn cô có bạn trai. 

Đêm giao thừa 2010, Vương Lâm vô tình biết được La Hoàn ở lại phòng trọ, anh ta mừng thầm trong bụng, quyết tâm sẽ chiếm bằng được Hoàn về tay mình. Trước đó, Lâm đã mời Hoàn cùng ăn bữa cơm tất niên nhưng bị từ chối càng thôi thúc Lâm thực hiện kế hoạch bỉ ổi.

Khoảng 2h sáng mồng 1, đoán chắc hoàn đã ngủ, Lâm đeo chiếc găng tay có vân tay của Lâm Khoa vào rồi bịt mặt mở cửa phòng của Hoàn. Lâm cố tình cào mấy vết lên gần ổ khóa và yêu cầu nạn nhân đưa tiền, tạo vụ cướp tài sản để đánh lạc hướng điều tra còn mục đích chính của Lâm là cưỡng đoạt cô gái. Sau khi hãm hại nạn nhân, Lâm về nhà chắc mẩm rằng cảnh sát sẽ không thể lần ra mình vì dấu vân tay là của một người đặt hàng trên mạng.

Về phần Lâm Khoa chỉ vì một lần vô ý mua bán trên mạng mà để lại hậu họa, suýt trở thành phần tử phạm tội. Thông thường, khi làm cho khách, Vương Lâm thường làm thêm mấy chiếc găng tay rồi thuyết phục khách hàng mua số tượng nhiều để được giảm giá. Không ngờ, lúc anh ta lấy đại một đôi găng tay lại đúng vào vân tay của Khoa. 

Về phần Khoa, trước đó khoảng 1 năm, Khoa đánh nhau với bạn nên lưu lại dấu vân tay của mình tại cơ quan điều tra, dấu vân tay này sau đó được nhập vào kho lưu trữ điện tử toàn quốc.

Sau khi vụ án được làm rõ, Lâm Khoa cuối cùng được trả lại sự trong sạch, Giang Nê Bình biết việc chồng ứng phó với mình nên suýt vướng vào kiếp lao tù, cô tỏ ra vô cùng hối hận. Cô cũng tự tỉnh ngộ ra rằng, nếu không phải vì mình quá đa nghi thì đã không xảy ra sự việc như vậy. 

Tại bữa cơm chúc mừng ngày chồng bình an trở về, cô chân thành xin lỗi chồng: “Sau những gì đã xảy ra, cuối cùng em hiểu được rằng, tình yêu đích thực không phải là để đối phương sống trong tâm mắt của mình mà cần cho họ sự tự do, chỉ có sự tin tưởng và chân thành mới giữ chân được người mình yêu”.

Hai vợ chồng liên tục dùng mọi cách để đối phó với nhau, nhưng họ không phải là đối thủ, không thù địch mà là mối quan hệ thân thiết nhất. Sau vụ án này cho thấy một bài học rất đơn giản nhưng vô cùng đắt giá: Nếu giữa vợ chồng mất đi sự tin tưởng tối thiểu và thiếu sự hiểu biết lẫn nhau thì hạnh phúc sẽ không bao giờ bền lâu.

Đọc thêm