Tắc đường trên… đỉnh Everest

(PLVN) - Số người chết trên núi đã tăng lên 11 trong một ngày sau khi một bác sĩ người Mỹ thiệt mạng trên đường từ đỉnh đi xuống. Một người leo núi người Australia cũng được phát hiện bất tỉnh nhưng đã sống sót sau khi được vận chuyển xuống dốc trên lưng một con bò Tây Tạng.
Bức ảnh cho thấy cảnh ùn tắc trên đường lên đỉnh Everest vào sáng 23/5. Điểm khoanh tròn là thi thể một người tử vong vì kiệt sức
Bức ảnh cho thấy cảnh ùn tắc trên đường lên đỉnh Everest vào sáng 23/5. Điểm khoanh tròn là thi thể một người tử vong vì kiệt sức

Mùa leo núi chết chóc

Elia Saikaly, một nhà làm phim, đã đến Hillary Step, đoạn đường cuối cùng trước khi lên đỉnh núi, vào sáng 23/5, nơi mặt trời ló rạng cho thấy thi thể của một người leo núi khác. 

Ở độ cao đó, người ta gần như không có lựa chọn nào khác ngoài tiếp tục di chuyển. Nhóm của anh, bao gồm Joyce Azzam, người phụ nữ Lebanon đầu tiên leo lên "Bảy đỉnh cao" của thế giới, tới đỉnh núi không lâu sau đó.

“Tôi không thể tin vào những gì tôi thấy ở đó. Chết chóc. Hỗn loạn. Những hàng người. Xác chết trên tuyến đường và trong lều ở trại 4. Xác người nằm la liệt. Mọi người bị kéo xuống. Bước qua các thi thể. Mọi thứ bạn đọc được trong các tiêu đề giật gân đều hiển hiện trong đêm ở đỉnh núi của chúng tôi", Saikaly nói về những giờ cuối cùng trong chuyến leo núi của anh trong một bài viết.

Mùa leo núi Everest năm nay là mùa leo núi chết chóc thứ tư trong lịch sử. Nguyên nhân được cho là thời tiết xấu, người leo núi thiếu kinh nghiệm và số giấy phép kỷ lục do chính phủ Nepal cấp, cùng với quy tắc mọi người leo núi phải đi cùng với một người bản địa, dẫn đến có hơn 820 người cố gắng leo lên đến đỉnh.

"Có hơn 200 người leo núi trên đường tới đỉnh núi. Tôi tình cờ gặp một người leo núi đã chết, người đó đã được cố định vào một điểm neo giữa hai đường an toàn và mỗi người đang leo lên đỉnh phải bước qua xác người đó", Saikaly nói về hành trình của mình.

"Thật khó cho những người ở mực nước biển, những người không phải là người leo núi, những người chưa bao giờ ở trên 8.000 m, để hiểu được cảnh tượng kỳ dị đó. Khi bạn ở trên đỉnh Everest và ở khu vực tử thần, bạn hầu như không thể nghĩ gì. Đó là một tình huống rất phức tạp và bạn nhận ra rằng mình có thể chịu chung số phận. Với hàng người thúc bạn phải đi lên tiếp, bạn chẳng thể làm gì. Bạn thực sự không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục", anh nói.

Bức ảnh ghi lại cảnh tắc nghẽn trên đường lên đỉnh Everest do Nirmal Pujra chụp vào sáng 23/5 được chia sẻ rộng rãi trên mạng. Nó cho thấy hơn 100 người leo núi đang chờ đợi, một số đã đợi tới 12 giờ, để đến lượt leo lên đỉnh. Hơn 200 người đã đạt đến đỉnh cao 8.848 m trong ngày hôm đó.

Cấp phép ồ ạt cho những người bất cẩn?

Chad Gaston, một nhà leo núi khác đã leo lên đỉnh thành công, mô tả sự khó khăn của việc vượt qua những người hấp hối trên đường đi, bao gồm một người đàn ông quấn chặt "như xác ướp với dây thừng buộc vào mình". Anh cho biết người đàn ông bất động và không mở mắt.

Xa hơn nữa, anh thấy một người đàn ông "đang ôm ngực và cúi xuống". "Tôi đợi một lúc và sau khi anh ấy không nhúc nhích, tôi tiến đến gần. Anh ấy nói anh ấy khó thở, mặc dù tôi thấy mặt nạ dưỡng khí của anh ấy vẫn ổn. Anh ấy ở trong tình trạng rất tệ, mặt tái nhợt, lúng búng và run rẩy. Tôi rất buồn khi nghe nói anh ấy đã qua đời, vào đêm hôm đó trên núi", anh kể lại.

Thêm mười người đã chết trong tháng vừa qua khi cố gắng leo lên những ngọn núi khác của dãy núi Himalaya, đưa tổng số người chết lên 21.

Một người leo núi người Australia được tìm thấy trong tình trạng bất tỉnh trên đỉnh núi và được xác định vào ngày 28/5 là Gilian Lee. Theo Mingma Sherpa, chủ tịch của hiệp hội Seven Summit Treks, người đàn ông đến từ Canberra đang cố gắng chinh phục đỉnh núi lần thứ tư mà không sử dụng oxy bổ sung khi được một đội cứu hộ Nepal phát hiện vào ngày 22/5. 

Ameesha Chauhan, đến từ Ấn Độ, người sống sót sau khi gặp nạn trên đỉnh Everest
Ameesha Chauhan, đến từ Ấn Độ, người sống sót sau khi gặp nạn trên đỉnh Everest

Một con bò Tây Tạng đã chở Lee khoảng 1.000 m xuống núi tới chiếc xe đậu ở độ cao khoảng 5.600 m. Anh đã bay đến bệnh viện ở Kathmandu và được chăm sóc đặc biệt.

Những vụ tử vong đã khởi động lại cuộc tranh luận về việc có cần quy định tốt hơn cho Everest hay không, đặc biệt là ở phía giới chức Nepal, nơi 381 giấy phép leo núi được cấp trong năm nay.

"Nó (đỉnh Everest) vẫn thường đông như thế", ông Mingma nói. "Nếu có một tuần trời tốt, đỉnh núi sẽ không quá chật chội. Nhưng đôi khi chỉ có 2 - 3 ngày thời tiết tốt, người ta sẽ đổ tới".

Số lượng người tìm cách chinh phục đỉnh Everest đã bùng nổ trong những năm gần đây, được thúc đẩy bởi sự gia tăng của những người leo núi từ Ấn Độ và Trung Quốc. 

Hàng chục công ty leo núi giá rẻ cũng đã mọc lên trong 10 năm qua, với một số bị cáo buộc cung cấp dịch vụ không an toàn hoặc hạ thấp yêu cầu đối với khách hàng về thể lực và kinh nghiệm.

Alan Arnette, một nhà leo núi giàu kinh nghiệm, nói rằng những người leo núi chờ đợi hàng giờ trên những đỉnh núi quá đông gây áp lực lên nguồn cung cấp oxy có lẽ là nguyên nhân của năm trong số 21 cái chết trong mùa này. Phần còn lại có thể là do đào tạo kém, thiếu kinh nghiệm, các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn và sự hỗ trợ không đầy đủ từ hướng dẫn viên.

"Đây chủ yếu là do sự bất cẩn của những người leo núi. Chính phủ cần đảm bảo rằng những người leo núi tiềm năng nên có kinh nghiệm leo núi trước khi cố gắng chinh phục đỉnh Everest hùng vĩ", một người bản địa nói.

Kiệt sức là một nguy cơ mà mọi nhà leo núi đều phải đối mặt. Nhưng tại sao tình trạng ùn tắc ở đỉnh núi Everest lại khiến nhiều người mất mạng? Tắc nghẽn giao thông đồng nghĩa với việc mọi người phải trải qua nhiều thời gian hơn ở độ cao bất lợi cho cơ thể con người. Nếu họ muốn xuống núi do cảm thấy không khỏe, thời gian chờ áp dụng những biện pháp giúp cứu sống sinh mạng sẽ lâu hơn.

Núi Everest ở độ cao 8.848 m so với mực nước biển (núi cao nhất thế giới). Tuy nhiên, nhà leo núi có thể bắt đầu gặp phải chứng say độ cao hay còn gọi là say núi cấp tính (AMS) ở độ cao thấp hơn nhiều (2.500 m), theo tiến sĩ Andrew Luks, giáo sư về phổi, hồi sức cấp cứu và y học giấc ngủ.

Say độ cao không gây chết người, nhưng các triệu chứng có thể làm nhà leo núi cảm thấy khó chịu. AMS ảnh hưởng tới 77% nhà leo núi ở độ cao từ 1.850 đến 5.895 m, Luke cho biết trong nghiên cứu công bố năm 2015 trên tạp chí Sinh lý học Ứng dụng. Các nhà leo núi mắc chứng AMS thường bị đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, hôn mê và mê sảng. Theo Luks, nhà leo núi có thể tránh AMS bằng cách leo núi từ từ sau khi đạt độ cao 3.000 m, không vận động quá sức và uống thuốc chống say.

Người gặp chứng AMS nên ngừng leo núi ngay lập tức. Nếu các triệu chứng không thuyên giảm trong vòng 1 - 2 ngày, bệnh nhân cần xuống núi. Dạng nặng hơn của say độ cao gồm phù não độ cao lớn (HACE) và phù phổi độ cao lớn (HAPE). Hai hội chứng này rất hiếm gặp nhưng có thể gây chết người.

HACE ảnh hưởng tới chưa tới 1% nhà leo núi ở độ cao trên 2.987 m. Nhiều người mắc HACE lúc đầu cũng gặp chứng AMS. Sau khi bị phù não, họ có thể mất khả năng giữ thăng bằng hoặc phối hợp vận động, cảm thấy vô cùng mệt mỏi, thậm chí rơi vào hôn mê. Bệnh nhân HACE cần xuống núi nhanh hết mức có thể, dùng mặt nạ oxy, uống thuốc chống say hoặc nằm trong buồng bội áp di động.

Trong khi đó, HAPE ảnh hưởng tới 8% nhà leo núi ở độ cao từ 2.500 đến 5.500 m. Nếu dịch tích tụ trong phổi, nhà leo núi có thể di chuyển chậm hơn, bị ho, đôi khi ra đờm có bọt màu hồng.

Chứng tê cóng, hạ thân nhiệt và kiệt sức cũng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của nhà leo núi. Việc phải xếp hàng dài để leo núi và xuống núi chỉ khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn. "Một người càng mất nhiều thời gian hơn ở trên ngưỡng độ cao khiến họ say, nguy cơ họ gặp phải càng lớn hơn. Nếu người nào đó không thể xuống núi do hàng người kéo dài, họ sẽ khó được điều trị kịp thời", Luks nhấn mạnh.

Khi chờ đợi trong hàng, người leo núi không ăn uống hay ngủ nghỉ. Họ cũng dần sử dụng hết nguồn oxy quý giá nếu mang theo bình dưỡng khí và phải tiếp xúc với điều kiện lạnh giá.

Quyết tâm leo lên đỉnh núi cũng góp phần dẫn tới nguy cơ. "Những người này thường phải đầu tư lượng lớn thời gian và tiền bạc vào hành trình leo núi. Vào một ngày thời tiết đẹp, thật khó để thuyết phục họ quay về bởi hàng người quá dài", Luks giải thích.

Đọc thêm