Tác nghiệp trên đất triệu voi

(PLO) - Trong đời làm báo, dù đã đi nhiều nơi nhưng dịp tác nghiệp trên đất Triệu Voi khiến tôi không thể nào quên, bởi nơi đây tôi như được ở giữa những người nhà thân quen…
Tác nghiệp trên đất triệu voi
Tháng 7 ở Viêng Chăn bắt đầu vào mùa mưa. Những cơn mưa ở đây không kéo dài như ở Hà Nội mà ào đến rồi qua rất nhanh. Trời hửng nắng và thời tiết dịu mát. Đón chúng tôi ở Sân bay quốc tế Wattay là Đoàn cán bộ của Bộ Tư pháp Lào. Dù tôi và một số thành viên khác trong Đoàn Việt Nam lần đầu đến Viêng Chăn nhưng khi tiếp xúc với các cán bộ Lào, cảm giác như người thân lâu ngày gặp lại, không có cảm giác xa cách, cũng bởi vì nhiều cán bộ của Bộ Tư pháp Lào nói tiếng Việt rất giỏi do họ đã từng được đào tạo tại Việt Nam. Ngay cả ông Cha Lơn  Nhia – Nao - hơ, khi đó là Bộ trưởng Bộ Tư pháp CHDCND Lào cũng sử dụng tiếng Việt rất chuẩn. Vì nguyên tắc ngoại giao, trong suốt cuộc hội đàm, hai bên đều sử dụng ngôn ngữ nước mình, song cứ thi thoảng có cơ hội, ông Cha Lơn lại nói tiếng Việt, thậm chí còn nhắc cả phiên dịch khi họ chưa tìm được từ Việt để diễn đạt. 
Đoàn phía Việt Nam tới Lào dự Hội nghị Tư pháp các tỉnh đường biên Việt – Lào lần thứ hai rất đông, song như thường lệ, buổi tối trước khi Đoàn rời Viêng Chăn, ông Cha Lơn lại mời cả đoàn ăn cơm tại tư gia. Những món ăn đặc sản Lào được đem ra giới thiệu, mọi người vừa giao lưu vừa múa điệu Lăm Vông. Nếu như múa đối với đàn ông ở Việt Nam là... một điều xa xỉ thì ở Lào, đó là chuyện thường ngày. Nhạc nổi lên, đầu tiên còn e dè, ngại ngần nhưng khi các cô gái Lào e ấp đến bên cạnh mời rất nhiệt tình thì không có người đàn ông Việt nào có thể từ chối. Những điệu múa Lăm Vông trên nền nhạc Lào khiến người ta xích lại gần nhau và quên đi thời gian khi đã bước sang một ngày mới.
Không chỉ các cán bộ ở Bộ Tư pháp Lào giỏi tiếng Việt, các cán bộ lãnh đạo Tư pháp địa phương nhiều người cũng giao tiếp bằng tiếng Việt và rất hiểu các phong tục Việt Nam. Sở dĩ như vậy vì cũng giống như mối quan hệ sắt son, lâu bền Việt – Lào, Tư pháp các tỉnh đường biên cũng thường xuyên giao lưu, qua lại, trao đổi và hợp tác.
Ở Lào không có biển nên mỗi mùa hè đến, cán bộ tư pháp Lào lại sang Việt Nam để được đắm mình trên những bãi biển phẳng lỳ, xa tít tắp. Có lẽ cũng vì thế mà món quà của Việt Nam khi mang tới Lào là... mực khô luôn được các bạn cực kỳ ưa thích.
Thu Hằng, Phó trưởng ban Nội chính.
Thu Hằng, Phó trưởng ban Nội chính. 
Lại nói đến chuyện tác nghiệp ở Lào. Các nhà báo Lào cũng kỷ luật không kém gì Việt Nam. Khi Đoàn Bộ Tư pháp Việt Nam do Bộ trưởng Hà Hùng Cường dẫn đầu tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Lào, thăm xã giao Chánh án Tòa án, Viện trưởng VKSND, Đô trưởng Viêng Chăn, các nhà báo Lào đều có mặt rất sớm. Họ cũng tuân thủ nguyên tắc chỉ tác nghiệp những phút đầu để các cuộc trao đổi diễn ra trong trật tự, tập trung. Những tin tức của Đoàn Bộ Tư pháp Việt Nam tại Lào đều được cập nhật rất kịp thời trên các bản tin thời sự của Truyền hình Quốc gia. 
Tại Viêng Chăn hiện nay cơ bản đều có đại diện của các cơ quan báo lớn của Việt Nam như Thông tấn xã, VOV, VTV... Khi tôi sang đưa tin về Hội nghị, mọi người giúp đỡ rất nhiệt tình, vì ở Viêng Chăn, internet không tiện lợi như ở Việt Nam. Khách sạn 4 sao nhưng Wifi lúc được, lúc mất. Các đồng nghiệp cứ chạy ngược xuôi giúp tôi gửi bài về Tòa soạn. Buổi tối, mọi người lại tụ tập, đi một vòng Viêng Chăn, ngồi uống bia Lào bên bờ  Mê Kông, kể cho nhau nghe tình hình trong nước. 
Tấm chân tình của các bạn Lào không chỉ ở những câu chuyện diễn ra bên lề Hội nghị Tư pháp các tỉnh đường biên mà người dân Lào cũng rất thật thà, chân chất. Đặc biệt khi thấy người Việt, họ đối xử rất nhiệt tình. Từ anh thợ chụp ảnh ở Thạt – Luổng đến cô bán hàng lưu niệm tại chợ đêm ven bờ sông Mê Kông hay  tiếp viên ở những quán bar sang trọng trong thành phố... Khi nhận ra chúng tôi là người Việt, nhiều người vui tính còn cất cao câu hát “Việt Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà – Cửu Long”.

Đọc thêm