Tai nạn lao động: Nhiều vụ do không tuân thủ an toàn lao động

(PLVN) - Chiều 11/4, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức họp báo công bố về tình hình tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp năm 2018.
Hình minh họa
Hình minh họa

Theo Cục An toàn lao động (ATLĐ), báo cáo của 63/63 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư năm 2018 trên toàn quốc đã xảy ra 7.997 vụ TNLĐ làm 8.229 người bị nạn (bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động).

Năm 2018, tình hình TNLĐ trong khu vực có quan hệ lao động giảm so với năm 2017 cả về số người chết và số vụ TNLĐ chết người. Nhưng khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động lại tăng 18,6% so với năm 2017.

Các tỉnh TP HCM, Hà Nội, Hải Dương, Thái Nguyên, Yên Bái, Đồng Nai, Quảng Ninh, Cà Mau, Quảng Nam, Bình Dương là những địa phương có số người chết vì TNLĐ nhiều nhất trong năm 2018, bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.  

Theo ông Hà Tất Thắng – Cục trưởng Cục ATLĐ, phân tích từ 114 biên bản điều tra TNLĐ chết người cho thấy, lĩnh vực xây dựng vẫn đứng đầu về TNLĐ chiếm 15,79% tổng số vụ tai nạn và 15,57 % tổng số người chết. Sau đó lần lượt là lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, da giày, khai thác mỏ, khai thác khoáng sản.

Cũng theo phân tích từ 114 biên bản điều tra TNLĐ chết người, thì có một thực tế đáng lo ngại xảy ra. Đó là việc người sử dụng lao động không tuân thủ các nguyên tắc ATLĐ dẫn đến xảy ra TNLĐ chết người chiếm đa số. Về phía người lao động, nguyên nhân do người lao động vi phạm quy trình quy chuẩn ATLĐ chiếm 18,42% tổng số số vụ. Còn lại 35,06% là những vụ TNLĐ xảy ra do các nguyên nhân khác như: tai nạn giao thông, nguyên nhân TNLĐ do người khác, khách quan khó tránh...

Để khắc phục việc người sử dụng lao động không tuân thủ các nguyên tắc ATLĐ dẫn đến xảy ra TNLĐ chết người chiếm đa số trong năm 2018, Cục trưởng Cục ATLĐ đề nghị năm 2019, các bộ, ngành chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc ngành và lĩnh vực quản lý chủ động kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động; phối hợp với Bộ LĐTB&XH thường xuyên thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ, sự cố nghiêm trọng như: Xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, da giày, khai thác mỏ, khoáng sản đặc biệt là các công trình xây dựng trọng điểm, tiếp giáp với khu dân cư, đông người qua lại.

Ông Hà Tất Thắng cũng cho biết thêm, để đảm bảo quyền lợi cho người bị TNLĐ, hiện cơ quan chức năng đang trình Chính phủ chương trình bảo hiểm TNLĐ tự nguyện, trong đó người tham gia sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ phòng ngừa, trong trường hợp xảy ra TNLĐ thì sẽ được hỗ trợ. 

Đọc thêm