Tấm gương sáng của người trí thức yêu nước miền Nam

(PLO) -Buổi đầu đất Nam Kỳ lục tỉnh nổi dậy chống Tây xâm, những tên tuổi của Trương Định, Nguyễn Trung Trực vang danh khắp dải đất phía Nam. Và cái tên “Thủ khoa Huân”, cũng hiện diện trong buổi khắp đất Lục tỉnh súng Tây nổ đì đùng. 
 

 

Đền thờ Nguyễn Hữu Huân tại xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Ảnh-Đỗ Minh Tiến
Đền thờ Nguyễn Hữu Huân tại xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Ảnh-Đỗ Minh Tiến

Khi viết về Nguyễn Hữu Huân (1830-1875), được nhân dân miền Nam quen gọi là “Thủ khoa Huân”, sách “Những danh sĩ miền Nam” đã gọi ông là “tấm gương sáng của người trí thức yêu nước miền Nam”. 

Tấm gương sáng ấy, nổi bật với “tinh thần yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, về ý chí chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì sự sống còn của dân tộc, của nhân dân”. Điểm qua đời hoạt động của ông, lời nhận xét trên càng thêm xác đáng hơn bao giờ hết. 

Nghiên bút nên danh

Trước hết, về quê hương của Nguyễn Hữu Huân, được “Những danh sĩ miền Nam” cho biết, cha của ông, vốn người gốc Bình Thuận, tên là Nguyễn Hữu Cẩm. Ông Cẩm có tiếng là người làm ăn giỏi. Sau di cư vào đất Định Tường, ở làng Tịnh Hà, huyện Kiến Hưng, nay là xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Sau ông Cẩm làm Hương cả. 

Ghi chép trong “Định Tường Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân tiểu truyện”, ta biết được đôi điều về con người Nguyễn Hữu Huân, ông được biết đến là “tính hào hiệp, ôm lòng lỗi lạc cổ nhân, có chí trượng phu khảng khái”. Tính khí ấy, rõ là phải đặt vào sứ mệnh làm việc phi thường chứ chẳng chơi. 

Vốn tính thông minh, sáng dạ, Huân chăm chỉ đèn sách. Vẫn trong “Định Tường Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân tiểu truyện” còn cho rằng, ông ra đất Thăng Long để du học. Sau khi sức học đã đầy, họ Nguyễn “lều chõng” đi thi nhằm khoa thi Hương năm Nhâm Tý (1852).

Năm ấy, Nguyễn Hữu Huân thi nơi trường thi Gia Định. Trong “Quốc triều Hương khoa lục” cho ta biết, khoa thi Hương năm ấy tại trường thi Gia Định lấy đỗ 13 người. Và tên của Nguyễn Hữu Huân, ở vị trí nhất bảng:

“Nguyễn Hữu Huân. Người thôn Tịnh Giang huyện Kiến Hưng tỉnh Định Tường. Làm quan tới chức Giáo thụ Kiến An. Mộ nghĩa dũng, sung Phó Quản đạo. Lại mộ nghĩa, rất có tiếng tăm, bị bắt đày đi Đại Hải bảy năm. Được tha về, lại mộ nghĩa, đắp lũy kháng cự, lại bị bắt, tử tiết”.

Sự nghiệp của vị Thủ khoa, được ghi lại trân trọng, tỉ mỉ thế đấy. Lúc này, tuổi ông mới hơn 20 (Trong “Văn học miền Nam lục tỉnh”, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu cho rằng ông sinh năm Tân Sửu (1841), nếu thế khi đậu Thủ khoa thi Hương, Nguyễn Hữu Huân mới chớm tuổi thiếu niên, thật không phải lắm).

Cũng bởi chiếm vị trí Thủ khoa kỳ thi Hương đất Gia Định, từ ấy, dân gian hâm mộ, gọi ông là “Thủ khoa Huân”. Bấy giờ, đất nước vẫn còn trong cảnh thanh bình, giày Tây chưa đặt tới giày xéo non sông, gấm vóc.

Đỗ đạt rồi, như trong “Triểu sử và hành trạng các nhà khoa bảng Hán học Nam Bộ”, thì Thủ khoa Huân được triều đình “bổ làm Giáo thọ phủ Kiến An, tỉnh Định Tường là chức học quan. Bấy giờ phủ Kiến An kiêm lý huyện Kiến Hưng, phủ lỵ và huyện lỵ đóng chung.

Trường học phủ và trường học huyện chung một cơ sở. Viên Giáo thọ phủ Kiến An kiêm luôn chức vụ Huấn đạo của huyện Kiến Hưng. Vì vậy có tài liệu viết ông làm Giáo thọ (chức chính) phủ Kiến An, lại có tài liệu viết ông làm Giáo thọ huyện Kiến Hưng”. Xét ra, với học vấn và tiếng tăm của mình, vị trí đó rõ là hợp với họ Nguyễn. 

Dưới cờ Trương Định

Những tưởng đời làm quan của Nguyễn Hữu Huân sẽ hòa vào chốn quan trường mà chảy trôi theo quan lộ. Nhưng rồi, tiếng súng xâm lược của kẻ thù mà dạo ấy dân ta gọi là Phú Lang Sa (France-Pháp) nổ vang nơi bán đảo Sơn Trà, để rồi chẳng bao lâu sau, nơi Gia Định, quân Tây tràn đến.

Là kẻ sĩ trước nguy cơ nước nhà rơi vào tay giặc Pháp như hầu hết những sĩ phu yêu nước khác, Nguyễn Hữu Huân không đành ngồi nhìn cái cảnh đau lòng diễn ra trước mắt, mà trong “Thi văn quốc cấm thời Pháp thuộc” có ghi:

Xóm làng đình miễu tan hoang, 

Thành siêu vách đổ muôn vàn đắng cay.

Máu thây oan nghiệt rẫy đầy,

Chém cha cái lũ thằng Tây bạo tàn. 

Chịu ơn vua, hưởng lộc nước, lẽ nào kẻ sĩ lại dửng dưng trước vận nước. Thế nên cái câu hỏi:

Hỡi trang dẹp loạn giờ ai?

Sao chưa địch khái trổ tài một phen?

Hỏi đấy, cũng là trả lời đấy. Và Nguyễn Hữu Huân, cũng không phải là một ngoại lệ. Thế nên, trong “Bài ngoại mậu kiến liệt truyện” mới ghi “Khi Nam Kỳ có việc, ông mộ nghĩa dũng được sung Phó Quản đạo, bị bắt rồi được tha”. Sự thể việc ấy thế nào? Ta lại nên xem “Định Tường Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân tiểu truyện”, thì trình bày tường tận lắm lắm. 

Sau khi Pháp đem quân vào Nam Kỳ, rồi chiếm được 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ là Gia Định, Định Tường, Biên Hòa. Lúc này ở nơi đất Gò Công, Trương Định nổi lên đánh Pháp, được đông đảo sĩ phu, nhân dân hưởng ứng theo về.

Chân dung Thủ khoa Huân
Chân dung Thủ khoa Huân

Và “Nguyễn Hữu Huân nghe biết tin ấy, rủ đồng chí là Thiên hộ Dương (người tỉnh Bình Định, Trung Kỳ vào sống ở Nam Kỳ, ngụ ở thành tỉnh Gia Định) cùng đi Gò Công đầu quân. Trương Công Định thu dùng, phong Thiên hộ Dương làm Chánh Quản đạo, Nguyễn Hữu Huân làm Phó Quản đạo, giữ lại dưới trướng để giúp việc. Ba người đồng tâm hiệp lực, chiêu binh mãi mã, đặt đồn đắp lũy, đánh nhau với quân Pháp một năm, bên nào cũng có tử thương”. 

Tiếc rằng, năm Quý Hợi (1863), vì bị bội phản, nên nghĩa quân Trương Định quân ít, lương thiếu không đủ sức cầm cự được với giặc Pháp, vị chủ tướng “Bình Tây đại nguyên soái” họ Trương đã tuốt gươm tự tận. Từ đây, Thủ khoa Huân bắt đầu một con đường chiến đấu mới của ông. 

Anh hùng sa cơ

Là anh hùng đánh giặc vì nước, nên tên tuổi Thủ khoa Huân, được Quốc sử quán nhà Nguyễn trân trọng ghi vào “Đại Nam liệt truyện”. Nơi sách này, có đoạn: “Năm Tự Đức thứ 21, Lục tỉnh có việc, Hữu Huân chiêu mộ nghĩa binh tính chuyện khôi phục, việc lộ bị quân Pháp bắt đày ra nước ngoài 7 năm”. Đây chính là đoạn cho ta biết, anh hùng đến lúc sa cơ. 

Trương Định mất, Thủ khoa Huân cùng Thiên hộ Dương nhiều phen hợp sức cùng nhau đánh giặc. Nơi “Văn học miền Nam lục tỉnh” khi viết về ông, cho biết Nguyễn Hữu Huân mộ quân, đóng tại các vị trí thuộc Cai Lậy, Mỹ Quý, Thuộc Nhiêu.

Pháp cùng Việt gian thấy thế của Thủ khoa Huân ngày càng mạnh, nên nhiều phen đem quân tiến đánh. Tỉ như tháng 6/1863, trong trận Thuộc Nhiêu, Nguyễn Hữu Huân thất lợi, phải “cùng một ít tân binh chạy về trú ẩn nơi miền Thất Sơn”. 

Tháng Giêng năm Giáp Tý (1864), Thiên hộ Dương cùng Thủ khoa Huân hợp lại, thanh thế lại mạnh, như lời “Định Tường Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân tiểu truyện” thì “Lúc ấy tiếng tăm nghĩa quân lừng lẫy ở ba tỉnh Vĩnh Long, Châu Đốc, Hà Tiên, thiên hạ biết tin, hưởng ứng rất nhiều”. Cũng bởi thế, hai ông trở thành mối bận tâm lớn của người Pháp.

Đến nỗi chúng phải gửi thư cho quan tỉnh An Giang rằng “Nay hai tướng giặc ở tỉnh Gia Định là Thiên hộ Dương, Nguyễn Hữu Huân dấy loạn, lén trốn về tỉnh An Giang, mưu đồ việc quấy, tàn hại sinh linh, chống cự nước Pháp mà quan tỉnh sao lại như không biết? Nay hẹn trong một tháng phải nã bắt cho được hai tên giặc ấy, giải về Gia Định để chính quyền Pháp xét xử. Nếu không tuân lệnh, điềm nhiên ngồi nhìn thì nước Pháp sẽ đem binh mã đến đánh lấy ba tỉnh vùng Hậu Giang”. 

Trước áp lực của người Pháp, chính quyền tỉnh An Giang bắt vị Thủ khoa họ Nguyễn. Biết tin, quân Pháp buộc chính quyền Đại Nam phải giao ông cho chúng, nhưng không được như ý. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu, thì để gây áp lực “Thủy sư đô đốc De la Grandière liền hạ lệnh đến dudong (Cao Miên) cho Doudaret de Lagrée đem đại bác và 500 quân theo đường thủy xuống uy hiếp An Giang, buộc nhà cầm quyền tỉnh nầy phải giao nạp lãnh tụ kháng chiến Nguyễn Hữu Huân cho họ”.

Tổng đốc An Giang từ chối, Pháp liền gia hạn trong hai tiếng không thực hiện, sẽ nã đại bác phá thành và đổ quân lên Châu Đốc. Thế là ông Huân rơi vào tay Pháp. Riêng nơi “Định Tường Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân tiểu truyện” thì ghi rõ, khi quan tỉnh An Giang bắt Thủ khoa Huân tháng 6 năm Giáp Tý (1864), thì Án sát Phạm Hoằng Đạt xin triều đình tha cho ông.

Vua Tự Đức ưng thuận, hạ chiếu cho quan tỉnh An Giang giải ông về kinh xét xử. Thế nhưng, chiếu chưa đến nơi thì Thủ khoa Huân đã sang tay người Pháp rồi. Đây chính là cảnh, anh hùng đến lúc sa cơ vậy…

Đọc thêm