Tấm gương soi của con trai

(PLO) - Dạy dỗ con gái đã khó, rèn giũa các cậu nhóc càng khó hơn gấp vạn lần. Người đời thường nói: “Con hư tại mẹ” mà không biết rằng vai trò giáo dục của người cha ảnh hưởng vô cùng lớn đến sự hình thành và phát triển nhân cách của con trẻ, đặc biệt là các đấng nam nhi…!
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.

“Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy”…!

Khẳng định này không 100% đúng nhưng đó là một điều không thể phủ nhận. Thực tế, chúng ta vẫn biết phần lớn những đứa trẻ hư, thậm chí là phạm tội thường sinh ra trong những gia đình có nền tảng không vững chắc (bố mẹ không hòa hợp, ít quan tâm đến việc giáo dục con cái…), ly hôn hoặc khuyết thiếu bố hoặc mẹ.

Bằng chứng là: Nếu bạn sinh ra trong một gia đình hoàn hảo, cha mẹ hạnh phúc, mọi người yêu thương nhau… thì tất nhiên bản thân bạn, con cái bạn sau này cũng sẽ trân trọng, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, biết “kính trên nhường dưới”. Ngược lại, một đứa trẻ sống trong một mái ấm lạnh lẽo, ít tình thương và không có sự quan tâm, giáo dục đến nơi đến chốn, nó sẽ không thể phát triển đầy đủ về mặt tinh thần, cũng như hoàn thiện về mặt nhân cách.

Người đời thường nói: “Con hư tại mẹ” mà không biết rằng vai trò giáo dục của người cha ảnh hưởng vô cùng lớn đến sự hình thành và phát triển nhân cách của con trẻ, đặc biệt là các đấng nam nhi. Theo các chuyên gia về giáo dục và tâm lý, bên cạnh vai trò giáo dục, dạy dỗ của người mẹ, người cha chính là tấm gương soi cho các cậu con trai. Theo thời gian, cộng với sự giáo dục của người trụ cột trong gia đình, các cậu nhóc sẽ phát triển, trưởng thành và mang dáng dấp, nhân cách của chính người cha mình. Cũng bởi lẽ đó, cha ông ta mới có câu: “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy”, hay “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”…

Qua thời gian, cũng như từ trải nghiệm cuộc sống và nỗ lực tự học hỏi, anh Nguyễn Thanh Bình, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định cho biết, anh đã nuôi dạy hai đứa con ăn học thành người. Bí quyết quan trọng nhất giúp anh có được điều đó chính là bản thân anh luôn điều chỉnh mình, cũng như hoàn thiện về nhân cách để xứng đáng là tấm gương cho con soi vào. Theo anh Bình, có được điều này cũng là nhờ sự giáo dục của người cha đã khuất – người đàn ông mà anh Bình luôn ngưỡng mộ và khẳng định là “người đàn ông hoàn hảo và tuyệt vời nhất!” .

Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Ông cũng chính là thần tượng trong lòng anh bấy lâu nay. Đối lập với trường hợp của gia đình anh Bình là hình ảnh của những đứa trẻ sống trong những gia đình, bố mẹ thường xuyên cãi cọ, ít quan tâm đến cho cái. Đó là những người đàn ông thường xuyên đi sớm về khuya, nhậu nhẹt, cờ bạc suốt ngày…

Sau mỗi cơn say xỉn, chơi bời tới bến không biết đường về ấy là những trận đòn roi, mắng chửi… Để rồi, hậu quả đau lòng là hình ảnh không tốt về người cha, là sự thù hận ngùn ngụt trong những tâm hồn vô cùng non nớt ấy, cuối cùng là con đường dẫn đến tù tội. Và thật đau lòng khi nạn nhân của những án mạng, thương tích là những người cha, còn thủ phạm gây ra chính là những đứa con mà họ đã sinh thành…

Hãy là “người bạn” của con!

Cũng là những người cha tốt, luôn yêu thương và quan tâm đến việc chăm sóc và giáo dục con nhưng không phải bậc làm cha nào cũng dạy dỗ con một cách hiệu quả. Một người bạn học của tôi chia sẻ: cô rất buồn trước cách dạy con “chẳng giống ai” và “đầy ấu trĩ” của chồng mình. Theo đó, chồng bạn tôi là một người rất gia trưởng. Và anh luôn đem sự gia trưởng cùng cách giáo dục mà anh đã hấp thụ trong một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhưng hiếu học xưa kia để dạy dỗ con.

Vẫn biết đó là một trong những cách giáo dục con không kém phần hiệu quả. Đó cũng là tấm gương sáng để các con anh rọi vào hoàn thiện mình. Nhưng cô bạn học của tôi cho rằng, chính sự áp đặt có phần hơi thái quá (bắt con phải trở thành bản sao của mình, từ lề lối ăn uống, học hành, sinh hoạt…) của chồng cô, không những khiến hai cậu quý tử bị “thui chột” khả năng sáng tạo và sở trường của mình, mà còn không phục, sợ hãi và xa lánh bố.

Bàn về câu chuyện rất thực tế này, PGS. TS. Chung Á – chuyên gia hàng đầu về xã hội học ở Việt Nam cho rằng, đó là một sự tụt hậu. Theo TS. Chung Á, gia trưởng ở thời đại này xem ra không còn phù hợp nữa, vì thế các phụ huynh nên xem xét lại cách giáo dục con cái của mình. Thay bằng sự áp đặt, người cha nên chia sẻ với con sẽ phù hợp hơn. Chuyên gia xã hội học này phân tích: “Đứa trẻ sinh ra giống như một tờ giấy trắng nhưng không phải chúng ta muốn vẽ gì thì vẽ, mà phải luôn chia sẻ và thấu hiểu để con phát triển đầy đủ và phát huy hết thế mạnh và sự sáng tạo của mình. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cũng nên tham khảo những phương pháp giáo dục con cái thành công từ những gia đình khác, hoặc tham gia các khóa học kỹ năng làm cha, làm mẹ để lựa chọn cho mình cách dạy dỗ con hiệu quả nhất!”.

Chia sẻ kinh nghiệm dạy con của mình, anh Nguyễn Thanh Bình cho biết, xác định nhân cách của mình có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành nhân cách của con trai nên cố gắng học hỏi, hoàn thiện bản thân để làm gương cho con. Bên cạnh đó, anh cũng cố gắng kiềm chế mọi nóng giận, hạn chế dùng những ngôn ngừ thô tục để mắng con. Mỗi khi con mắc lỗi, anh chỉ nhẹ nhàng phân tích, sao cho con hiểu ra vấn đề, tự sửa chữa lỗi lầm của mình. Tuy nhiên, cũng có trường hợp anh phải tỏ ra nghiêm khắc với các con để tạo nên một “tiền lệ” tốt trong gia đình, cũng như giữ được cái uy của người cha. “Tùy cơ ứng biến”, cũng có tình huống phải kết hợp cả sự nghiêm khắc và nhẹ nhàng.

Để minh chứng cho phương pháp dạy con khá hữu hiệu này, anh kể, có lần cả nhà đang ăn cơm và nói chuyện rất vui vẻ thì cậu con trai đặt phịch bát cơm đang ăn dở xuống mâm vì mẹ tỏ ý không hài lòng về kết quả học tập của cậu. Không chỉ thế, cậu bé còn đùng đùng bỏ vào nhà tắm với thái độ rất bực tức. Trước tình huống này, anh Bình không những không mắng chửi con (như đa số các bậc phụ huynh vẫn làm) mà ân cần, mềm mỏng gọi con ra phân tích cho cậu hiểu và bảo con tiếp tục ăn cơm. Cũng trong buổi tối đó, anh rủ con đi uống cà phê và chuyện trò với con như một người bạn. Khi đã thông suốt, cậu bé khóc òa lên, xin lỗi và ôm chầm lấy bố. Từ đó, họ trở thành bạn tâm tình của nhau…

Anh cũng cho hay, con trai anh tuy ngoan ngoãn, nhưng lại là một cậu bé bản tính rụt rè và nhút nhát. Cũng chính vì lẽ đó, hồi nhỏ đi học cậu thường xuyên bị bạn bắt nạt. Nhiều lần nhìn thấy những vết mực lem luốc trên lưng áo con trai, anh bực lắm nhưng không mắng con, mà chỉ nhẹ nhàng “kích” cậu bé phản ứng lại kiểu trêu đùa không mấy đẹp đó. Chỉ sau vài lần tỏ thái độ rõ ràng với các bạn, không những bản lĩnh của cậu nhóc tăng dần lên mà các bạn cũng không dám bắt nạt cậu nữa. Biết con nhút nhát, anh Bình kiên trì khuyến khích động viên con đến những chỗ đông người như công viên, rạp chiếu phim… cho con quen dần với những nơi đó.

Biết thằng bé rất sợ nước, anh bỏ thời gian cho con ra bể bơi. Lúc đầu cu cậu không dám xuống, chỉ ngồi trên bờ nhìn. Dần dà, phần vì nóng, phần vì thấy các bạn bơi giỏi quá, cộng với sự kích động của bố, cậu tự tin nhảy ùm xuống nước và biết bơi chỉ sau đó 1 tuần. Bình thường thằng bé không thích thể thao, nhưng nhờ sự kiên trì thuyết phục của bố, con trai anh Bình đã chiều bố đi học môn bóng rổ. 

Có lần, vô tình ngang qua sân bóng rổ của con trai, anh Bình tận mắt chứng kiến một cậu bé dáng vẻ to béo nhảy bổ vào tát con mình. Mặt dù  rất ức nhưng anh vẫn cố gắng giữ bình tĩnh xem con trai phản ứng thế nào.  Ôm cặp má sưng vù và ửng đỏ vì vừa bị “ăn” cái tát như trời giáng, con trai anh Bình chỉ điềm nhiên nói với cậu bạn kia: “Anh lớn như vậy mà đánh em là không đáng mặt làm anh. Hơn nữa, em có lỗi gì đâu mà anh lại xử sự với em như vậy?!”. Nghe bạn phân trần, cậu bạn kia chỉ còn biết cúi đầu im lặng… Lúc bấy giờ anh Bình mới ra mặt giảng giải cho cậu bạn kia mọi điều phải trái và những bài học ứng xử cần thiết trong cuộc sống.

Sau lần đó, hai cậu bé trở thành đôi bạn thân thiết, còn anh Bình đương nhiên trở thành chỗ dựa tinh thần vô cùng quan trọng của chúng. “Hãy là người bạn chân thành của con. Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu và chia sẻ với các con mọi buồn vui trong cuộc sống – đó là phương pháp hữu hiệu mà tôi luôn tâm niệm và áp dụng để dạy dỗ con trẻ…!” – người đàn ông này chia sẻ.

Đọc thêm