Tâm lý 'cuồng' đồ miễn phí đang làm xấu xí giới trẻ?

(PLO) - Xếp hàng cả ngày chỉ để nhận một món quà nhỏ, tranh cướp, giẫm đạp nhau vì một bữa buffet miễn phí hay gây ách tắc giao thông để nhận phần ăn thử của một nhà hàng mới khai trương..., những cảnh tượng ấy khiến nhiều người đặt ra câu hỏi, phải chăng những thứ miễn phí ấy đã khiến nhiều người trẻ trở nên xấu xí hơn? 
Quang cảnh tranh giành tại tiệc buffet miễn phí ở Cần Thơ. Ảnh chụp từ clip
Quang cảnh tranh giành tại tiệc buffet miễn phí ở Cần Thơ. Ảnh chụp từ clip

Nhốn nháo vì đồ miễn phí

Mới đây, một nhà hàng ở Cần Thơ đã phải chứng kiến một cảnh hỗn loạn chưa từng thấy vì hàng trăm người tranh cướp thức ăn ở tiệc buffet miễn phí. Hàng trăm người đã đứng chờ sẵn, đến khi phục vụ nhà hàng vừa cho thức ăn vào các khay, lập tức đám đông lao vào gắp lấy gắp để thức ăn vào đĩa của mình, chỉ trong chưa quá một phút, các khay thức ăn đã hết sạch trong sự nhốn nháo náo loạn.

Mặc dù MC nhà hàng liên tục yêu cầu mọi người không gây mất trật tự cũng như lấy thức ăn chừng mực, nếu không nhà hàng sẽ ngưng phục vụ nhưng cũng không có hiệu quả vì đám đông còn mải tranh nhau thức ăn... Đoạn clip được tung lên mạng sau đó đã khiến dư luận ngán ngẩm và xấu hổ thay cho hình ảnh của những người quá coi trọng miếng ăn mà khiến mình trở nên thiếu văn minh và tự trọng. 

Chuyện tranh giành nhau thức ăn ở các quán ăn phát miễn phí không phải lần đầu tiên diễn ra. Không ít lần, các cửa hàng khai trương có chương trình phát thức ăn miễn phí đã gây ra sự náo loạn ngay trước cửa hàng và ách tắc giao thông trong khu vực vì lượng người tập trung quá đông và chen chúc nhau. 

Khi M., một chuỗi thức ăn nhanh có tiếng ở nước ngoài khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam đã tổ chức chương trình phát những phần ăn nhanh miễn phí ở TP HCM vào hai ngày với bánh burger, khoai tây, nước ngọt, áo thun và đồ chơi. Và cảnh tượng mà ai đi ngang cũng thấy đó là những dòng xe máy xếp dài dằng dặc giữa nắng trưa để tranh nhau nhận quà, có người đem cả con nhỏ xếp hàng mấy tiếng đồng hồ, mồ hôi nhễ nhại, tiếng cãi vã, xô đẩy nhau như một cái chợ vỡ... làm người đi đường hết sức ngao ngán.

Sự kiên nhẫn đặt sai chỗ

Có một nghịch lý có thể nhận ra ở rất nhiều người trẻ Việt. Đó là họ có thể bận và lười trong khá nhiều việc, lười học hỏi, lười giúp đỡ người khác, lười hỏi han gia đình, lười đem rác bỏ vào thùng rác... nhưng lại có thể rất kiên nhẫn, chịu khó trong những chương trình nhận đồ miễn phí. 

Mới đây, một trung tâm phân phối mỹ phẩm đã khai trương cửa hàng tại quận Phú Nhuận (TP HCM). Trong chương trình truyền thông của mình, cửa hàng đưa ra những món quà và chính sách giá rất ưu đãi cho một loạt khách mua hàng đầu tiên. Và có hàng trăm bạn trẻ, trong đó có sinh viên, học sinh đã xếp hàng từ... 3h sáng để được là những người đầu tiên nhận ưu đãi lớn ấy. 

Tương tự, khi HM., một thương hiệu thời trang nổi tiếng quốc tế mở cửa ở Việt Nam, chỉ vì món quà là chiếc giỏ đựng đồ, hàng ngàn bạn trẻ đã chấp nhận thức thâu đêm, xếp hàng từ chập tối hôm trước cho đến sáng hôm sau để được sở hữu món quà mà không biết mình có nhu cầu sử dụng hay không. Sau khi nhận quà, thất vọng, nhiều bạn trẻ thậm chí vứt bỏ hoặc đem cho món đồ đã khiến mình tốn công sức và thời gian xếp hàng hàng chục tiếng đồng hồ.

Không quá khó để tạo ra một “cơn sốt” trong giới trẻ, và chuyện đơn giản nhất là đem cho họ cái gì đó miễn phí, theo trào lưu. Đó là lý do khiến rất nhiều thương hiệu mới có mặt trên thị trường chọn cách phát quà, thức ăn miễn phí để tạo ra một “cơn sốt” ngay trước cửa hàng của mình. Chiêu thức này rất hay được các cửa hàng trà sữa áp dụng.

Thế nên, hôm nay, người ta thấy các bạn trẻ rồng rắn xếp hàng cả ngày ở cửa hàng trà sữa này để nhận trà sữa miễn phí, hôm sau, một thương hiệu trà sữa mới ra mắt, những đám đông như thế tiếp tục xuất hiện, đủ kiên nhẫn để giành cả nửa ngày trời nhận một ly trà sữa vài chục ngàn đồng.

Trên thực tế, giá trị của những món quà, món ăn miễn phí ấy không quá cao, thông thường là vài chục ngàn cho đến trên 100 ngàn. Thế nhưng, không hiểu sao nó vẫn đủ sức hấp dẫn khiến những người trẻ hy sinh thời gian, sức khoẻ, thậm chí làm xấu xí hình ảnh của mình. 

Phải chăng, sau tất cả thì giá trị vật chất của món hàng tặng không phải là thứ có hấp lực đến thế, mà chính là tâm lý chuộng hàng khuyến mãi, hàng miễn phí đã khiến cả một bộ phận người trẻ tự biến mình thành những người thiếu văn minh, thiếu ý thức trong mắt mọi người? Đó là một thực trạng đáng để buồn và lo. 

Đọc thêm