Tân Thành 'thay da đổi thịt'

(PLO) - Tân Thành là một xã vùng quê nghèo khó từ những thập niên 1980 trở về trước và nay thuộc huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), người dân nơi đây rất cần cù lao động, chân chất thật thà nhưng cũng vô cùng dũng cảm đối mặt với quân thù trong những năm tháng chiến tranh ác liệt... 
Tân Thành là một vùng đất đầy tiềm năng phát triển
Tân Thành là một vùng đất đầy tiềm năng phát triển

Ai đã một lần từng đến Tân Thành vào thời điểm đó, thì hôm nay không thể không bất ngờ trước sự “thay da đổi thịt” của một vùng đất đầy tiềm năng này.

Tân Thành ngày ấy…

Chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nơi đây là vùng tự do, là căn cứ chiến đấu và cũng là căn cứ hậu phương chiến lược tại chỗ của tỉnh Bình Thuận, một trong những nơi cung cấp nhân tài vật lực lớn nhất cho huyện, cho tỉnh và cho cả vùng cực Nam Trung Bộ.

Ngày ấy, vùng biển Tân Thành đẹp và nhiều hải sản, chỉ cần một giác trủ (lưới) kéo vào bờ thì cá bộ đội ta vừa nấu, vừa nướng, vừa xẻ khô và vừa làm mắm, đủ bồi dưỡng cho cả đơn vị trong nhiều ngày. Chính vì thế, sau mỗi trận đánh, mỗi đợt chiến dịch, hoặc anh em thương bệnh binh sau khi ra viện thường được đưa về đây an dưỡng, phục hồi sức khỏe.

Rồi trong hai mươi mốt năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi đây chỉ còn là vùng đất chết, bom cày, đạn xới, chất độc khai hoang đã để lại “di chứng” cho đến bây giờ. Chiến tranh đã tàn phá, hủy diệt cây cối hoa màu, ruộng vườn và những công trình mà bao thế hệ tạo lập, bồi đắp.

Sau ngày quê hương được giải phóng, đất nước thống nhất (30/4/1975), người dân Tân Thành lại tiếp tục với cuộc chiến đấu mới như: rà phá bom mìn, giải phóng đất đai, khai hoang phục hóa. Máu của họ lại tiếp tục đổ và mồ hôi, nước mắt lại thấm vào mảnh đất này.

Ngọn Hải đăng Kê Gà đã tồn tại trên 110 năm
Ngọn Hải đăng Kê Gà đã tồn tại trên 110 năm

Thay da đổi thịt

Nhờ có địa thế khá thuận lợi, cảnh vật thiên nhiên nên thơ, có đồi rừng ở phía sau, cánh đồng làng phía trước nối liền với động cát trắng và mịn dọc ven biển đã tạo thành một “vành đai” ôm trọn cả vùng quê có bề dày truyền thống cách mạng này.

Nước biển trong xanh bốn mùa, ngọn Hải đăng Kê Gà đã tồn tại trên 110 năm, quét sáng trong bán kính 22 hải lý, nhấp nháy quanh năm ở độ cao 65 mét so mặt biển để báo hiệu cho tàu thuyền trong nước và bè bạn khắp nơi xuôi ngược định hướng tìm về.

Đường lối đổi mới do Đảng đề xướng và lãnh đạo, có chính sách thông thoáng của nền kinh tế thị trường, được người dân Tân Thành đón nhận như một luồng gió mới trong lành. Những nhà đầu tư nhiều nơi cũng được thu hút về và xem nơi đây là vùng đất có nhiều tiềm năng và cơ hội để đầu tư phát triển làm du lịch, khu nghỉ dưỡng.

Tính từ năm 2000 đến nay, trên địa bàn toàn xã Tân Thành đã có hàng chục dự án du lịch được giao đất và cấp giấy phép hoạt động với 212,2 ha, tổng nguồn vốn lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Đến nay, đã có nhiều dự án đi vào hoạt động bước đầu có hiệu quả, giải quyết được việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn một số dự án đã qua nhiều năm xây dựng nhưng mới chỉ ở giai đoạn san ủi mặt bằng. Cá biệt có những dự án chỉ xem nơi đây là vùng đất còn hoang sơ và nhiều tiềm năng mà “quên” triển khai.

Thiết nghĩ, thời gian tới câu chuyện này cần phải được các cấp, các ngành quan tâm kịp thời tháo gỡ những ách tắc, để nền kinh tế địa phương phát triển một cách bền vững và toàn diện hơn. Tuy đó đây trong quá trình phát triển vẫn còn bộc lộ nhiều yếu kém cần phải khắc phục, nhưng những gì mà Đảng, chính quyền và nhân dân xã Tân Thành đã đạt được ngày hôm nay là thành quả lớn lao, cần phải trân trọng.

Đọc thêm