Tăng vụ việc xâm hại trẻ em

(PLO) - Theo báo cáo mới nhất của Bộ LĐ-TB&XH,  các vụ việc xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực trẻ em có xu hướng ngày càng phức tạp, nghiêm trọng. 
Hình minh họa. Nguồn Internet
Hình minh họa. Nguồn Internet

5 tháng đầu năm 2018, toàn quốc phát hiện 682 vụ xâm hại 735 em, trong đó xâm hại tình dục là 572 vụ với 562 em bị xâm hại. Đáng chú ý, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình như bố đẻ, bố dượng, anh, em họ... chiếm đến 21,3%, bị xâm hại do thầy giáo, nhân viên nhà trường là 6,2%, bởi người quen, hàng xóm là 59,9%, người lạ là 12,6%.

“Việc xử lý một số vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em chưa được giải quyết kịp thời, chưa thỏa đáng, còn kéo dài dẫn đến bức xúc trong xã hội”, báo cáo tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV do Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ký nêu rõ. Và cũng tại kỳ họp, trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đánh giá rằng “Cá nhân tôi cho rằng con số có thể tăng lên”.

Chỉ trước phiên chất vấn mấy ngày, nhân dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save children) đã công bố báo cáo “Kết thúc tuổi thơ” (báo cáo nhằm đánh giá việc chăm sóc trẻ em của các quốc gia dựa trên chỉ số liên quan đến nguy cơ tuổi thơ của trẻ em kết thúc sớm hay muộn như sức khỏe, suy dinh dưỡng, không được tiếp cận dịch vụ giáo dục, bị buộc phải lao động sớm, tảo hôn, mang thai sớm và bạo lực...)  và theo đó, Việt Nam đã rơi từ hạng thứ 92 xuống hạng 96 trên bảng xếp hạng 175 quốc gia tốt nhất thế giới dành cho trẻ em.

Trong đó, tình trạng suy dinh dưỡng là chỉ số mà Việt Nam bị đánh giá là đạt được tiến bộ ít nhất. Vẫn có hơn 24% trẻ em dưới 5 tuổi của Việt Nam bị suy dinh dưỡng thể thấp còi - cao hơn gấp gần 3 lần so với mức trung bình của cả khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Đặc biệt có sự bất bình đẳng giàu - nghèo ở trẻ em Việt Nam, nhất là trẻ em dân tộc thiểu số nghèo khi trẻ em nghèo có nguy cơ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi cao gấp 7 lần so với trẻ em giàu và có nguy cơ phải lao động sớm cao gấp 8 lần.

Như vậy có thể thấy, chưa lúc nào vấn đề liên quan đến trẻ em lại có nhiều chuyện đáng buồn như hiện nay khi con số các vụ việc xâm hại trẻ em chưa dừng lại còn cái tên Việt Nam thì tụt hạng trong nhóm quốc gia tốt nhất thế giới dành cho trẻ em. Phải làm gì để khắc phục tình trạng này? 

Thông qua báo cáo, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam kêu gọi sự phối hợp liên ngành và sự tham gia của các khu vực công, tư, cơ quan chính phủ, cộng đồng phát triển, và các nhà tài trợ để đóng góp cho những nỗ lực nhằm cải thiện điều kiện sống cho những trẻ em bị thiệt thòi của Việt Nam. Là người đứng đầu ngành có cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tới đây sẽ rà soát lại hệ thống pháp luật một lần nữa, cụ thể hơn trách nhiệm của các ngành, tăng cường sự phối hợp hiệp đồng đề cao giữa gia đình và trường học trong công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Đọc thêm