Tạo cho trẻ em một khởi đầu tốt đẹp

(PLVN) - Sau 4 ngày làm việc, Hội nghị Phát triển trẻ em khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2019 do  Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Mạng lưới phát triển trẻ em khu vực Châu Á – Thái Bình Dương  ARNEC) tổ chức  đã bế mạc tại Hà Nội.
Các em thiếu nhi trao Lời kêu gọi hành động Hà Nội tới các đại biểu
Các em thiếu nhi trao Lời kêu gọi hành động Hà Nội tới các đại biểu

Với sự tham gia nhiệt tình và trách nhiệm của hơn 500 đại biểu đến từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ, 44 tổ chức quốc tế, các nghị sĩ, đại biểu Quốc hội, bộ trưởng, thứ trưởng, đại diện các chính phủ, các tổ chức, các chuyên gia, Hội nghị Phát triển trẻ em khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2019 đã đánh dấu một bước thay đổi quan trọng, là hội nghị đầu tiên cùng nhau xây dựng và thống nhất Lời kêu gọi hành động thực hiện phát triển toàn diện trẻ thơ trong khu vực với sự chứng kiến của trẻ em.

Hội nghị đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng tác động đến phát triển toàn diện trẻ thơ. Tại phiên cấp cao của hội nghị, các nghị sĩ, đại biểu Quốc hội, các bộ trưởng, thứ trưởng đã thảo luận, chia sẻ nhiều kinh nghiệm, bài học về thực hiện phát triển toàn diện trẻ thơ tại các quốc gia trong khu vực với nhiều thành tựu, bên cạnh đó cũng có nhiều thách thức.

Sau 11 phiên thảo luận chủ đề nhánh, việc xây dựng và thực hiện các chiến lược, chính sách, mô hình và hoạt động triển khai khung chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục cha mẹ, thiết lập môi trường an toàn và nhân văn để phát triển trẻ thơ đã diễn ra sôi nổi với rất nhiều thông tin và bài học quý giá.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh nhấn mạnh, Lời kêu gọi hành động Hà Nội sẽ được chọn như sự ưu tiên về những giải pháp và hành động cần thúc đẩy; là cơ sở quan trọng cho sự hợp tác của các quốc gia trong khu vực về phát triển toàn diện trẻ thơ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ hợp tác chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức để tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện Lời kêu gọi hành động Hà Nội.

Bộ LĐ-TB&XH sẽ tập trung thúc đẩy phối hợp liên ngành; tiếp tục rà soát và sửa đổi, bổ sung các chính sách liên quan đến việc hỗ trợ gia đình và trẻ em, ưu tiên các chính sách thúc đẩy phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời; phát triển chương trình tư vấn, giáo dục làm cha mẹ về phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời; quan tâm đến những giải pháp để hạn chế tối đa các ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển trẻ thơ như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, di cư, bất bình đẳng của trẻ em ở các vùng khó khăn.

Đọc thêm